Bộ GTVT đẩy nhanh chuyển đổi số

Tác giả: Thuỳ Dương

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 23/10/2021 05:52

Chương trình chuyển đổi số của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ và đột phá cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược của ngành cũng như giúp thực hiện hóa các chương trình hiện đại hóa, để đạt được những mục tiêu chiến lược theo kế hoạch.


IMG_1031
Toàn cảnh Hội nghị

ĂChiều 22/10, Bộ GTVT phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị chuyển đổi số ngành GTVT.

Giải quyết hơn 670.000 hồ sơ trực tuyến mỗi năm

Tại Hội nghị, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin Bộ GTVT Lê Thanh Tùng cho biết, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã triển khai tốt các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về Chính phủ điện tử. Số lượng thủ tục trực tuyến, mức độ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ thực hiện trực tuyến/tổng số hồ sơ liên tục tăng. Đồng thời bước đầu hình thành được cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung và các ứng dụng chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành của Bộ và các đơn vị trực thuộc.

Cụ thể, về xây dựng hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Bộ GTVT đã sửa đổi, ban hành 06 Thông tư quy định phương thức báo cáo trực tuyến; hoàn thành chuẩn hoá biểu mẫu và cung cấp 62/132 báo cáo trực tuyến (đạt tỷ lệ 46,21%, dự kiến tháng 6/2022 hoàn thành 100%). Hoàn thành kết nối và cập nhật dữ liệu của 02 chỉ tiêu kinh - tế xã hội; 16 báo cáo Thủ tướng Chính phủ với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Duy trì Cổng Dịch vụ công GTVT cung cấp 240 dịch vụ công (gồm 69 dịch vụ mức độ 3, đạt tỷ lệ 28,75%; 171 dịch vụ mức độ 4, đạt tỷ lệ 71,25%).

Trung bình mỗi năm tiếp nhận và giải quyết hơn 670 nghìn hồ sơ trực tuyến với gần 150 nghìn doanh nghiệp tham gia. Số dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 58,8% tổng số thủ tục hành chính, trong đó số dịch vụ có tỷ lệ phát sinh hồ sơ đạt 70,83%. Tỷ lệ hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến chiếm 52,11% tổng số hồ sơ thực hiện.

Về xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, đảm bảo an toàn thông tin mạng, Bộ GTVT đã hoàn thành xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu (LGSP) của Bộ GTVT, kết nối với Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương (NGSP). Hoàn thành tích hợp: Danh mục dùng chung phát triển CPĐT; CSDL đăng ký doanh nghiệp; đang thực hiện kết nối CSDL quốc gia về Dân cư. Hoàn thành xây dựng Hệ thống giám sát ATTT mạng và phòng chống mã độc để bảo vệ các hệ thống thông tin tập trung của Bộ GTVT theo mô hình “4 lớp”, hoàn thành kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn thông tin cho 10 hệ thống thông tin (bao gồm 08 hệ thống cấp độ 3, 02 hệ thống cấp độ 4), gửi hồ sơ đề nghị Bộ TT&TT thẩm định cấp độ an toàn thông tin cho 09 hệ thống của các đơn vị thuộc Bộ.

IMG_1035
Hai Bộ trưởng ký Chương trình phối hợp công tác.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin Lê Thanh Tùng, thời gian qua, ngành GTVT đã tập trung xây dựng và hoàn thiện 4 bộ CSDL nền tảng dùng chung, gồm: CSDL kết cấu hạ tầng giao thông, CSDL phương tiện, CSDL người điều khiển phương tiện và CSDL doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT; từ đó, phát triển các ứng dụng khai thác nhằm mục tiêu quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số.

Cụ thể, đã cơ bản hoàn thành xây dựng CSDL kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (gồm 7.354 cầu đường bộ; tình trạng mặt đường của 24.598 km đường; 32 loại tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ). Đang triển khai xây dựng CSDL kết cấu hạ tầng: hàng hải, hàng không, đường thuỷ nội địa, đường sắt; Hoàn thành dữ liệu quản lý 1.570 phương tiện hàng hải; 235.000 phương tiện thuỷ nội địa; 4.416.908 phương tiện đường bộ (xe ô tô); 5.823 phương tiện đường sắt; 264 phương tiện hàng không. Đang tiếp tục chuẩn hoá dữ liệu và kết nối dữ liệu giữa các lĩnh vực để dùng chung; Hoàn thành dữ liệu quản lý 48.876.253 người điều khiển mô tô; 10.268.842 người điều khiển ô tô; 2.973 người điều khiển phương tiện hàng không; 81.302 người điều khiển phương tiện hàng hải. Đang triển khai xây dựng CSDL người điều khiển phương tiện đường thuỷ nội địa và chuẩn hoá, kết nối dữ liệu dùng chung…

