Bộ GD&ĐT: Không cắt giảm chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non

02/06/2016 05:34

Bộ GD-ĐT chỉ giảm chỉ tiêu đào tạo giáo viên tiểu học, THCS và THPT nhưng đối với đào tạo giáo viên mầm non sẽ không cắt giảm chỉ tiêu.

Ông Nguyễn Bá Minh lý giải, hiện các cơ sở giáo dục mầm non công lập trong cả nước thiếu khoảng 23.500 giáo viên mầm non. Như vậy, ngành giáo dục phải có lộ trình để bố trí đủ giáo viên mầm non.

Tuy nhiên, ông Minh cũng lo ngại, trong khoảng 10 năm tới khi nhu cầu giáo viên mầm non tại các cơ sở đã đáp ứng đủ nhu cầu, lượng sinh viên tốt nghiệp ngành mầm non ra trường vẫn có thể không có việc làm.

Theo ông Minh, hiện có quá nhiều cơ sở đào tạo giáo viên mầm non nên việc đáp ứng nhu cầu giáo viên mầm non sẽ được giải quyết nhanh chóng. Bộ Giáo dục- Đào tạo đang rà soát lại các cơ sở đào tạo giáo viên, nếu cơ sở không đáp ứng đủ yêu cầu chất lượng thì sẽ không cho đào tạo.

khong-cat-giam-gv-mam-non-162016-1101
Ngành mầm non sẽ tiếp tục được đào tạo giáo viên. (Ảnh minh họa)

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non, đáp ứng yêu cầu đổi mới, Nhà nước cần phải dự báo đến năm 2020 các trường cần đào tạo bao nhiêu giáo viên, từ đó xác định được  quy mô, chỉ tiêu trong đào tạo.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục phải xây dựng được bộ tiêu chuẩn về năng lực, phẩm chất giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới. Nếu không có bộ tiêu chuẩn sẽ không đánh giá được năng lực giáo viên và không có định hướng để cho các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non thực hiện công tác đào tạo.

Trước đó, để khắc phục tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm, Bộ GD&ĐT đề xuất năm 2017 sẽ có lộ trình giảm hợp lý đào tạo từ xa ngành sư phạm so với năm 2016.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT đến tháng 12/2015, cả nước có hơn 35.000 giáo viên phổ thông dư thừa và còn khoảng 10.000 SV sư phạm ra trường chưa biết về đâu.

Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, chưa bao giờ ngành sư phạm lại rơi vào khủng hoảng thừa một cách trầm trọng như vậy. Nguyên nhân có phần do chính sách miễn, giảm học phí đã thu hút lượng lớn người học, trong khi hiện nay số học sinh phổ thông đang ngày một giảm dần.

Trong khi đó, quy mô tuyển sinh hệ chính quy ĐH sư phạm hằng năm, cộng thêm hệ đào tạo từ xa tại một số trường đa ngành thì số lượng cử nhân sư phạm ra trường cũng đã lên tới con số 50.000.

Riêng năm 2016 hệ chính quy của các trường ĐH, CĐ cả nước đã thông báo là 49.562. Nếu tính cả chỉ tiêu đào tạo trung cấp sư phạm chính quy khoảng 15.760 chỉ tiêu thì tổng chỉ tiêu chính quy năm 2016 là 65.322 chỉ tiêu.

Như vậy, theo các chuyên gia ngành sư phạm cảnh báo, đến năm 2020, cả nước sẽ thừa khoảng 70.000 giáo viên từ cấp Tiểu học đến THPT.

Ý kiến của bạn

Bình luận