Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đồng chủ trì buổi làm việc.
Tìm hướng để đột phá hạ tầng giao thông
Tại buổi làm việc, thay mặt Ban Cán sự đảng Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông – Phó Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ đã báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng. Nhìn chung, Nghị quyết đã được triển khai kịp thời, có chiều sâu bằng những chương trình, nhiệm vụ cụ thể nên nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong ngành GTVT đã được nâng cao, tạo được không khí khẩn trương, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành.
Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Trong quản lý đầu tư đã khắc phục một số tồn tại như phân bổ vốn đầu tư dàn trải, quy mô và suất đầu tư chưa hợp lý… Việc huy động vốn ngoài ngân sách được chú trọng, lượng vốn đầu tư theo hình thức BOT, PPP… lớn nhất từ trước đến nay (178.165 tỷ đồng), góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Về công tác tái cơ cấu, công tác tái cơ cấu đầu tư để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông được gắn liền với công tác tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã được triển khai thực hiện quyết liệt và đã thu được một số kết quả quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; nâng cao một bước về năng lực quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; giúp cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Lấy hạ tầng để nuôi hạ tầng
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết về mô hình huy động vốn, hiện nay Bộ GTVT đã chỉ đạo xây dựng 5 đề án về xã hội hóa công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải và trong từng loại hình cũng có phương thức huy động vốn khác nhau và hoàn toàn có thể huy động được.
Bộ trưởng cho biết, mô hình không thể áp dụng chung, mà tùy từng loại hình và trong từng loại hình có phương thức huy động cụ thể khác nhau. Với phương châm dùng hạ tầng để nuôi hạ tầng, hạ tầng đã được đầu tư rồi thì sử dụng hạ tầng đó để phát triển đầu tư hạ tầng tiếp theo, theo dạng cuốn chiếu. Tuy nhiên, cơ chế chính sách phải có sự thay đổi.
Bộ trưởng cũng nêu một số đề xuất xung quanh việc quy định về thuế và phí khi sử dụng những công trình được đầu tư không phải từ ngân sách, người sử dụng có thể lựa chọn sử dụng đường mới, đường tốt và phải trả mức phí tương ứng; nhà đầu tư cũng phải tự quyết định về mức giá này. Đề xuất phương thức sử dụng đất hai bên đường sao cho hợp lý; phương thức kinh doanh các công trình nhà nước đầu tư; cơ chế cho phát triển giao thông nông thôn tùy theo từng địa bàn cụ thể và cơ chế sử dụng tài chính từ cổ phần hóa doanh nghiệp để đầu tư hạ tầng. Bộ trưởng cũng chia sẻ những trăn trở về nhiệm vụ phát triển hạ tầng và vận tải đường sắt, bởi đây là lĩnh vực duy nhất của Ngành còn chưa đạt được chỉ tiêu theo Nghị quyết 13.
Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách
Đánh giá cao những kết qủa đạt được của ngành GTVT trong thời gian qua, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hạ tầng giao thông là một trong những vấn đề được nhân dân, Quốc hội và thế giới đánh giá cao; Ngành GTVT đã bám sát Nghị quyết số 13, có nhiều giải pháp đồng bộ, biến thành chương trình, kế hoạch đề án, công việc cụ thể, tổ chức chỉ đạo rất quyết liệt.
Đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, theo Nghị quyết 13, trong 10 kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, kết cấu hạ tầng giao thông được đặt vị trí rất quan trọng, tuy trong điều kiện hết sức khó khăn về nguồn lực, nhưng hầu hết các chỉ tiêu (trừ đường sắt) của Nghị quyết 13 thì Ngành GTVT đều hoàn thành được kế hoạch, thậm chí còn vượt; đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình giao thông.
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng đề nghị cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách; huy động vốn ngoài ngân sách, thu hút và sử dụng vốn của các tổ chức quốc tế; đặc biệt xây dựng, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông, một trong ba khâu đột phá chiến lược, được tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Đinh La Thăng và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã ký Quy chế phối hợp công tác.
Theo đó, 2 bên sẽ phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các cơ chế, chính sách trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các chủ trương, chính sách lớn về phát triển ngành GTVT, về kinh tế giao thông, tái cơ cấu ngành GTVT, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm ATGT, thị trường dịch vụ vận tải, các chính sách của Nhà nước về huy động, phân bổ và hiệu quả sử dụng các nguồn lực ngành GTVT…
Bộ GTVT và Ban Kinh tế Trung ương cũng phối hợp nghiên cứu, đề xuất chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành GTVT; quản lý và phát triển thị trường dịch vụ vận tải, dịch vụ logistic; quản lý Nhà nước các dịch vụ công; Thẩm định các đề án phát triển KT-XH, các dự án lớn thuộc ngành GTVT trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển KT-XH, phát triển cơ sở hạ tầng, ATGT; sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển KT-XH, về các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ GTVT.
Hai bên sẽ thường xuyên trao đổi thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phát triển KT-XH, xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo ATGT có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên; trao đổi thông tin về hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT quản lý; phối hợp trong công tác nghiên cứu, lý luận về phát triển KT-XH.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.