Bộ GTVT cần ưu tiên cho phát triển đồng bộ

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Chính trị 08/08/2017 16:55

Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại buổi làm việc với Bộ GTVT sáng nay 8/8.


DSC_7338
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng Bộ GTVT cần rà soát lại quy hoạch, phải có tầm nhìn mới khắc phục được tồn tại trong quy hoạch

Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ

Sáng 8/8, Đoàn công tác của Quốc hội do đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bộ GTVT về định hướng phát triển ngành GTVT giai đoạn 2016 - 2025 và tình hình triển khai một số dự án trọng điểm quốc gia.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã báo cáo định hướng phát triển ngành GTVT và tình hình triển khai các dự án quan trọng của ngành như dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao.

Theo đó mục tiêu đến năm 2020, hệ thống GTVT cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, đảm bảo chất lượng ngày càng được nâng cao, giá thành hợp lý; kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường, cụ thể:

Về vận tải: Phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý (theo hướng tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa), đặc biệt trên các hành lang vận tải chính; Nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải; Xây dựng thể chế, chính sách để phát triển vận tải đa phương thức, logistics và kết nối hiệu quả các phương thức vận tải.

Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông:

Đường bộ: Ưu tiên đầu tư, hoàn thành nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1 với quy mô 4 làn xe; Triển khai đầu tư khoảng 2.000km đường cao tốc theo quy hoạch được duyệt, trong đó tập trung đầu tư xây dựng trước một số đoạn đường bộ cao tốc có xét đến hiệu quả chung của việc khai thác các đoạn tuyến quốc lộ 1 song hành; Đầu tư nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh và nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên; Hoàn thành nâng cấp, đ­ưa vào cấp kỹ thuật các tuyến quốc lộ còn lại; Lựa chọn đầu tư những đoạn có nhu cầu trên tuyến đường bộ ven biển gắn với đê biển.

Đường sắt: Tập trung, ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện có; tiếp tục nghiên cứu các phương án khả thi để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp đường sắt mới khổ 1435 mm. Nghiên cứu xây dựng mới các tuyến đường sắt thuộc hai hành lang và một vành đai kinh tế Việt Nam- Trung Quốc, kết nối ASEAN, các tuyến nối đến cảng biển, các khu kinh tế lớn, tuyến nối các tỉnh Tây Nguyên, nối TP. HCM - Vũng Tàu và Cần Thơ.

Hàng không: Tập trung, ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh...) và đầu tư, khai thác có hiệu quả các cảng hàng không hiện có. Khuyến khích hợp tác công tư để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới cảng trung chuyển hàng không quốc tế Long Thành.

Hàng hải: Tập trung, ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, tổ chức khai thác hiệu quả cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải; Xây dựng luồng tàu mới vào sông Hậu; ­Tiếp tục phát triển các cảng biển, các bến container và các bến cảng chuyên dùng đáp ứng nhu cầu trong từng thời kỳ; Xây dựng cảng khách tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc. Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu t­ư phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.

Đường thuỷ nội địa: Hoàn thành đ­ưa vào cấp kỹ thuật, đảm bảo chạy tàu 24/24h các tuyến đường thủy nội địa quan trọng; Nâng cấp và xây dựng mới một số cảng chính, bến hàng hóa hành khách đáp ưng nhu cầu vận tải, đặc biệt khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

Về phát triển giao thông vận tải đô thị: Phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và vận tải công cộng; phấn đấu quỹ đất dành cho giao thông đô thị từ 16 - 26%. Đối với các thành phố lớn, phát triển mạnh hệ thống xe buýt. Đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các trục giao thông hướng tâm, các nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, các tuyến tránh đô thị, các đường vành đai đô thị. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án đường sắt đô thị, đường sắt nội ngoại ô tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Về phát triển giao thông nông thôn: Củng cố và nâng cấp mạng lưới giao thông hiện có theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn. Tỷ lệ mặt đường cứng, rải nhựa hoặc bê tông xi măng đạt 100% đối với đường huyện, 70% đối với đường xã và 50% đối với đường thôn, xóm.

Mục tiêu tầm nhìn đến năm 2030, Cơ bản hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải trong cả nước, đảm bảo sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải. Chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao, đảm bảo: nhanh chóng, an toàn, tiện lợi. 

 

DSC_7357
Đoàn công tác của Quốc hội làm việc với Bộ GTVT.

Tháo gỡ bài toán về vốn 

Trước những vấn đề liên quan đến đầu tư và vốn do đoàn công tác đặt ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, trong thời gian qua ngành GTVT được Nhà nước hết sức quan tâm và xác định giao thông là lĩnh vực đi trước, giao thông đến đâu thì kinh tế phát triển đến đó. Trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn của ngành GTVT hầu hết là ở các địa phương, nên khi Chính phủ phân bố 31% nhu cầu vốn thì không chỉ được phân bổ vào các dự án của Bộ GTVT mà còn rất nhiều dự án địa phương dựa trên nhu cầu phát triển của địa phương. Bộ GTVT dưới sự giám sát, chỉ đạo của Chính phủ đều thực hiện nghiêm túc nội dung chi.

