Bộ GD&ĐT khẳng định không có chuyện học phí các cơ sở đại học tăng mức 50,5 triệu đồng/năm. Ảnh: Lê Hiếu. |
Trong văn bản gửi báo chí ngày 25/10, ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT - thông tin: Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập.
Ngày 8/6, Bộ GD&ĐT trình Chính phủ dự thảo Nghị định lần 2. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, dự thảo mới nhất này không có nội dung về khung học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập như một số báo đã đưa tin.
Dự thảo Nghị định đang được Chính phủ xem xét phê duyệt theo thẩm quyền. Sau khi Chính phủ ban hành, Bộ GD&ĐT sẽ cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan báo chí.
Việc một số báo đưa tin về mức học phí dự kiến đối với các nhóm ngành đào tạo đại học từ năm học 2017-2018 đến năm học 2020-2021 lên đến mức 20,5-50,5 triệu đồng là căn cứ vào dự thảo lần 1 do Bộ GD&ĐT trình Chính phủ ngày 8/9/2016. Thông tin này chưa được các báo cập nhật kịp thời.
Trước đó, báo chí đăng tải Bộ GD&ĐT có dự thảo về cơ chế tự chủ giáo dục đại học đối với các trường công lập trình Chính phủ.
Theo dự thảo này, cơ chế tự chủ sẽ áp dụng với tất cả cơ sở giáo dục ĐH công lập (trừ các trường ĐH xuất sắc và hệ thống trường chính trị).
Dự kiến mức tăng học phí theo Nghị định 86. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Nếu Nghị định này được Chính phủ thông qua, 100% các trường đại học công lập được phê duyệt đề án tự chủ, mức học phí đại học cũng sẽ tăng lên.
Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định rất rõ về mức trần học phí đại học từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 với cả trường chưa thực hiện tự chủ và đã được tự chủ toàn diện. Theo đó, mức học phí chênh lệch khá cao.
Các trường đại học đã tự chủ tài chính sẽ phải đóng cao gấp 2 đến 3,5 lần so với hiện nay (mức 980.000 đến 1,43 triệu đồng/sinh viên/tháng).
Còn so với học phí trường đại học công lập chưa tự chủ hiện nay 7,4-10,7 triệu đồng/năm học 2017-2018, mức học phí trên sẽ tăng gấp 2,8 đến 4,7 lần.
Với trường được tự quyết định mức thu để bù đắp hoàn toàn các khoản chi thường xuyên và chi đầu tư, học phí có thể còn cao hơn nữa. Vì vậy, học phí các trường có thể lên đến mức 20,5-50,5 triệu đồng/năm.
Trước đó, vào tháng 7, ĐH Y khoa Phạm Ngọc, TP.HCM, thông báo mức học phí dự kiến năm học 2017-2018 tăng lên gấp đôi từ tháng 1/2018. Mức học phí dành chung cho tất cả sinh viên (không kể vùng miền) ở các ngành đào tạo từ 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, học phí các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt cao nhất với 4,4 triệu đồng/tháng. Hai ngành này đào tạo 6 năm hệ chính quy. Tháng 7/2016, nhiều sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân phản ánh về học phí năm học 2016-2017 của trường tăng gần 30% so với năm ngoái. Theo đó, mức học phí của các nhóm ngành 1-2-3 (nhóm ngành hot) lần lượt là 12 triệu/năm đến 14,5 triệu/năm và 17 triệu/năm. Trong khi đó, mức học phí của năm ngoái chỉ là 9,5 triệu/năm đến 11,5 triệu/năm và 13,5 triệu/năm. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.