Bộ GTVT đứng đầu trong các bộ ngành về đảm bảo an ninh mạng

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 25/12/2021 10:04

Trong năm 2021, Bộ GTVT là một trong hai Bộ được xếp hạng A về chỉ số đảm bảo an toàn thông tin mạng và xếp loại khá trong chuyển đổi số.


Screen Shot 2021-12-25 at 9.30.39 AM
Trang dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Bộ GTVT sáng nay, ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) Bộ GTVT cho biết trong năm 2021 vừa qua, công tác xây dựng Chính phủ điện tử nói riêng và chuyển đổi số nói chung của Bộ GTVT đã đạt được những bước tiến mới, thay đổi một cách bản chất so với giai đoạn trước đây. Các đơn vị thuộc Bộ ngày càng sát sao trong tổ chức thực hiện và là người chịu trách nhiệm chính đối với tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được giao về xây dựng Chính phủ điện tử. 

Năm 2021, Bộ GTVT được xếp loại “Khá” về chỉ số chuyển đổi số cấp Bộ và là một trong hai Bộ được xếp hạng A về chỉ số đảm bảo an toàn thông tin mạng.

"Có được những chuyển biến tích cực này là do quá trình nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, ghi nhận hướng đi đúng đắn, đó là chuyển đổi số phải được xuất phát từ sự quyết liệt của lãnh đạo, chuyển đổi số không đi từ công nghệ mà phải đi từ xây dựng thể chế", Giám đốc Trung tâm CNTT Bộ GTVT cho biết.

IMG_1627
Ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm CNTT Bộ GTVT tham luận tại Hội nghị

Theo ông Tùng, công tác chuyển đổi số gắn liền với mọi hoạt động nghiệp vụ của các đơn vị, không phải là nội dung tách rời, hiện đại hoá các nghiệp vụ thủ công như trước đây.

"Đây là một quá trình khó khăn vì phải thay đổi thói quen làm việc dựa trên hồ sơ giấy chuyển sang dữ liệu số, trao đổi dữ liệu điện tử thay vì công văn giấy tờ, sử dụng dữ liệu điện tử thay vì dựa trên hồ sơ lưu trữ và nhiều sự thay đổi khác. Các quy trình nghiệp vụ được hiện đại hoá trên cơ sở ứng dụng công nghệ, chứ không đơn thuần là tin học hoá các nghiệp vụ đang thực hiện theo hướng thủ công và khi đó cán bộ ngành GTVT sẽ xử lý các nghiệp vụ trên nền tảng dữ liệu. 

Các ứng dụng như quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; thẩm định, theo dõi kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý đăng kiểm phương tiện; quản lý người điều khiển phương tiện và hoạt động vận tải; quản lý tàu biển và cấp phép cho phương tiện vào, rời cảng biển Việt Nam là những ví dụ điển hình trong nhiều ứng dụng đang được triển khai mạnh mẽ tại các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, và đó là những thành công ban đầu", ông Tùng phân tích. 

Hiện nay, Bộ GTVT đang cung cấp 296 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 408 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 72,5%, trong đó có 271 dịch vụ ở mức độ 4).Trong năm 2021, các đơn vị thuộc Bộ đã tiếp nhận và xử lý 447.557 hồ sơ trực tuyến với hơn 150 nghìn doanh nghiệp tham gia, trong đó số dịch vụ có tỷ lệ phát sinh hồ sơ đạt 70,83% (tăng 21 % so năm 2020).

Tỷ lệ hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến chiếm 52,11% tổng số hồ sơ thực hiện (tăng 8% so với năm 2020). Đây là một trong những điểm sáng của Bộ GTVT trong chuyển đổi số gắn kết với công tác cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra thì số lượng ứng dụng cần phải xây dựng còn rất lớn. Theo Kiến trúc Chính phủ điện tử, hiện Bộ Giao thông vận tải mới chỉ tạo lập được 31/76 (tỷ lệ 40,79%) bộ cơ sở dữ liệu phục vụ nghiệp vụ cần chuyển đổi số, đó là một con số còn khiêm tốn và cần tăng tốc trong thời gian tới. Khối lượng công việc là rất lớn nên rất cần sự tập trung, tích cực trong triển khai, thực hiện của tất cả các cơ quan, đơn vị.

Ý kiến của bạn

Bình luận