Về phát triển chung, đối với các dự án BOT trong thời gian qua, Quốc hội đang giám sát về lĩnh vực BOT đường bộ, nhưng song song với các lĩnh vực khác thì huy động vốn cũng tương đối. Với cảng biển, chúng ta huy động nguồn lực tư nhân trong nước cũng như nước ngoài được 157 nghìn tỷ đồng để đầu tư các cảng biển. Đầu tư cảng biển chỉ có một vài dự án nhưng chi phí rất lớn. Đối với đường thủy nội địa xấp xỉ 19 nghìn tỷ đồng.

Với các dự án được nhiều sự quan tâm, Bộ GTVT quản lý 5 lĩnh vực vận tải. Hàng không thời gian qua phát triển khá nóng. Về sân bay Long Thành, phương hướng mới đây của Chính phủ là chúng ta cố gắng giải quyết chi phí giải phóng mặt bằng, huy động từ các nguồn lực khác, còn ngân sách nhà nước thì rất khó.

"Nổi cộm nhất hiện nay là sân bay Tân Sân Nhất, Bộ GTVT rất mong Quốc hội tiếp cận và giải quyết phương án Bộ GTVT đang đề nghị. Đây là giải pháp cấp bách với sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng tôi đưa ra đề án với 3 tiêu chí là nhanh nhất, rẻ nhất và nguồn vốn. Các giải pháp Bộ GTVT đề ra đều hướng tới phần lớn không sử dụng ngân sách nhà nước, Bộ GTVT cũng rất mong các bộ ngành khác cùng phối hợp để giải quyết vấn đề này, đây là vấn đề cấp bách", Bộ trưởng nói.

DSC_7364
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết trong thời gian qua ngành GTVT được Nhà nước hết sức quan tâm.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác của Quốc hội đánh giá cao cố gắng của Bộ GTVT trong thời gian qua. Đối với sự phát triển của đất nước trong 30 năm đổi mới, ngành GTVT là tiên phong đi đầu, góp phần vào những thành tựu to lớn của đất nước. Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII cũng như XII, ngành GTVT có chuyển biến sâu sắc, hoàn thành những tuyến đường hết sức quan trọng như đường Hồ Chí Minh, triển khai trên 700km đường cao tốc; đầu tư mạnh cảng biển, giao thông thủy nội địa; hệ thống hàng không phát triển mạnh mẽ; đường sắt dù chậm nhưng cũng có bước phát triển. Hệ thống giao thông kết nối đuợc quốc tế, giao thông địa phương phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là giao thông nông thôn.

Tuy nhiên, ngành GTVT vẫn còn tồn tại một số vấn đề, cần phải lưu ý như công tác quy hoạch từ nay đến 2020, tầm nhìn 2030 đã hợp lý chưa, phù hợp với xu thế phát triển thời đại chưa, đặc biệt là bùng nổ của cách mạng số hóa, quy hoạch đã phù hợp với phát triển đất nước quá trình hội nhập.

Phó chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, vì sao là 1 quốc gia biển, có hệ thống sông ngòi chằng chịt mà vận tải thủy chưa mạnh, vì sao sự kết nối giữa tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không, hàng hải lại chưa hợp lý, chặt chẽ và đảm bảo; giao thông công cộng không phát triển bằng giao thông cá nhân và có sự tranh chấp giữa giao thông công cộng và cá nhân…

Chính vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ GTVT rà soát lại quy hoạch, phải có tầm nhìn mới khắc phục được tồn tại trong quy hoạch, phát huy được nền tảng đã có và sát với tình hình địa lý, tự nhiên, sát với quy hoạch phát triển chung của đất nước.

Trong đó, phải ưu tiên giao thông công cộng và giảm phương tiện giao thông cá nhân, ưu tiên phát triển đường sắt, đường thủy và kết nối các lĩnh vực giao thông. Để có thể làm được phải xác định rõ ràng nguồn lực, trong đó nguồn lực ngân sách là nòng cốt và tập trung vào lĩnh vực, khu vực quan trọng, phải áp dụng khoa học kỹ thuật một cách cương quyết hơn nữa dù đầu tư ban đầu có khó khăn.

“Tôi đề nghị đổi mới phương thức quản lý kể cả quản lý nhà nước, quản lý của doanh nghiệp. Phải giảm được chi phí phi truyền thống, lãng phí, tiêu cực, giảm giá thành cơ sở kết cấu hạ tầng cũng như các loại phí. Phải tăng cường đào tạo đội ngũ, người quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật và coi đây là nhiệm vụ sống còn của ngành GTVT. Và cuối cùng tôi đề nghị các đồng chí rà soát lại hệ thống pháp luật liên quan đến giao thông”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận