Từ ePort đến Smart gate
Thời điểm Chi nhánh cảng Tân Vũ (Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng) chưa triển khai hệ thống cảng điện tử (ePort), khi có tờ khai thông quan, anh Nguyễn Nam Dương, Công ty TNHH Tiếp vận Thăng Long phải xuống cảng Tân Vũ để thực hiện ký giám sát và đổi lệnh tại quầy thương vụ. Việc này khiến anh Dương mất khá nhiều thời gian, chi phí đi lại. "Công việc mà tôi thường xuyên đảm nhận là giao hàng nguyên, hạ hàng xuất tàu, kiểm hóa. Khi Chi nhánh cảng Tân Vũ triển khai hệ thống ePort, tôi đã đăng ký tài khoản cá nhân để chủ động thực hiện các thủ tục, thanh toán online, giảm đáng kể thời gian, chi phí", anh Dương chia sẻ và đánh giá ePort phục vụ hiệu quả trong chuỗi logistics.
Chị Cao Thị Hài, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Giao nhận vận tải Tuấn Khôi cũng cảm nhận khá rõ những lợi ích mà ePort mang lại. "Thay vì phải dùng lệnh giấy khi hạ hàng, rất bất tiện, nhất là đêm tối, những người thường xuyên phải giao dịch trực tiếp như chúng tôi khá thoải mái khi mở tài khoản ePort và sử dụng ứng dụng này trong hoạt động giao nhận tại Chi nhánh cảng Tân Vũ", chị Hài chia sẻ.
Tính từ tháng 1/2022 đến nay, hàng nghìn khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân, hãng tàu đã tiếp cận và lựa chọn sử dụng dịch vụ ePort trong việc đăng ký dịch vụ giao nhận, thanh toán trực tuyến cho các container và thực hiện đóng phí dịch vụ theo các phương thức thanh toán trực tuyến được hỗ trợ qua cổng thanh toán điện tử VNPay. Khách hàng sau khi làm thủ tục, thanh toán trên mạng, nhận mã QR và đến cổng quét mã hoặc trình lệnh điện tử với nhân viên tại cổng để thực hiện tác nghiệp hạ hàng, trả rỗng tại bãi container.
Tiếp đó, từ ngày 1/3/2023, Cảng Hải Phòng chính thức triển khai hệ thống giao nhận container tự động qua cổng (Smart gate). Khách hàng (lái xe, đơn vị vận tải) sau khi có lệnh giao nhận điện tử sẽ tiến hành phân xe, gắn moóc hoặc ủy quyền vận chuyển với các phương tiện trước khi đến cảng để giao nhận hàng. Khi tới khu vực cổng cảng, hệ thống Smart gate tự động kiểm tra, nhận dạng mã container, nhận diện biển số xe đầu kéo, rơ-moóc và chụp ảnh, lưu trữ hình ảnh các bề mặt vỏ container, tự động gửi phiếu vị trí (Position) qua App Container Driver cho lái xe và đồng thời thông báo trên bảng điện tử tại cổng vị trí giao/nhận container.
Khi các thông tin đã chính xác, hệ thống sẽ tự động mở Barie để xe vào khu vực bãi container trong cảng để thực hiện các dịch vụ do khách hàng đã đăng ký. Sau khi hoàn thành các thủ tục trong bãi, khách hàng lái xe ra cổng, hệ thống nhận dạng mã container, biển số xe đầu kéo, rơ-moóc kích hoạt chụp ảnh, ghi hình ảnh các bề mặt vỏ container (nếu có) và tự động gửi phiếu giao nhận điện tử (eEIR) qua App (Container Driver) cho lái xe để hoàn thành tác nghiệp giao nhận container tự động.
"Trước đây, khi thực hiện thủ tục giao nhận tại cổng, lái xe phải trình lệnh giao nhận giấy và các chứng từ khác (nếu có), nhân viên giao nhận của cảng kiểm tra thông tin, tình trạng đăng kiểm, tải trọng cho phép của xe; số Seal, tình trạng container, đồng thời nhập số xe đầu kéo, rơ-moóc, số container, VGM và các thông tin liên quan vào phần mềm PL-TOS, nhân viên giao nhận in phiếu vị trí container giao cho lái xe. Thời gian thực hiện thủ tục tại cổng trước đây từ 3 - 5 phút/xe. Sau khi ứng dụng Smart gate, thời gian hệ thống tự động nhận diện và chụp ảnh giảm xuống còn 10 - 25 giây/xe", đại diện Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng cho biết.
