Theo Bộ GTVT, Uber và Grab dù ứng dụng công nghệ trong hoạt động nhưng bản chất là xe vận tải theo hợp đồng. Ngoài dán logo phía ngoài, loại xe này phải dán dòng chữ cảnh báo "tính mạng con người là trên hết" tại vị trí lái xe dễ nhìn nhất. |
Trong công văn trả lời, Bộ GTVT vẫn bảo lưu quan điểm không dừng hoạt động của Uber và Grab nhưng cho biết đồng thuận với một số biện pháp quản lý và đề nghị Chính phủ cho địa phương không gia tăng phương tiện.
Một trong những nội dung quan trọng được đề cập là Bộ GTVT đồng ý với đề nghị dán logo (bao gồm tên, số đơn vị kinh doanh vận tải) phía ngoài xe Uber, Grab.
Bộ GTVT cho hay, nội dung này đã quy định sẵn và trong quyết định cho Uber và Grab thí điểm cũng đã có quy định. Bộ GTVT cho biết cũng đã đốc thúc các Sở GTVT thiết kế mẫu logo chung để thực hiện.
Về việc đề nghị dừng ngay hoạt động của Uber và Grab, Bộ GTVT cho biết, hoạt động của Uber, Grab là bước tiến của công nghệ 4.0 mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người sử dụng và cả cơ quan quản lý nhà nước... nên sẽ tiếp tục cho thí điểm.
Về đề nghị hạn chế số lượng xe, Bộ GTVT cho hay, thẩm quyền cấp phù hiệu thuộc địa phương. Bộ GTVT cũng dẫn văn bản cho hay đã đề nghị Chính phủ cho phép các địa phương không chấp thuận các xe hợp đồng dưới 9 chỗ dùng để chạy Uber và Grab. Tuy nhiên, Bộ GTVT không nói rõ hiện Chính phủ đã đồng ý với đề nghị này hay chưa.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cho biết, một số đề xuất như lái xe Uber, Grab phải được tập huấn nghiệp vụ, có chứng chỉ hành nghề, mặc đồng phục, đeo thẻ nhân viên... sẽ nghiên cứu nội dung này để đưa vào trong quá trình sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh vận tải hiện nay.
Trước đó, vào tháng 10, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có công văn đề nghị Chính phủ nhiều nội dung để quản lý Uber và Grab, trong đó có nội dung đề nghị chấm dứt hoạt động thí điểm của hai doanh nghiệp này. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ GTVT trả lời những nội dung này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.