Bộ Công thương chưa bỏ điều kiện với nhập khẩu ôtô

Doanh nghiệp 16/09/2017 08:25

Sẽ có hơn 50% giấy phép con của Bộ Công Thương được cắt giảm tới đây, nhưng điều kiện về sản xuất, nhập khẩu ôtô chưa nằm trong số này.

 

Bộ Công thương chưa bỏ điều kiện với
Ngành nghề sản xuất, nhập khẩu ôtô không nằm trong đợt rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh lần này của Bộ Công Thương

Tại cuộc họp chiều 15/9 về rà soát thủ tục hành chính, Bộ Công Thương cho biết, đã rà soát 1.216 điều kiện kinh doanh thuộc 27 ngành, nghề (chưa tính ngành, nghề sản xuất, nhập khẩu ôtô) và đề xuất 2 phương án giảm "giấy phép con" đang "ẩn" trong các ngành, nghề mà cơ quan này quản lý. Do ngành sản xuất, nhập khẩu ôtô không nằm trong diện rà soát lần này, nên những điều kiện kinh doanh lĩnh vực này chưa được dỡ bỏ. 

Theo các phương án đề xuất cắt giảm, Bộ này sẽ giảm 464 điều kiện, tương đương 38,15% tổng số các điều kiện kinh doanh. Trong đó riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm đề xuất cắt giảm 180/350 điều kiện. Phương án 2, mức cắt giảm lên đến 612 điều kiện kinh doanh, tương đương 50,3% các ngành nghề. Trong đó, riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, số điều kiện đề xuất cắt giảm là 331 trên tổng số 350 điều kiện kinh doanh.

Theo báo cáo của Tổ công tác, trong số 27 ngành nghề nằm trong diện rà soát thì có 10 ngành, nghề không có đề xuất cắt giảm. 17 ngành, nghề kinh doanh đề xuất cắt giảm gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).

Như vậy, sau khi cắt giảm, tổng số điều kiện còn lại của ngành công thương là 752, nếu áp dụng theo phương án một và 604 điều kiện, nếu áp dụng phương án 2. Theo Tổ công tác của Bộ, dù cắt giảm theo phương án nào thì vẫn còn khoảng 100 điều kiện khác cần được rà soát, cắt giảm bổ sung. 

Đánh giá của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Công Thương với 1.216 điều kiện kinh doanh đang tồn tại, hiện là "quán quân" trong số các bộ, ngành còn nhiều thủ tục hành chính cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Phần lớn các điều kiện kinh doanh này đang tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, gia tăng chi phí sản xuất, làm nản lòng các doanh nghiệp. Do vậy, cả VCCI và CIEM đều kiến nghị Bộ Công Thương cần tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm tiếp các thủ tục, trong đó có việc bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh đối với mặt hàng khí, gạo, rượu và dịch vụ logistics.

Tại cuộc họp của Tổ công tác Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương diễn ra đầu tháng 9, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương nhanh chóng rà soát, cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh không cần thiết.

Ý kiến của bạn

Bình luận