Giảm nhân sự và chi phí logistics
Từ cuối năm 2021, Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Quốc tế (ITC) phối hợp với Công ty Cổ phần Smart Logistics Technology ra mắt hệ sinh thái Vietnam Smarthub Logistics (VSL) tại cảng container quốc tế SP-ITC (TP. Hồ Chí Minh). VSL là hệ sinh thái công nghệ kết nối các thành phần trong chuỗi hoạt động logistics như doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cảng biển, hãng tàu, ngân hàng, ICD, doanh nghiệp dịch vụ logistics, depot, doanh nghiệp vận tải... tạo nên trung tâm điều hành trung gian, xử lý các dịch vụ trực tuyến theo thời gian thực.
Tham gia vào VSL, cảng SP-ITC tạo ra kênh tương tác trực tuyến mới cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu giao dịch với cảng. Ngoài ra, khách hàng xuất nhập khẩu còn có thể tiếp cận và sử dụng những tiện ích khác như sử dụng các dịch vụ vận tải cho các lô hàng tại cảng thông qua ứng dụng gọi xe, dịch vụ bảo hiểm hàng hóa, các dịch vụ tài chính như cho vay thực hiện hợp đồng xuất khẩu, thanh toán xuất nhập khẩu... Cảng SP-ITC trước đây có gần 40 nhân sự làm thủ tục, phát hành chứng từ, hóa đơn nhưng khi áp dụng công nghệ thì chỉ còn 5 nhân sự tham gia.
Trong khi đó, từ những ngày đầu tiên đi vào khai thác giai đoạn 1 (tháng 1/2021), cảng Gemalink (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã xây dựng theo hướng cảng xanh, tối ưu hóa vận hành, khai thác bằng việc sử dụng thế hệ cẩu E-RTG 100% điện lưới được vận hành bán tự động, tích hợp công nghệ kiểm soát tải linh hoạt (ALC) và cabin điều khiển thông minh, cùng hệ thống DGPS kết hợp đồng bộ với phần mềm quản lý cảng CATOS. Nhờ đó, mọi hoạt động quản lý khai thác, phối hợp giữa các bên liên quan của cảng được thực hiện nhanh chóng, chuẩn xác đến từng vị trí container trên bãi.
Đại diện Công ty Cổ phần Smart Logistics Technology (đơn vị đang triển khai giải pháp công nghệ nền tảng chuyển đổi số cảng biển) cho hay, bình thường, khi xuất khẩu một container, doanh nghiệp cần lên hãng tàu đăng ký lấy container rỗng, sau đó về cảng chọn container. Khi đóng hàng xong lại lên hãng tàu đặt chỗ tàu, xuống cảng đóng tiền hạ bãi, thực hiện dịch vụ thủ tục hàng xuất, thủ tục vào sổ tàu, thanh lý hải quan. Trước đây, trung bình một container thông quan phải qua 12 điểm chạm, thời gian từ 5 - 7 giờ. Nhưng khi ứng dụng chuyển đổi số, một container thông quan qua 2 điểm chạm chỉ trong 2 - 3 phút. Với việc số hóa này, doanh nghiệp cảng tiết kiệm được chi phí nhân sự xử lý chứng từ đến 90 - 95%.
Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, trong tổng số 145 cảng biển trên cả nước hiện nay, nhiều doanh nghiệp cảng biển đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động điều hành xếp dỡ hàng hóa tại cảng và làm việc với hãng tàu, liên kết giữa các hãng tàu, giữa các cảng, chủ hàng và thông quan hàng hóa như: Phần mềm điều hành, khai thác cảng biển (TopX, Catos, Vtos, Navis, Ptos...); phần mềm cảng thông minh; nền tảng cảng biển số (Smarthub) và nhiều phần mềm quản lý hoạt động của xe container, sà lan ra vào cảng (SmartGate, RiverGate...). Đây là điều cần thiết để kéo giảm chi phí logistics và thể hiện nỗ lực của các cảng biển để đưa ngành Hàng hải Việt Nam phát triển, tiệm cận với thế giới.
Tháng 5/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence công bố chỉ số CPPI (chỉ số hoạt động cảng container) của 348 cảng biển trên thế giới, trong đó cụm cảng Cái Mép - Thị Vải của Việt Nam giữ vị trí thứ 12, cao hơn một số cảng biển lớn trong khu vực. Chỉ số CPPI được tính trên các yếu tố liên quan tới thời gian tàu vào luồng, cập cảng; năng suất bốc và dỡ hàng lên xuống cảng cùng tổng lượng hàng/chuyến, tàu rời cảng ra luồng; tiết kiệm nhiên liệu cho tàu lớn; công nghệ thông tin, số hóa.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.