Bộ GTVT đốc thúc tiến độ khởi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Đường bộ 16/05/2023 15:43

Bộ GTVT vừa ban hành thông báo kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tại cuộc họp trực tuyến về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Bộ GTVT đốc thúc tiến độ khởi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột - Ảnh 1.

Phối cảnh cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Khởi công trước 30/6/2023

Thông báo kết luận nêu rõ, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột là dự án trọng điểm quốc gia. Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết 58 ngày 16/6/2022, giao Bộ GTVT, UBND tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản tổ chức thực hiện với 3 dự án thành phần.

Chính phủ có Nghị quyết 89 ngày 25/7/2022 chỉ đạo thực hiện với các mốc thời gian cụ thể: Trước ngày 20/1/2023, phê duyệt dự án đầu tư và thực hiện các công việc tiếp theo bảo đảm khởi công trước ngày 30/6/2023; khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư,… phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Tuy nhiên, các dự án thành phần 1, 2, 3 được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tháng 3/2023, chậm khoảng 2 tháng so với mốc yêu cầu Nghị quyết. Các ban quản lý dự án mới lựa chọn tư vấn triển khai khảo sát, thiết kế, lập dự toán và các chủ đầu tư tiểu dự án GPMB đang thực hiện các thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án; Các thủ tục chuyển đổi mục đích đất rừng chưa hoàn thành,...

Do thời gian còn lại tính đến thời điểm khởi công dự án theo yêu cầu của Chính phủ rất ngắn trong khi khối lượng công việc rất lớn, vì vậy để đáp ứng tiến độ, Bộ GTVT yêu cầu các ban quản lý dự án hoàn thành thủ tục lựa chọn tư vấn và chỉ đạo lập tiến độ, kế hoạch chi tiết; tập trung hoàn thành khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. Trong đó, cần lưu ý trong quá trình thực hiện hồ sơ, nội dung phải bảo đảm đầy đủ trình tự thủ tục và cơ sở pháp lý, tuân thủ quy định pháp luật.

"Các ban quản lý dự án tập trung chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành công tác phê duyệt thiết kế kỹ thuật gói thầu dự kiến khởi công trước ngày 31/5/2023, bảo đảm cơ sở thực hiện công tác lập dự toán, hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu xây lắp,… đáp ứng tiến độ yêu cầu khởi công dự án trước ngày 30/6/2023 theo Nghị quyết 89 ngày 25/7/2022 của Chính phủ", Thông báo kết luận nêu rõ.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), Bộ GTVT cho biết, hiện nay, các địa phương đã tiếp nhận và giao nhiệm vụ thực hiện tiểu dự án giải phóng mặt bằng các dự án thành phần.

Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã được giao chủ đầu tư tổ chức thực hiện tiểu dự án GPMB dự án thành phần, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, bảo đảm bàn giao mặt bằng cho các dự án thành phần có đủ tối thiểu 70% diện tích mặt bằng phục vụ khởi công dự án theo yêu cầu.

Lưu ý tiến độ triển khai công tác GPMB của dự án thành phần 2 chậm hơn so với các dự án thành phần 1 và 3, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 6 tập trung phối hợp với các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã của hai tỉnh Khánh Hoà, Đắk Lắk được giao nhiệm vụ chủ đầu tư tiểu dự án khẩn trương tổ chức thực hiện, đẩy nhanh tiến độ GPMB.

Dự án áp dụng cơ chế đặc thù về mỏ vật liệu

Liên quan đến mỏ vật liệu, bãi thải, theo Bộ GTVT, dự án được áp dụng các cơ chế tại các Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, Nghị quyết 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ giải quyết các trường hợp nâng công suất mỏ vật liệu; Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội áp dụng cơ chế đặc thù đối với mỏ vật liệu mới. Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng đã có một số hướng dẫn trong thủ tục khai thác mỏ vật liệu phục vụ dự án.

Bộ GTVT yêu cầu các ban quản lý dự án nghiên cứu tham khảo từ thực tế các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang triển khai, chỉ đạo tư vấn lập hồ sơ mỏ vật liệu, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương bám sát công việc, tình hình thực tế để hoàn tất các thủ tục liên quan, báo cáo UBND các tỉnh chấp thuận các vị trí mỏ vật liệu, bãi chứa vật liệu thừa để sử dụng cho dự án.

Về nguồn vốn của dự án, Bộ GTVT cho biết, dự án sử dụng từ nhiều nguồn vốn bố trí khác nhau (vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách; vốn Ngân sách địa phương và Ngân sách trung ương).

Bộ GTVT đề nghị các địa phương chỉ đạo kiểm tra rà soát các nguồn vốn thực hiện dự án. Lưu ý, đối với nguồn trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế vì thời hạn thực hiện và giải ngân trong năm 2022 - 2023, Bộ GTVT giao Ban QLDA6 chủ trì, phối hợp với các ban quản lý dự án tính toán nhu cầu, xây dựng kế hoạch đề nghị phân bổ, bố trí vốn phù hợp tiến độ tổng thể dự án theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, tham mưu cho cấp thẩm quyền, bảo đảm nguồn vốn, kinh phí thực hiện và tiến độ giải ngân của dự án. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ GTVT để kịp thời giải quyết.

Bộ GTVT cũng giao các ban quản lý dự án khẩn trương lập kế hoạch chi tiết với các mốc thời gian cụ thể, khả thi, đánh giá khả năng khởi công công trình theo yêu cầu về mốc thời gian theo Nghị quyết của Chính phủ (trước 30/6/2023) làm cơ sở theo dõi, đôn đốc thực hiện và bố trí thẩm định kịp thời.

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 gồm 3 dự án thành phần:

Dự án thành phần 1: Từ Km0+000 đến Km32+000, chiều dài khoảng 32km do UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản; tổng mức đầu tư khoảng 5.632 tỷ đồng;

Dự án thành phần 2: Từ Km32+000 đến Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5km do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản; tổng mức đầu tư khoảng 9.818 tỷ đồng;

Dự án thành phần 3: Từ Km69+500 đến Km117+866 với chiều dài khoảng 48,5km do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản; tổng mức đầu tư khoảng 6.485 tỷ đồng.