Hai khu vực được nghiên cứu mở rộng sân bay Nội Bài. |
Ngày 30/10, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, sau khi có chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc mở rộng sân bay Nội Bài, Bộ Giao thông vận tải sẽ tìm nguồn vốn để thuê tư vấn nghiên cứu toàn bộ quy hoạch sân bay Nội Bài; dự báo các thay đổi so với quy hoạch cũ cũng như nghiên cứu hai phương án mở rộng về phía bắc và phía nam. Dựa trên kết quả nghiên cứu đó, Bộ sẽ tìm phương án khả thi nhất.
Trước đây, Cục Hàng không Việt Nam từng đề xuất mở rộng sân bay về phía bắc thay vì phía nam như quy hoạch trước đó, song đề xuất này chưa dựa trên nghiên cứu đánh giá tổng thể nên Bộ Giao thông vận tải chưa quyết định.
Hai khu vực được nghiên cứu mở rộng sân bay Nội Bài. |
Năm 2016, Cục Hàng không Việt Nam từng nghiên cứu hai phương án mở rộng về phía bắc và phía nam sân bay Nội Bài sau năm 2020.
Với phương án mở rộng về phía nam như quy hoạch đã phê duyệt, các hạng mục xây dựng mới sau năm 2020 gồm đường cất hạ cánh số 2A song song, cách đường cất hạ cánh 1B hiện nay 1,7 km về phía nam; ga hành khách T3, T4 với công suất 25 triệu khách mỗi năm nâng tổng công suất cụm cảng lên 50 triệu hành khách; ga hàng hóa, sân đỗ máy bay, xe tải...
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, việc triển khai mở rộng về phía nam sẽ rất khó khăn bởi mật độ dân cư hiện dày đặc khiến chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn. Dự kiến, trên 5.000 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng sẽ khoảng 4-5 tỷ USD, ngoài ra, vấn đề an sinh xã hội là thách thức lớn.
Do đó, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép nghiên cứu theo hướng mở rộng sân bay về phía bắc. Phương án này dự kiến xây dựng đường cất hạ cánh số 3, đường lăn, sân đỗ máy bay và ga hành khách công suất 25 triệu người mỗi năm. Chi phí giải phóng mặt bằng sẽ giảm so với phương án mở về phía nam, song vẫn vướng một số khu công nghiệp.
Theo một chuyên gia giao thông, từ nay đến năm 2030, Nội Bài phải xây dựng được đường cất hạ cánh số 3 và nhà ga hành khách công suất 25 triệu, để nâng công suất sân bay lên 50 triệu khách vào năm 2030. Sau năm 2030, đường cất hạ cánh số 4 tiếp tục được xây dựng đồng bộ, sẽ nâng công suất sân bay thêm 40 triệu người.
Theo Quy hoạch giao thông Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2020, Nội Bài sẽ đạt cấp độ sân bay 4E với lưu lượng hành khách 20-25 triệu và trên 260.000 tấn hàng hóa mỗi năm; Đến năm 2030 cảng hàng không này tiếp nhận 35 triệu khách và sau năm 2030 là 50 triệu khách và 500.000 tấn hàng hóa mỗi năm.
Tuy nhiên, hiện nay, lưu lượng hành khách thông qua sân bay Nội Bài đã đạt 25 triệu hành khách, tương đương công suất thiết kế của nhà ga T1 và T2. Năm 2018, nhà ga đã có dấu hiệu quá tải, một số công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ đã xuất hiện hư hỏng.
Từ hiện trạng này, tại buổi làm việc tại Nội Bài giữa tháng 10/2018, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ động làm việc với các nhà khoa học, đơn vị tư vấn có năng lực, rà soát quy hoạch phát triển của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Phó thủ tướng chỉ đạo, trước mắt, Bộ Giao thông rà soát quy hoạch khu vực phía bắc để nâng quy mô công suất khai thác đạt 50 triệu hành khách/năm, đồng thời nghiên cứu phát triển về phía nam, bảo đảm đến năm 2050 đạt 80-100 triệu hành khách/năm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.