Bộ GTVT giao ban công tác tháng 7:Nhiều điểm sáng thực hiện "mục tiêu kép"

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 29/07/2021 18:35

Sáng 29/7, Bộ GTVT tổ chức giao ban trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 7 và triển khai công tác trọng tâm tháng 8/2021.


219099867_552733732537083_7387796823840372744_n
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp giao ban Bộ GTVT sáng 29/7

 

Tiếp tục là lá cờ đầu trong công tác giải ngân

Theo báo cáo của ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Đầu tư, tháng 7/2021 dự kiến giải ngân được 2.078 tỷ đồng và lũy kế 7 tháng đầu năm, dự kiến giải ngân 19.093 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch đã phân bổ và đạt 44,4% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ GTVT là đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn so với mức bình quân chung cả nước (theo ước tính của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân bình quân chung khối các bộ, ngành trung ương đến hết tháng 7/2021 là 28,6%). 

Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid 19 và việc khan hiếm vật liệu ở một số công trình xây dựng gần đây có thể ảnh hưởng đến tiến độ xấy dựng các công trình giao thông trọng điểm trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, lưu ý các đơn vị giải ngân cao không nên chủ quan, đồng thời yêu cầu các Ban QLDA, Chủ đầu tư phải hết sức nghiêm túc trong việc phòng chống dịch, xây dựng phương án 03 tại chỗ cho cán bộ, công nhân công trường; kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra vào công trường; tập trung đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu thi công tăng cường trang thiết bị, nhân lực, bổ sung các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ các công trình, đặc biệt là đối với các Dự án trọng điểm quốc gia. Giao Vụ KHĐT phải thường xuyên rà soát, kiểm điểm các Dự án giải ngân chậm, để điều hòa vốn cho các Dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn hoặc thiếu vốn; mục tiêu phải hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 63 của Chính phủ.

Bên cạnh tiến độ, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh chất lượng vẫn là ưu tiên số một đối với các dự án xây dựng cơ bản của ngành, giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng các công trình do Bộ là chủ đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia; xử lý ngay tồn tại, vướng mắc nhất là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung ứng vật liệu cho dự án; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, tiến độ công trình.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đúng tiến độ, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải bám sát thực hiện kế hoạch, có chỉ đạo sát sao, có người cắm chốt tại hiện trường để kịp thời tháo gỡ các khó khăn. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý các đơn vị phải thường xuyên rà soát, khắc phục ngay những bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý ngay các điểm úng ngập trên đường bộ, chuẩn bị phương án vật tư dự phòng để ứng phó với mùa mưa, bão sắp tới.

Thực hiện hiệu quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án quy hoạch

Báo cáo tại buổi họp, Chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức cho biết, Bộ GTVT xác định công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bộ trưởng Bộ GTVT tổ chức họp định kỳ, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ khẩn trương rà soát những quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung trong quý III năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tiếp thu ý kiến của Thường trực Chính phủ, Bộ GTVT đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án quy hoạch mạng lưới đường bộ, đề án quy hoạch mạng lưới cảng biển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua đối với đề án quy hoạch mạng lưới đường sắt, đề án quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đối với đề án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2020-2030 tầm nhìn đến 2050, Bộ GTVT đã Tờ trình trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, dự kiến sẽ họp hội đồng để cho ý kiến trong tháng 7 năm 2021. 

Nói thêm về vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao vì là bộ có nhiều quy hoạch quốc gia nhất (5/37 quy hoạch) nhưng đã hoàn thành cả 5 quy hoạch và trình Chính phủ phê duyệt sớm nhất.

Trong khi đó, theo Văn phòng Bộ GTVT, hiện Bộ GTVT còn 02 đề án về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư và đề án về cải thiện hạ tầng, chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được ban hành. Các cơ quan của Bộ đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan của Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan hoàn thiện đề án để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý, Quốc hội khóa XV đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025 và yêu cầu Vụ KHĐT phải khẩn trương lên kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện, giao Vụ Đối tác công tư phối hợp với các cơ quan liên quan của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với 06 dự án quan trọng quốc gia để trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế phải được coi trọng và phải xác định đây là một khâu đột phá quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của ngành. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương hoàn thành báo cáo rà soát các khó khăn, vướng mắc, quy định pháp luật còn chồng chéo liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh thưc hiện Nghị quyết 66 của Chính phủ và kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án của ngành đã được Chính phủ và Bộ GTVT phê duyệt.

Quản lý vận tải hiệu quả, ứng dụng công nghệ thực hiện "mục tiêu kép"

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn các địa phương tổ chức hoạtđộng vận tải gắn với công tác phòng, chống dịchCovid-19, nhất là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ GTVT đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác đặc biệt của Bộ về bảo đảm các hoạt động vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch Coivd-19 do 01 đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT làm Tổ trưởng, thành lập 04 Tổ kiểm tra công tác vận tải tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Tổ công tác này triển khai hiệu quả nhiệm vụ trực tiếp phối hợp với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và các địa phương có liên quan, nhất là các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan để chủ động xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong hoạt động vận tải và những vấn đề liên quan; Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc ngành GTVT để bảo đảm vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, lương thực, thực phẩm, các hàng hóa thiết yếu được thông suốt giữa các tỉnh, thành phố có dịch, giữa các tỉnh, thành phố có dịch với các địa phương khác.

Theo báo cáo của Vụ trưởng Vụ vận tải Trần Bảo Ngọc, để đảm bảo công tác vận tải phục vụ phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu và nhu cầu của nhân dân phòng chống dịch Covid-19, Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan đã chủ động lên kịch bản, phương án tổ chức giao thông để kịp thời ứng phó những diễn biến của dịch bệnh; thường xuyên trao đổi, phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương để rút kinh nghiệm những phát sinh, vướng mắc từ thực tế để thống nhất quan điểm, cách làm, triển khai một cách đồng bộ với mục tiêu đảm bảo hoạt động giao thông vận tải, đặc biệt là vận tải hàng hóa thông suốt, thuận tiện và phù hợp với nguyên tắc phòng chống dịch của Chính phủ và BCĐ Quốc gia. Tiếp tục cập nhật, kịp thời đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chỉ đạo vấn đề này, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tiếp tục ứng dụng  khoa học công nghệ  phát huy hiệu quả việc tổ chức "luồng xanh" trong vận tải hàng hóa; thành lập nhóm xử lý, phản ứng nhanh trong hoạt động vận tải trên nền tảng Internet hỗ trợ doanh nghiệp người dân trọng vận chuyển hàng hóa, nhất là không để hàng hóa ách tắc trong vùng dịch, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

"Vận tải là lĩnh vực trung gian cho sản xuất kinh doanh nên có vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch an toàn vừa phát triển kinh tế. Rút kinh nghiệm sự cố phần mềm đăng ký luồng xanh vận tải bị tấn công mạng vừa rồi, tôi yêu cầu Tổng Cục Đường bộ VN và Vụ Khoa học công nghệ khẩn trương lựa chọn đơn vị cung cấp công nghệ có tiềm lực để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận