Bộ GTVT công bố đường dây nóng chặn tham nhũng

Giao thông 24h 16/01/2019 06:23

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký ban hành Chỉ thị yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm quy định pháp luật trong quản lý dự án.


photo-1-15474497679611027551197-crop-1547449793811
Bộ GTVT công bố đường dây nóng chặn tham nhũng

Theo đó, mọi công dân, các nhà thầu khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức có hành vi sách nhiễu, tiêu cực kịp thời báo ngay cho Bộ Giao thông Vận tải theo số điện thoại đường dây nóng: 024.39413313

Cụ thể, Chỉ thị do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ký cho biết, những năm qua, việc quản lý, thực hiện dự án trong ngành giao thông vận tải đã đạt được những kết quả nhất định. Việc thực hiện tốt quản lý dự án góp phần quan trọng trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước, đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh trong đấu thầu và quản lý thi công, từ đó nâng cao chất lượng công trình, thiết bị mua sắm và dịch vụ tư vấn.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, thời gian qua còn một số tồn tại như: Năng lực của một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án ở một số dự án còn hạn chế dẫn đến chất lượng trong quản lý dự án chưa cao, ở một số dự án cục bộ có hiện tượng chất lượng và tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu.

Để tăng cường quản lý dự án, phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong việc quản lý dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả nguồn vốn đầu tư, ngăn chặn, loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động quản lý dự án đầu tư; xây dựng bộ máy các cơ quan tham gia quản lý dự án trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia quản lý dự án tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Đồng thời, tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động về ý nghĩa, tầm quan trọng của phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong quản lý dự án, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, quan trọng cần được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, Chỉ thị của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các đơn vị phân công, xác định rõ trách nhiệm đến từng cá nhân, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tiêu cực, tham nhũng trong quản lý dự án; gắn phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động quản lý dự án với các mục tiêu phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án. Đồng thời, quán triệt nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng; nâng cao chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành giao thông vận tải…

Về hoạt động đấu thầu, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan, đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư, cơ quan quản lý dự án quán triệt sâu sắc, toàn diện và thực hiện nghiêm các nội dụng của Luật Đấu thầu số 43/2013 và các văn bản pháp luật liên quan.

Bộ Giao thông Vận tải cũng nghiêm cấm các hành vi được nêu tại Điều 89 Luật Đấu thầu như: Đưa, nhận môi giới, hối lộ; can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận trong đấu thầu; cản trở hoạt động đấu thầu; không bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; chuyển nhượng thầu trái phép.

Trong quản lý dự án, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án thực hiện công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng theo đúng quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng và các văn bản liên quan. Trong quá trình quản lý, thực hiện dự án, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý dự án dẫn tới chất lượng, tiến độ dự án không đạt yêu cầu, thất thoát tài sản của Nhà nước.

Bộ Giao thông Vận tải cũng nghiêm cấm các hành vi lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, điều chỉnh thiết kế, nghiệm thu công trình sử dụng vốn của Nhà nước trái với quy định; lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng; dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, dự toán, giám sát thi công, xây dựng công trình…/.

Ý kiến của bạn

Bình luận