Bộ GTVT giải ngân 19.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 28/06/2022 10:41

Sáng nay (28/6), Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.


6 tháng đầu năm giải ngân đạt 38% kế hoạch cả năm

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Trí Đức - Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết, đến hết tháng 5/2022, Bộ GTVT giải ngân khoảng 15.000 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 29,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (gồm 1.480/4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 30,3% và 13.600/45.451 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 29,9% Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao).

Dự kiến lũy kế tới hết tháng 6/2022 Bộ GTVT giải ngân khoảng 19.000/52.328 tỷ đồng, đạt đạt khoảng 38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Hội nghị đánh giá kết giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ GTVT

Hội nghị đánh giá kết giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ GTVT

"Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT trong việc thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công", ông Nguyễn Trí Đức khẳng định.

Quán triệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tranh thủ thời tiết thuận lợi tại các địa phương, tăng ca, tăng kíp, tăng mũi thi công. Bộ trưởng và các đồng chí Thứ trưởng chủ trì họp hàng tuần và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên khối lượng thực hiện 6 tháng cuối năm năm 2022 còn lại rất lớn, khoảng 31.000 tỷ đồng kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (62% kế hoạch). Nhận thức được nhiệm vụ quan trọng này, Bộ GTVT đã đề ra các giải pháp yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị quyết tâm cao, nỗ lực lớn để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện để đẩy mạnh giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành trong năm 2022.

Về công tác quyết toán dự án hoàn thành, từ đầu năm đến nay các cơ quan thuộc Bộ đã duyệt 33 dự án, hạng mục công trình, giá trị 21.671 tỷ đồng .

Khởi công xây dựng mới 66 dự án

Trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT dự kiến đầu tư xây dựng 66 dự án khởi công mới (gồm 2 dự án nối thông đường Hồ Chí Minh mới có chủ trương bổ sung danh mục trung hạn).

Hiện, đã quyết định chủ trương đầu tư 48/66 dự án, gồm: 1/4 dự án quan trọng quốc gia (cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025); 2/9 dự án nhóm A (cầu Rạch Miễu 2 và cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh) và 45/53 dự án nhóm B, C. Cùng với đó, chưa quyết định chủ trương đầu tư 18/66 dự án, gồm: 3 dự án quan trọng quốc gia, 7 dự án nhóm A và 8 dự án nhóm B, C.

Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45

Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45

Trong số các dự án có quyết định chủ trương đầu tư, đã phê duyệt đầu tư 14 dự án, Thủ tướng Chính phủ đã giao đủ kế hoạch trung hạn, Bộ GTVT đã giao kế hoạch 2022 cho 13/14 dự án (trừ dự án QL26 qua Khánh Hòa chưa giao kế hoạch 2022 do phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư).

Đối với công tác chuẩn bị đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Trí Đức cho biết, đến nay, các gói thầu đang được tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đáp ứng yêu cầu theo các mốc tiến độ tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 và Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Thông báo số 71/TB-VPCP ngày 14/3/2022 và 130/TB-VPCP ngày 27/4/2022.

Cụ thể, đã hoàn thành công tác khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn; đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cơ bản 682,4km/729km (đạt 94%) và bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương 576,4km/729km (đạt 79%); đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục phê duyệt khung chính đền bù giải phóng mặt bằng, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; giám sát cộng đồng; thỏa thuận với các địa phương về hồ sơ mỏ vật liệu, giá vật liệu và hoàn thiện các nội dung liên quan khác để phê duyệt dự án đầu tư toàn bộ các dự án thành phần trước ngày 30/6/2022.

Về tình hình triển khai các dự án đang thi công, trong thời gian qua, ngành GTVT đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm, góp phần quan trọng phục vụ phát triển KT-XH của các địa phương, các vùng và cả nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm quốc phòng an ninh và xóa đói giảm nghèo. Trong đó, đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 1.239 km đường bộ cao tốc, đang triển khai xây dựng 883 km và dự kiến tiếp tục khởi công 2.024 km đường bộ cao tốc trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tập trung nguồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm

Hiện nay, Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung triển khai quyết liệt các dự án, công trình giao thông trọng điểm như: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án CHKQT Long Thành giai đoạn 1, Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận,...

Để thống nhất chỉ đạo, điều hành các công trình giao thông trọng điểm, Bộ GTVT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để kiểm điểm tiến độ, chất lượng và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án.

“Lãnh đạo Bộ GTVT thường xuyên kiểm tra hiện trường, chỉ đạo đôn đốc các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm, đồng thời làm việc với các địa phương để giải quyết các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, bãi đổ thải,…”, ông Nguyễn Trí Đức cho biết thêm,

Bộ trưởng Bộ GTVT tổ chức họp giao ban kiểm điểm tiến độ hàng tuần, nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu của các chủ đầu tư/ban quản lý dự án có dự án chậm tiến độ; trường hợp dự án không có chuyển biến sẽ không giao dự án mới và xem xét thay thế người đứng đầu.

Đến nay, các dự án đang triển khai cơ bản đáp ứng được tiến độ yêu cầu; trong đó, đã hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 4 dự án mới và hoàn thành 5 dự án kịp thời đưa vào khai thác, sử dụng.

Tổ chức 180 đoàn kiểm tra chất lượng, tiến độ tại các dự án

Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án công trình giao thông được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Bộ GTVT luôn xác định công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt, quan trọng hàng đầu trong quá trình thực hiện dự án.

Trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022, lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan chức năng thuộc Bộ GTVT đã tổ chức 180 đợt kiểm tra công tác quản lý chất lượng, tiến độ các dự án; Thanh tra Bộ GTVT tổ chức 5 đoàn kiểm tra (mang tính chất phòng ngừa) tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 1 đoàn kiểm tra Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Qua kết quả kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu các đơn vị khắc phục các tồn tại, khiếm khuyết về chất lượng, tiến độ. Để tăng cường trách nhiệm, giảm bớt thủ tục, tăng tính chủ động trong việc triển khai thực hiện các dự án, Bộ GTVT đã thực hiện phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, đồng thời phân định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng để công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được thực hiện tốt hơn, bảo đảm tiến độ yêu cầu, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.

Với nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình, phần lớn các công trình hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng trong thời gian qua đều bảo đảm chất lượng, phát huy được hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Ý kiến của bạn

Bình luận