Ảnh minh họa. |
Ngày 4/12, Vụ trưởng Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Bá Minh cho biết, đã đề xuất miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi hệ giáo dục công lập. Đề xuất dựa trên cơ sở Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi với tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi đến trường là 92,16%, trẻ 5 tuổi là 98,75%, tính đến năm học 2016-2017. Nghị quyết 29 của Đảng cũng đặt ra mục tiêu miễn học phí cho trẻ em 5 tuổi trước năm 2020.
Ông Minh phân tích, theo Nghị quyết 46 (tháng 5/2017), từ năm 2018 trẻ 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được miễn học phí để "đảm bảo mọi đối tượng trong độ tuổi đều được tiếp cận với giáo dục, hạn chế tình trạng bỏ học và tăng tỷ lệ trẻ em đến trường". Tuy nhiên, ở nhiều vùng nông thôn, miền núi khác, đặc biệt với các hộ cận nghèo, mức học phí hiện nay dù thấp vẫn là rào cản, gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường.
Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, GS.TS Phạm Tất Dong đồng tình miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi. Nhiều quốc gia đã miễn học phí cho cấp học này. "Ở Việt Nam quy định giáo dục phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi, mà phổ cập tức là học cưỡng bức thì Nhà nước cần có chính sách để trẻ nhà nghèo cũng có thể đến trường", ông Dong nói.
Vụ trưởng Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh. |
Tuy nhiên, giáo sư trăn trở nếu chỉ miễn học phí cho hệ công lập thì có tạo công bằng cho trẻ học mầm non tư thục? Hiện nay nhà nước chưa đáp ứng đủ cơ sở trường lớp cho bậc học mầm non khiến nhiều gia đình phải gửi trẻ vào trường tư thục. Số đông trong nhóm trẻ này lại là con em của công nhân, lao động tự do từ quê nghèo lên thành phố làm việc, không có hộ khẩu đúng tuyến nên không thể vào học trường công. Do đó, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đề nghị cần có chính sách hỗ trợ một phần học phí cho trẻ ở mầm non tư thục.
Trước đó, tại hội thảo Đánh giá kết quả phối hợp công tác pháp chế giữa Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2017 (ngày 1/12), nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục các tỉnh Nam Định, Hà Nam... đề xuất miễn học phí với bậc mầm non. Phó giám đốc Sở Giáo dục Nam Định, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, đóng góp vào ngân sách nhà nước từ học phí của cấp học này chỉ chiếm 3-5% chi phí đầu tư cho hoạt động giáo dục. Con số này rất nhỏ nên việc miễn học phí là cần thiết.
Ông Dũng cũng cho rằng, cần hỗ trợ cả những trẻ mầm non thuộc diện được miễn học phí nhưng phải học tại cơ sở tư thục do trường công không đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là khu đô thị đông dân cư. "Chẳng hạn, chúng tôi tính chi phí giáo dục cho một học sinh khoảng 1,5 triệu mỗi cháu ở trường công lập, gồm lương, cơ sở vật chất, chi thường xuyên thì có thể hỗ trợ một phần số tiền này cho các cháu học ở trường tư thục, dân lập", ông Dũng nói.
Khảo sát và nghiên cứu tình hình miễn học phí tại 18 quốc gia đại diện 4 châu lục Á, Âu, Mỹ, Phi gồm đại diện các nước thu nhập cao, trung bình, thấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, 33% nước miễn học phí hoàn toàn cho cấp học mầm non; 61% miễn học phí với cấp THCS, 8/18 nước miễn học phí hoàn toàn với cấp THPT. Khung học phí chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2015-2016 được quy định như sau: Vùng thành thị từ 60.000 đến 300.000 đồng; vùng nông thôn từ 30.000 đến 120.000 đồng, miền núi từ 8.000 đến 60.000 đồng. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.