Chậm cấp phép mỏ vật liệu cản tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đường bộ 15/05/2023 18:24

Khởi công đã hơn 4 tháng, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đang tập trung thi công nền đường, nhưng thủ tục cấp phép mỏ còn rất chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của dự án.

Nguy cơ "vỡ" tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 vì khó khai thác vật liệu - Ảnh 1.

Triển khai thi công đồng loạt hơn 4 tháng, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác khai thác vật liệu, nền đường hầu như chưa được thi công (Ảnh minh họa)

Nền đường hầu như chưa được thi công

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về khó khăn, vướng mắc trong công tác khai thác vật liệu cho các dự án đường bộ cao tốc.

Nguy cơ "vỡ" tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 vì khó khai thác vật liệu - Ảnh 2.

Thủ tục liên quan đến khai thác mỏ khoáng sản làm VLXDTT nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án chưa được các địa phương thực hiện

Theo Bộ GTVT, dự án cao tốc Bắc - Nam giai ddianj 2021 - 2025 có tổng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) rất lớn.

Trong đó, tổng nhu cầu vật liệu của 10 dự án thành phần đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa khoảng 17,37 triệu mét khối đá, khoảng 9,04 triệu mét khối cát, khoảng 45,56 triệu mét khối đất đắp.

Riêng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có tổng nhu cầu cát đắp của 2 dự án thành phần đoạn từ TP. Cần Thơ đến tỉnh Cà Mau khoảng 18,07 triệu mét khối.

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế tổ chức lập hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

Theo hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu của tư vấn đã thực hiện khảo sát, 10 dự án thành phần đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa có 102 mỏ đá, 114 mỏ cát, 109 mỏ đất đắp. Riêng 2 dự án thành phần đoạn từ thành phố Cần Thơ đến tỉnh Cà Mau có 24 mỏ cát.

Bộ GTVT nêu rõ: "Hiện nay, các dự án thành phần đang triển khai thi công đồng loạt nhưng công tác thi công nền đường hầu như chưa được triển khai do các nhà thầu chưa được giao mỏ vật liệu vì vướng mắc thủ tục liên quan đến khai thác mỏ khoáng sản làm VLXDTT nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án chưa được các địa phương thực hiện".

Dự án đã được Quốc hội, Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm VLXDTT, Bộ TN&MT đã có hướng dẫn các địa phương thực hiện. Nhưng do trước đây các địa phương thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật khoáng sản và đây là lần đầu tiên địa phương triển khai theo cơ chế đặc thù.

Dù đã được Bộ TN&MT hướng dẫn nhưng cách hiểu, cách triển khai các thủ tục còn khác nhau, chưa có sự thống nhất giữa các địa phương, gây khó khăn trong công tác triển khai thực hiện.

Nhiều vướng mắc liên quan đến luật

Về Luật Khoáng sản, theo hướng dẫn của Bộ TN&MT, nội dung đánh giá tác động môi trường trong hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác của các mỏ đất và mỏ cát là giống nhau. 

"Tuy nhiên, một số địa phương cho rằng, cần đánh giá tác động môi trường rất chi tiết đối với mỏ cát do liên quan đến tình hình sạt lở bờ sông", Bộ GTVT cho biết

Cùng với đó, các mỏ đất nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án đã được tư vấn của dự án thực hiện khoan khảo sát để đánh giá chất lượng, trữ lượng, nhưng ở một số địa phương vẫn yêu cầu nhà thầu thực hiện khảo sát, thăm dò trước khi lập và trình hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác.

Nguy cơ "vỡ" tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 vì khó khai thác vật liệu - Ảnh 4.

Thi công cao tốc Bùng - Vạn Ninh

Đối với các mỏ cát, trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án chưa thể thực hiện khảo sát thăm dò để xác định phạm vi, trữ lượng, chất lượng do công tác khảo sát thăm dò phải được cấp phép và thực hiện theo đề án được phê duyệt của địa phương, nên mới chỉ xác định trữ lượng theo số liệu do cơ quan quản lý của địa phương cung cấp.

