Báo cáo Vietnam ICT Index 2016 cung cấp các thông tin về thực trạng phát triển và ứng dụng CNTT&TT, đồng thời đưa ra những đánh giá xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT&TT dựa trên cơ sở số liệu thu thập được từ các khối: Bộ, cơ quan ngang Bộ; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty và Ngân hàng thương mại.
Chỉ số Vietnam ICT Index năm nay được kết cấu theo hệ thống chỉ tiêu của Liên Hợp Quốc bao gồm 3 chỉ số thành phần chính gồm: Hạ tầng kỹ thuật, Hạ tầng nhân lực, Ứng dụng CNTT (bao gồm Ứng dụng nội bộ và Dịch vụ công trực tuyến), bỏ chỉ số môi trường – chính sách đồng thời loại bỏ các chỉ tiêu không còn phù hợp và cập nhật bổ sung các chỉ tiêu mới góp phần đẩy mạnh hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới.
Theo tài liệu đánh giá, các chỉ số xếp hạng của Bộ Giao thông vận tải trên bảng xếp hạng chung các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công như sau: chỉ số Hạ tầng kỹ thuật xếp hạng 18/20; chỉ số Hạ tầng nhân lực xếp hạng 20/20; chỉ số Ứng dụng CNTT nội bộ xếp hạng 6/20; chỉ số Dịch vụ công xếp hạng 1/20.
Kết quả trên một lần nữa đã khẳng định sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ chuyên trách CNTT ngành GTVT, mặc dù gặp khó khăn về nguồn nhân lực thiếu, hạ tầng kỹ thuật còn lạc hậu, chưa đồng bộ nhưng kết quả về Ứng dụng CNTT - chỉ số quan trọng nhất trong bộ chỉ tiêu đánh giá rất ấn tượng, đạt thứ hạng cao trên danh sách.
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Bộ GTVT về kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT, ông Lê Thanh Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm CNTT cho biết, đến hết ngày 30/12/2016, Bộ đang cấp 208/528 dịch vụ công trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3, số lượng hồ sơ được thực hiện theo hình thức trực tuyến ngày càng tăng trong đó có những nhóm dịch vụ công trực tuyến tiêu biểu như:
Hệ thống CNTT của Bộ GTVT tham gia cơ chế một cửa quốc gia
Kết quả đã chính thức vận hành 12 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (bao gồm: Hàng hải: 5 thủ tục; Đăng kiểm: 5 thủ tục; Đường thủy nội địa: 2 thủ tục). Tính đến ngày 30/12/2016, số lượng hồ sơ của Bộ GTVT giải quyết trên cổng thông tin một cửa quốc gia như sau:- Về lĩnh vực Hàng hải: Hiện đã triển khai tại 9/25 cảng vụ Hàng hải, gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Vũng Tàu, Đồng Nai và Tp Hồ Chí Minh. Về số lượng hồ sơ có 66.284 hồ sơ nộp trực tuyến, đã hoàn thành giải quyết 56.816 hồ sơ (đạt tỷ lệ 85,71%). Theo báo cáo từ các cảng vụ Hàng hải đã triển khai cơ chế một cửa quốc gia, hầu hết các hồ sơ đều thực hiện theo phương thức trực tuyến. Trung tâm CNTT Bộ đã phối hợp với Tổng cục Hải quan và Cục Hàng hải Việt Nam đào tạo cho người làm thủ tục và cán bộ giải quyết thủ tục hành chính cho các khu vực cảng biển còn lại.
- Về lĩnh vực Đăng kiểm: Đã triển khai trên toàn quốc đối với các thủ tục kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe và động cơ nhập khẩu. Về số hồ sơ có 23.823 hồ sơ nộp trực tuyến, đã hoàn thành giải quyết 21.115 hồ sơ (đạt tỷ lệ: 88,63%), cấp 190.612 giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường. Từ tháng 10 năm 2015 Đăng kiểm Việt Nam đã hoàn toàn tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả theo hình thức trực tuyến, không còn hồ sơ nộp trực tiếp.
- Về lĩnh vực Đường thủy nội địa: Do việc phối hợp của các Bộ (Quốc phòng, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (do Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính chủ trì) chưa đồng bộ nên kết quả triển khai còn hạn chế.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia), tính đến tháng 11/2016 số lượng doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia của Bộ GTVT là 4610 doanh nghiệp, chiếm 65,8% số lượng doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia; số lượng hồ sơ giải quyết trên cổng thông tin một cửa quốc gia chiếm 47,63% tổng số hồ sơ.
Hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo Thông tư 54/2015/TT-BGTVT
Ngày 24/9/2015, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BGTVT về quy định thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam. Theo đó, Trung tâm được giao chủ trì xây dựng 04 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam, trong đó 02 thủ tục cho tàu biển đã chính thức triển khai tại 25 cảng vụ Hàng hải từ ngày 01/3/2016; 02 thủ tục cho phương tiện thủy nội địa đang triển khai thí điểm, dự kiến triển khai mở rộng tại 25 cảng vụ Hàng hải từ 1/1/2017.
Tính đến ngày 31/12/2016, đã có 7.318 hồ sơ thực hiện bằng hình thức trực tuyến, hoàn thành giải quyết 6.826 hồ sơ (đạt tỷ lệ 93,27%).
Hệ thống dịch vụ công trực tuyên cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô
Yêu cầu đặt ra là xây dựng 10 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô. Ngày 25/11/2016, Bộ đã tổ chức khai trương, hiện tại đã triển khai mở rộng tại tất cả các Sở GTVT từ 1/1/2017. Tính đến ngày 20/2/2017 đã có 3678 hồ sơ thực hiện theo hình thức trực tuyến.
Để có được những thành tựu đạt được kể trên, Bộ GTVT đã luôn coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu cao nhất của mọi hành động, quyết sách từ đó tập trung đây mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến tạo sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.