Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng sẽ báo cáo Quốc hội xin chủ trương đầu tư Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành vào kỳ họp Quốc hội bắt đầu vào cuối tháng 10 tới đây.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nguyên Hùng – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã giới thiệu sơ bộ về dự án và khẳng định: “Dự án mới dừng ở bước báo cáo tiền khả thi. Nếu được Quốc hội thông qua về chủ trương, chúng tôi sẽ xây dựng báo cáo cụ thể hơn”. Hiện tại, cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã khai thác đạt công suất 20 triệu hành khách/năm và đang trong qua trình cải tạo mở rộng tới công suất 25 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, theo dự kiến, đến năm 2017 cảng Tân Sơn Nhất sẽ bị quá tải so với thiết kế với tốc độ tăng trưởng hành khách là 13 – 14%/ năm. Với nhu cầu dự đoán là 40 – 50 triệu hành khách/năm trong giai đoạn 2025 – 2030 thì việc mở rộng hơn nữa cảng Tân Sơn Nhất là không khả thi.
Cũng theo ông Hùng, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay tại nhiều thời điểm đã quá tải; nhà ga hành khách hiện hữu đã khai thác hết công suất thiết kế. Nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất phải giải toả đền bù 140.000 hộ dân, ảnh hưởng đến gần nửa triệu dân, tính toán sơ bộ, cần phải trên 9 tỷ USD cho GPMB. Nâng cao công suất cảng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường dân sinh của trung tâm TP. Hồ Chí Minh, ngoài ra sẽ không đáp ứng đươc các tiêu chuẩn về phát triển bền vững cũng như an ninh hàng không.
Do đó, việc phải nhanh chóng xây mới một cảng hàng không nhằm chia sẻ sự quá tải Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là cần thiết, bởi sau 2017 thì Tân Sơn Nhất không thể đáp ứng được.
Bên cạnh đó, các quốc gia trong khu vực ASEAN đã quy hoạch và đưa vào khai thác các cảng hàng không quốc tế lớn như Singapore Changi 100 triệu hành khách/năm, Thái Lan Suvarnabhumi 100 triệu hành khách/năm, vì thế để bắt kịp với xu hướng phát triển của khu vực và hội nhập quốc tế, xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Theo quy hoạch được duyệt, cảng hàng không Long Thành được phân kỳ đầu tư: Trong đó, giai đoạn 1a xây dựng nhà ga chính có 1 nhánh trung tâm, 01 đường hạ cất cánh đáp ứng lượng hành khách 17 triệu khách/năm, với tổng mức đầu tư 5,7 tỷ USD (tương đương 119.000 tỷ đồng), mở cửa vào năm 2023.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về việc vốn ở đâu để xây sân bay Long Thành khiến dư luận băn khoăn trong những ngày vừa qua, ông Hùng cho biết dự án sẽ được xây dựng dựa trên nguồn vốn vay ODA nhà nước do các nhà đầu tư đứng lên “tự vay và tự trả”. Việc đầu tư sân bay Long Thành sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động.
Trước những băn khoăn báo chí về nguồn vốn ở đâu để xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, GS. TS Lã Ngọc Khuê – nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bộ GTVT đã nhấn mạnh, tiền ở đâu cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng việc xác định dự án có đáng để ưu tiên đầu tư hay không? “Lấy tiền ở đâu để đầu tư là vấn đề nhiều người quan tâm. Nhưng tôi thì cho rằng quan trọng dự án có xứng đáng để ưu tiên đầu tưhay không? Mọi người không nên cào bằng các dự án. Phải xem đâu là dự án mang tầm chiến lược. Chúng ta nên quan tâm dự án này cần tháo gỡ như thế nào chứ không chỉ là vốn ở đâu?” – GS Lã Ngọc Khuê đặt vấn đề.
Cho rằng đây là một dự án cần thiết để đầu tư, GS. TS. Lã Ngọc Khuê phân tích rất ở nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, xét về tình thế thì sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, dẫn đến ùn tắc đô thị của TP. Hồ Chí Minh. Sân bay Tân Sơn Nhất kết nối hoàn toàn bằng hệ thống giao thông đô thị chứ chưa phải hệ thống giao thông quốc gia, có phần chồng lấn lên sân bay Biên Hoà nên dẫn đến tổn thất kinh tế.