Khi lập hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác, các địa phương yêu cầu phải thực hiện công tác khảo sát thăm dò nên phát sinh các thủ tục: Cấp phép thăm dò; kết quả thăm dò phải thực hiện thông qua hội đồng thẩm định trữ lượng để xác định chất lượng cát trong khu vực mỏ (cát loại nào, trữ lượng bao nhiêu, thành phần lý hóa, tạp chất,..) và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng.

Nguy cơ "vỡ" tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 vì khó khai thác vật liệu - Ảnh 5.

Nền đường hầu như chưa được triển khai do các nhà thầu chưa được giao mỏ vật liệu vì vướng mắc thủ tục liên quan đến khai thác mỏ khoáng sản

Về các vướng mắc liên quan Luật đất đai, theo hướng dẫn của Bộ TN&MT tại Thông báo 167 ngày 25/11/2022, các địa phương tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định đối với các khu mỏ đất khai thác làm VLXDTT thuộc hạng mục của dự án.

"Tuy nhiên, quá trình rà soát trình tự, thủ tục triển khai, Bộ GTVT thấy rằng các mỏ VLXDTT trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu của dự án không phải là hạng mục của dự án nên không thể thực hiện thu hồi đất như hướng dẫn của Bộ TN&MT", Bộ GTVT cho hay.

Theo hướng dẫn của Bộ TN&MT tại văn bản số 1411 ngày 18/3/2022, các địa phương rà soát thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định để đảm bảo tiến độ khai thác khoáng sản phục vụ cho dự án; dẫn đến phát sinh các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, thành phố, thị xã đối với các khu vực mỏ này, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện.

Khi không thực hiện thu hồi đất, đền bù GPMB các khu mỏ đất khai thác làm VLXDTT, theo quy định của Luật đất đai phải thực hiện thông qua hình thức chuyển quyền sử dụng đất, sau đó địa phương tổ chức thu hồi và cho nhà thầu thuê lại để khai thác. 

Bộ GTVT
Theo hình thức này, giá chuyển nhượng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc thỏa thuận của người đang sử dụng đất với nhà thầu, việc chuyển nhượng hoàn toàn theo cơ chế thị trường, do đó Nhà nước không thể kiểm soát được chi phí dẫn đến nguy cơ tăng giá, ép giá hoặc thỏa thuận không thành công sẽ không có mỏ để khai thác VLXD dẫn đến thiếu vật liệu.

Vì vậy, tại Công điện số 194 ngày 1/4/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm cùng với chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá đền bù, hỗ trợ, thuê đất, bồi thường cây cối, hoa màu,… đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định.

"Tuy nhiên, các sở, ban ngành, địa phương chưa thực sự vào cuộc và cũng không có chế tài xử lý đối với các trường hợp chủ đất không hợp tác", Bộ GTVT cho hay.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong năm 2022 và 2023, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm VLXDTT phục vụ dự án.

Bộ GTVT
Hiện nay, dự án đã khởi công được hơn 4 tháng, các nhà thầu đang tập trung thi công nền đường. Tuy nhiên, thủ tục cấp phép mỏ còn rất chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của dự án.

Từ thực tế, Bộ GTVT đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục khai thác khoảng sản làm VLXDTT phục vụ dự án đối với mỏ đất riêng, mỏ cát riêng. Các bước phải thực hiện từ thành phần hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ, xác nhận đăng ký khối lượng khái thác,… nhằm đảm bảo tất cả các địa phương đều thực hiện thống nhất.

Cùng với đó, Bộ TN&MT hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục để thực hiện các thủ tục về đất đai (GPMB, nhượng quyền sử dụng đất; giá chuyển nhượng) đảm bảo phù hợp với với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định; chế tài với trường hợp chủ sở hữu không phối hợp thực hiện.

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 dài 729km, được chia thành 12 dự án thành phần, gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau).

Sơ bộ tổng mức đầu tư của cả dự án là 146.990 tỷ đồng, khởi công đồng loạt vào ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.