Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ GTVT đã chủ động báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ 9 cơ chế chính sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Đồng thời, căn cứ kết quả triển khai cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, kết quả thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ đã chủ động đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành Quyết định cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, quyết định bán cổ phần theo lô khi thực hiện thoái vốn...
Trong đó, các đề xuất của Bộ GTVT phù hợp thực tiễn và đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng trong cả nước, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Bộ đã chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tập trung thực hiện rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính, thực hiện thoái vốn toàn bộ tại các doanh nghiệp ngoài ngành, kinh doanh không hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản. Đến nay, đối với các doanh nghiệp nhà nước không thực hiện cổ phần hóa đã cơ bản hoàn thành việc thoái vốn. Đối với 16 Tổng công ty còn lại thuộc nhóm cổ phần hóa, trong đó 11 Tổng công ty đã hoàn thành cổ phần hóa và đang thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 10 tổng công ty.
Về tái cơ cấu lao động: giai đoạn 2011-2015, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp giải quyết chính sách lao động dôi dư cho trên 20.000 người, với tổng số tiền khoảng 750 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, trong tổng số 137 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, có 16 Tổng công ty, trong đó quy mô lớn như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam tổng tài sản trên 57 nghìn tỷ đồng; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, tổng tài sản trên 40 nghìn tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, tổng tài sản trên 17 nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp chưa hoàn thành CPH (VEC, SBIC). Bộ chỉ đạo Vinalines thực hiện cổ phần hóa 11 doanh nghiệp cảng biển.
Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa: Tính đến thời điểm này, trong số 124 doanh nghiệp hoàn thành IPO (thì 33 doanh nghiệp hoàn thành trong năm 2015). Để xác định tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa thì chủ yếu là tại 91 doanh nghiệp đã hoàn thành trước năm 2015, trong đó tập trung vào 11 Tổng công ty.
Đồng thời, các doanh nghiệp sau tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đã có bước phát triển tốt do huy động được các nguồn lực xã hội, tình hình tài chính được nâng cao, năng lực thiết bị được cải thiện, bổ sung, đặc biệt là công tác quản trị doanh nghiệp công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện nay, khó khăn lớn nhất tập trung vào việc xử lý tài chính để đủ điều kiện cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy do các doanh nghiệp này đều âm vốn chủ sở hữu; khó khăn thứ hai là việc bổ sung vốn điều lệ cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long để thực hiện đúng mục tiêu khi thành lập doanh nghiệp là đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc; khó khăn tiếp theo là việc thực hiện đồng thời việc tái cơ cấu nợ với việc cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Hiện nay, Bộ đã đề xuất từng giải pháp cụ thể với từng khó khăn, vướng mắc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cũng tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp lớn của Bộ GTVT như: Vietnam Airlines, Bệnh viện GTVT Trung ương, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng đường thuỷ... trình bày tham luận về các vấn đề liên quan đến cổ phần hoá doanh nghiệp; đàm phán, lựa chọn cổ đông chiến lược; tháo gỡ vướng mắc về tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ và tỷ lệ IPO...
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh ghi nhận và đánh giá cao những thành quả của công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT trong suốt 5 năm qua. Phó Thủ tướng đánh giá Bộ GTVT là đơn vị đi đầu trong công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp.
Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị hoạt động mang tính chất doanh nghiệp công ích thì tiếp tục sắp xếp, đổi mới hoạt động và đổi mới quản lý. Các đơn vị tiếp tục rà soát và triển khai thực hiện sắp xếp đổi mới. Trong đó, các doanh nghiệp đã thực hiện CPH nhưng tỉ lệ CPH chưa đạt theo mức đề ra phải tiếp tục thực hiện. Còn đối với các doanh nghiệp đã CPH nhưng chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược thì phải nhanh chóng tìm nhà đầu tư để triển khai thực hiện.
Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị nâng cao hiệu quả hoạt động và áp dụng phương thức quản trị tiên tiến để nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, chuẩn bị cho sự hội nhập lớn của đất nước. Đồng thời tập trung chỉ đạo tái cơ cấu một số đơn vị hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Tôi đề nghị Bộ tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các Bộ ngành phối kết hợp xây dựng cơ chế đặc thù vì nếu không có cơ chế đặc thù thì không thể làm được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, đối với các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị đã thí điểm phải tổ chức đánh giá lại để có thể thực hiện triển khai hàng loạt các đơn vị sự nghiệp chuyển sang CPH.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.