Thứ hai, tất yếu về phát triển. Hàng không đang bùng nổ, kinh tế hội nhập. Hàng không châu Á, hàng không VN tăng trưởng liên tục 2 con số. Sắp tới, mở cửa bầu trời, hàng không giá rẻ.
Mô hình vận tải của hàng không thế giới là dùng sân bay trung chuyển, các sân bay khác là vệ tinh. Đây là xu thế của thế giới.
Nếu chúng ta cứ mãi thế này, liệu chúng ta có tránh được việc trở thành vệ tinh cho những vùng khác không? Chúng ta có chậm chân không? Bài học xương máu trong ngành GTVT là vì không có cảng biển trung chuyển quốc tế, hàng hoá đội giá lên 2 lần. Nếu chúng ta chậm chân, chúng ta sẽ phụ thuộc.
Thứ ba, việc chuyển từ Tân Sơn Nhất sang Long Thành sẽ mở ra cửa mở mới. Long Thành có hệ thống đường bộ quốc gia, 03 đường cao tốc: Hồ Chí Minh-Long Thành – Dầu Giây; Bến Lức – Long Thành; Biên Hoà – Vũng Tàu; đường sắt: Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây… Sân bay Long Thành nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, có mật độ bay cao nhất thế giới. Điều kiện địa chất, khí tượng thuỷ văn, điều kiện địa lý đều rất phù hợp, rất tốt.
Điều này tạo nên động lực phát triển mới cho vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Vấn đề không chỉ là giảm tải cho Tân Sơn Nhất mà là tạo nên cửa mở mới cho phía Nam.
“Với những lý lẽ trên, tôi khẳng định, đây là dự án đáng đầu tư. Có thể thấy rõ nếu ta gọi đầu tư vào đường sắt, vào tàu điện ngầm đô thị còn khó chứ gọi đầu tư nước ngoài vào Long Thành thì rất nhiều đối tác quan tâm, tại sao người ta muốn đầu tư, vì có khả năng thu hồi vốn, vì hấp dẫn. Dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành là cú lật cánh ngoạn mục để ta phát triển” – GS. TS. Lã Ngọc Khuê khẳng định.
Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, không gian hoạt động một cảng hàng không rộng hơn rất nhiều và nếu mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất chắc chắn sẽ tạo ra xung đột giao thông trên không.
“Sân bay quân sự Biên Hoà cách sân bay Tân Sơn Nhất 30km. Đây là sân bay quân sự chiến lược. Nếu chúng ta tăng công suất của TSN thì sẽ xung đột giao thông trên trời với sân bay Biên Hoà. Do vậy, tôi đồng tình với ý kiến cho rằng xây mới cảng hàng không tại Long Thành là phù hợp,” Trung tướng Võ Văn Tuấn bày tỏ quan điểm.
Trước những thắc mắc về việc vay ODA để xây sân bay Long Thành có tăng nợ công hay không, vay có trả được không, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, tác động các khoản vay dự án lên GDP theo giá hiện hành của từng năm là không đáng kể, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2016 – 2019; dự kiến chỉ vào khoảng 0,091% vào năm 2022.
Trả lời câu hỏi về khả năng hoàn vốn của dự án, TS. Lương Hoài Nam – chuyên gia hàng không đánh giá: Con số 5,7 tỷ mới là khái toán. Tổng đầu tư thực tế đến từ nhiều nguồn. Cơ hội mở ra cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Cổ đông chính là ACV, nhà đầu tư… sẽ quyết định chính xác dự án nào sẽ hết bao nhiêu tiền. Trong tổng khái toán, có nhiều hạng mục không phải đầu tư bằng tiền của chủ đầu tư, mặc dù vẫn tính vào con số 7,8 tỷ này. Ví dụ như nhà ga hàng hoá thì phải do hãng hàng không bỏ tiền. Tỷ số hoàn vốn nội tại là hơn 22%, đây là một con số cực kỳ hấp dẫn với nhà đầu tư VN và nước ngoài. Tôi cũng đồng tình với ý kiến của GS. Khuê rằng kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào Long Thành dễ.
Đức Anh
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.