Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đường bộ 08/10/2022 12:44

Tiến độ triển khai các dự án thành phần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đều chậm, cần bám sát các mốc tiến độ để đảm bảo yêu cầu của Chính phủ.

Bộ GTVT thúc tiến độ triển khai cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu - Ảnh 1.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 53,7 km (Ảnh minh họa)

Tiến độ triển khai chậm

Bộ GTVT vừa ban hành Thông báo kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tại cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Bộ GTVT cho biết, tiến độ triển khai các dự án thành phần của cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đều chậm so với yêu cầu theo Nghị quyết 90 ngày 25/7/2022 của Chính phủ. Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư của các dự án thành phần phải bám sát các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ để triển khai thực hiện.

Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư các dự án thành phần 1 và 3 khẩn trương hoàn thành các thủ tục lựa chọn, ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, làm cơ sở triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định.

Cùng với đó, chủ đầu tư các dự án thành phần 1 và 2 cần đẩy nhanh tiến độ cập nhật, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường để đồng thời trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đáp ứng tiến độ chung của dự án.

"Chủ đầu tư các dự án thành phần khẩn trương hoàn thiện, trình duyệt thiết kế cơ bản các đoạn tuyến còn lại, làm cơ sở lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB và bàn giao cho địa phương đúng tiến độ yêu cầu (đợt 2 trước ngày 25/10/2022, đợt 3 trước ngày 20/11/2022). Đồng thời phối hợp làm việc, thống nhất về thiết kế và điểm đấu nối hệ thống giao thông thông minh ITS, tạo sự kết nối đồng bộ toàn dự án; chỉ đạo tư vấn nghiên cứu đề xuất vị trí xây dựng trạm dừng nghỉ chung cho toàn tuyến", Bộ GTVT nêu rõ.

Về khớp nối với dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, do dự án tuyến đường sắt chưa xác định rõ được thời điểm sẽ triển khai đầu tư xây dựng, nên trước mắt, để đảm bảo việc đi lại bình thường của người dân trong khu vực, cần bố trí hệ thống đường gom dân sinh đi sát tuyến cao tốc, khi dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu triển khai có trách nhiệm hoàn trả đường gom ra phía ngoài.

Trong đó, tại các vị trí tuyến chính giao cắt với đường sắt (3 vị trí) sẽ đầu tư phân kỳ. Trước mắt, tuyến chính cao tốc đi thấp, khi dự án đường sắt triển khai sẽ đầu tư xây dựng cầu tuyến chính cao tốc vượt lên trên. Các nhánh rẽ tại các nút giao của tuyến cao tốc đầu tư xây dựng cho giai đoạn hoàn chỉnh, bố trí sẵn các vị trí vượt đường sắt đảm bảo các tĩnh không theo quy định.

"Chủ đầu tư các dự án thành phần 1 và 2 làm việc với Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) để thống nhất các nội dung trên trước ngày 10/10/2022, làm cơ sở triển khai thực hiện", Bộ GTVT yêu cầu.

Ngoài ra, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA 85 (chủ đầu tư dự án thành phần 2) làm đầu mối, tổng hợp báo cáo tình hình triển khai thực hiện của 3 dự án thành phần. Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư dự án thành phần 1 và 3 phối hợp cung cấp thông tin để Ban QLDA 85 tổng hợp báo cáo định kỳ trước ngày mùng 5 hàng tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu.

Bộ GTVT thúc tiến độ triển khai cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu - Ảnh 2.

Hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Không bổ sung nút giao liên thông cao tốc với đường tỉnh

Đề cập đến dự án thành phần 2, Bộ GTVT yêu cầu Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường khẩn trương thẩm định trình Bộ GTVT phê duyệt danh mục tiêu chuẩn áp dụng cho dự án thành phần 2, làm cơ sở cho các chủ đầu tư các dự án thành phần 1 và 3 tham khảo.

Về các phương án thiết kế nút giao với cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bộ GTVT yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (chủ đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành), Ban QLDA 85 (chủ đầu tư dự án thành phần 2) chỉ đạo tư vấn khẩn trương rà soát, cập nhật số liệu dự báo nhu cầu vận tải, tính toán số làn xe cần thiết trên các nhánh rẽ, làm cơ sở xem xét quyết định quy mô xây dựng các nhánh rẽ và phạm vi phải điều chỉnh của các dự án có liên quan (nếu cần).

Đối với nút giao với đường tỉnh 25C, tại nút giao có nhiều loại phương tiện tham gia giao thông (ô tô, xe máy…), Bộ GTVT yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Ban QLDA 85 chỉ đạo tư vấn nghiên cứu, rà soát lại phương án thiết kế tổng thể tuyến chính, tuyến nhánh và đường gom đảm bảo cho các loại phương tiện kết nối ra vào sân bay Long Thành an toàn, thuận tiện.

Đề cập đến kiến nghị bổ sung nút giao liên thông với Đường tỉnh 770B tại văn bản số 9400 ngày 8/9/2022 của UBND tỉnh Đồng Nai, thông báo kết luận cho biết, theo báo cáo của Ban QLDA 85 và tư vấn, việc bổ sung nút giao tại vị trí này sẽ không đảm bảo quy định về khoảng cách giữa các nút giao theo tiêu chuẩn TCVN5729:2012, làm hạn chế năng lực thông hành trên tuyến chính.

"Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai đồng thuận không bổ sung nút giao liên thông giữa tuyến cao tốc với ĐT770B, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến nối từ ĐT770B tới đường Liên vùng 03 để kết nối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành", thông báo kết luận nêu rõ.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 53,7 km (tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2 km; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 19,5 km).

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư công. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 - 8 làn xe ô tô cao tốc, giai đoạn 1 quy mô 4 - 6 làn xe ô tô cao tốc theo từng đoạn tuyến.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần, tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.