Đề xuất giải pháp công nghệ số ngành GTVT từ doanh nghiệp

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin đã trao đổi thảo luận nội dung liên quan đến chuyển đổi số nhằm tìm giải pháp hiện đại trên nền tảng số để Ngành GTVT phát triển phù hợp xu thế, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Ông Nguyễn Nam Long – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT trao đổi giao thông luôn được coi là huyết mạch gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số trong ngành GTVT có vai trò rất quan trọng. Công tác chuyển đổi số trong GTVT khá rộng ở nhiều loại hình. Để phát triển chuyển đổi số ngành GTVT một cách trọng tâm, hiệu quả, ông Long đề xuất 4 giải pháp. Cụ thể, theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT chuyển đổi số ngành GTVT nên đồng bộ, phục vụ trực tiếp người tham gia giao thông và công tác điều hành giao thông. Ví dụ hiện nay mọi điểm chạm của người tham gia giao thông là trực tiếp tương tác giữa người với người như mua vé, check in hầu như đang thực hiện thủ công, cần hướng đến chuyển đổi số các hoạt động này, triển khai thực hiện theo hình thức điện tử; hiện đại hoá hệ thống giao thông công cộng; tự động nhận diện đối tượng cảnh báo an toàn, an ninh trên nhà ga, bến đỗ và phương tiện công cộng; điều hành giao thông cần thông minh tự động hơn như sử dụng big data, AL…; triển khai bãi xe thông minh, vé điện tử, xác định điện tử, camera thông minh, sàn giao dịch điện tử trong logistics tích hợp ví điện tử hướng đến không sử dụng tiền mặt.

Tiếp đó, ông Long cũng đề xuất ngành GTVT cần ưu tiên tạo ra hệ thống giao thông thông minh; cần ưu tiên triển khai kết nối số giữa các loại hình vận tải để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông cũng như vận chuyển hàng hoá, tiêu biểu như hướng đến người dân chỉ cần dùng 1 thẻ để đi tất cả loại hình vận tải; tập trung khai thác hiệu quả giá trị số liệu phục vụ cho ngành và cho quốc gia như số liệu giấy phép lái xe, đăng kiểm…phục vụ công tác quản lý.

Ứng dụng số trong logistics và quản lý chuỗi cung ứng cũng là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm. Theo ông Phạm Nam Long – CEO Công ty TNHH Abivin, trong thời gian qua chuỗi cung ứng có nhiều hiện trạng “nhức nhối” như những quy định giãn cách, phong toả chưa song hành với điều chỉnh kế hoạch vận tải, gây ùn ứ hàng hoá; chi phí logistics tăng cao do thiếu đồng bộ thông tin giữa kho, hàng và xe hay thiếu tầm nhìn toàn tiện dẫn đến không thể đánh giá hoạt động vận tải và dự báo quản lý rủi ro. Và những vấn đề này đều có thể giải quyết khi ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. Trên nền tảng tối ưu chuỗi cung ứng toàn diện, công ty này đã xây dựng thuật toán độc quyền giúp tối ưu chất hàng, tối ưu lộ trình, quản lý vận tải toàn diện góp phần giảm 20 – 30% chi phí logistics, tăng 30% năng lực vận tải cũng như giúp kiểm soát và giám sát hoạt động toàn bộ chuỗi cung ứng trên 1 nền tảng…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận các doanh nghiệp công nghệ số trong nước hoàn toàn có thể giải “bài toán”số hóa của ngành GTVT, ngành GTVT có thể đưa ra những “đề bài” cho các công ty phần mềm để tạo ra những sản phẩm nhiều giá trị. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đặt ra câu hỏi quá trình xây dựng Chính phủ điện tử thường nhắc tới các công nghệ lớn như AI, Big Data, IoT, điện toán đám mây, vậy ngành GTVT nên bắt đầu từ bài toán nào? Tắc đường ở thành phố lớn khi ứng dụng công nghệ hiện đại thì đèn giao thông có trở nên thông minh hơn không? TNGT nhiều thì có Big data về đường sá, thời tiết, tuổi người lái xe.. có giúp giảm tai nạn? Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều bài toán của ngành GTVT đã được các quốc gia trên thế giới giải quyết và ngành có thể học hỏi kinh nghiệm.

IMG_1054
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhìn nhận thời gian qua hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong ngành GTVT có phát triển nhưng còn nhiều hạn chế. Trong thời gian tới để tiếp tục phát triển hơn nữa chuyển đổi số trong ngành, Bộ trưởng giao cho Trung tâm CNTT chuẩn bị kế hoạch cụ thể, mỗi cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT nghiên cứu cần ưu tiên chuyển đổi số những vấn đề nào, dự án nào để xây dựng kế hoạch trung hạn.

“Ngành GTVT luôn sẵn sàng tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước có giải pháp phần mềm phát triển cũng như thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng chuyển đổi số của Ngành. Ngành GTVT cũng mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ  về thể chế, về Luật, nghị định, thông tư phục vụ chuyển đổi số ”, Bộ trưởng cho biết. 

Cũng tại Hội nghị này, 2 Bộ trưởng và đại biểu đã chứng kiến Ký Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ GTVT và Bộ TT&TT; Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm CNTT - Bộ GTVT và Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel; Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm CNTT - Bộ GTVT và Công ty Công nghệ thông tin VNPT; Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm CNTT - Bộ GTVT và Công ty hệ thống thông tin FPT.

Ý kiến của bạn

Bình luận