Bộ GTVT quyết liệt tái cơ cấu, giảm chi phí vận tải

Tác giả: Nhị Hà

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 23/04/2016 06:00

Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Lê Đình Thọ tại cuộc họp với các cơ quan nhằm giải quyết các kiến nghị của các Hội, Hiệp hội vận tải.


 

hp
Trong năm 2016, Bộ GTVT tập trung tái cơ cấu, giảm chi phí vận tải theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết: “Trong năm 2016, Bộ GTVT huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm hoàn thành mục tiêu Tái cơ cấu vận tải và nâng cao năng lực, hiệu quả của các phương thức vận tải, chú trọng vận tải đa phương thức, nhằm giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng giao thông lớn, có tính lan tỏa, làm động lực cho phát triển KT-XH như các dự án đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không...

Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Trần Bảo Ngọc cho biết: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chiến lược, các quy hoạch phát triển, thời gian vừa qua, ngành GTVT đã có bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển mọi mặt của đất nước.

Tập trung Tái cơ cấu vận tải ở các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa theo hướng phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa, đặc biệt trên các hành lang vận tải chính.

Qua báo cáo cho thấy, trong quý I năm 2016, Bộ GTVT đánh giá, năng lực vận tải trong nước tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, Lĩnh vực đường bộ: Phát huy lợi thế của vận tải đường bộ trong gom hàng, tạo chân hàng, vận chuyển hàng hóa, hành khách với cự ly ngắn và trung bình; giảm thị phần vận tải đường bộ liên tỉnh, chia sẻ thị phần cho các phương thức vận tải khác. Ưu tiên phương tiện vận tải công cộng, phương tiện thân thiện với môi trường.

hp2
Tập trung phát triển loại hình vận tải biên giới đối với các nước trong khối Asean

Lĩnh vực đường sắt: Chủ yếu đảm nhận vận tải hàng hóa đường dài hoặc trung bình, khối lượng lớn; vận tải hành khách đường dài, hành khách liên tỉnh, liên thành phố và vận tải hành khách công cộng tại các thành phố lớn; tăng thị phần đảm nhận của vận tải đường sắt trên các hành lang vận tải chủ yếu và vận tải hành khách công cộng đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Lĩnh vực đường thủy nội địa: Chủ yếu đảm nhận vận tải hàng rời khối lượng lớn (than, xi măng, phân bón, vật liệu xây dựng…) với chi phí thấp, hàng siêu trường, siêu trọng, vận tải chuyển tiếp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; tăng thị phần đảm nhận của vận tải đường thủy nội địa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, vận tải pha sông biển.

Lĩnh vực hàng hải: Chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa viễn dương, các tuyến ven biển, nhất là vận tải Bắc - Nam, vận tải than nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, vận chuyển dầu thô phục vụ các nhà máy lọc hóa dầu; nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lên 25 - 30%.

Lĩnh vực hàng không: Chủ yếu đảm nhận vận tải hành khách đường dài, quốc tế và hàng hóa có giá trị kinh tế cao; phát triển vận tải hàng không trở thành phương thức vận tải an toàn và thuận tiện theo hướng thị trường mở, gắn liền với thị trường vận tải hàng không khu vực và thế giới; tăng thị phần vận tải hành khách quốc tế.

Chỉ ra những mặt còn hạn chế, cần tập trung tháo gỡ trong thời gian tới đây, đại diện Vụ Vận tải cho rằng: Hiện nay, cơ cấu phát triển các phương thức vận tải chưa hợp lý, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của từng phương thức vận tải, kết nối giữa các phương thức vận tải còn yếu; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ; năng lực của các doanh nghiệp còn hạn chế…

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, Bộ GTVT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành GTVT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020

Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải: Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ ban hành các Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVT…

Đặc biệt, Trong năm 2016, Bộ GTVT sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ nêu trên, đặc biệt là việc hoàn thiện thể chế, chính sách; cải cách hành chính; kiểm soát tải trọng phương tiện; tăng cường kết nối các phương thức vận tải tại các điểm đầu mối tập kết hàng hóa như bến cảng, nhà ga...; tiếp xúc và đối thoại với doanh nghiệp; xây dựng và triển khai các sàn giao dịch vận tải...

lgt1.
Trong quý I, năm 2016, năng lực vận tải trong nước tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều hoan nghênh sự cầu thị của cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp vận tải. Bằng chứng là chỉ hơn một năm 2015, Bộ đã tổ chức 12 cuộc đối thoại với các Hội, Hiệp hội và DN vận tải và sau đó đã có nhiều tháo gỡ cần thiết.

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tương, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải logistics Việt Nam cho rằng, để tái cơ cấu ngành vận tải trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GTVT cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Logictis cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

“Tập trung phát triển loại hình vận tải biên giới đối với các nước trong khối Asean. Phổ biến cho Doanh nghiệp những cam kết quốc tế, ký văn bản hợp tác với Vụ vận tải và Vụ pháp chế theo tinh thần đề án tái cơ cấu vận tải”, ông Tương nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề vận tải Taxi và xe Bus, Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội mong muốn, Bộ GTVT giải quyết dứt điểm những vấn đề, thực trạng mạng lưới giao thông hiện nay trong thành phố, phải có hoạch địch rõ ràng về chính sách vĩ mô.

Theo đánh giá, tại Hà Nội, mỗi tháng lượng xe cá nhân tăng từ 6000 – 8000 xe, mạng lưới giao thông trong đô thị ngày càng tăng, cần phải thay đổi tư duy, vạch ra bài toán hoạch định phát triển số lượng xe so với số lượng dân.

Các phương tiện chủ chốt phục vụ vận tải phải hoạch định được loại nào là chủ yếu. Về vấn đề Taxi Uber và Grab, Bộ GTVT cần tham khảo thêm loại hình kinh doanh vận tải mới này, để đưa ra những biện pháp quản lý hiệu quả.

Kết luận trước hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, tất cả ý kiến, kiến nghị tại hội nghị sẽ được các cơ quan của Bộ ghi nhận, nghiên cứu chỉnh sửa và bổ sung với mục tiêu nâng cao công tác quản lý của nhà nước, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển và đảm bảo quyền lợi của người dân.  

Ý kiến của bạn

Bình luận