Phương tiện đi làn riêng thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Anh Duy. |
Tại cuộc họp về kiểm điểm tiến độ thu phí không dừng (ETC) chiều 6/3, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Đối tác công tư (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, hiện 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã vận hành ETC trên tổng số 44 trạm giai đoạn một.
Các trạm còn lại trên tuyến quốc lộ và cao tốc đang triển khai có thể hoàn thành trong năm 2019. Tuy nhiên, việc lắp đặt ETC trên 5 tuyến cao tốc thuộc Tổng công ty Đầu tư và phát triển cao tốc VN (VEC) quản lý diễn ra chậm chạp, triển khai không quyết liệt. Điều này làm ảnh hưởng tới tiến độ lắp đặt ETC tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, trong khi đây là khu vực cửa ngõ thủ đô thường xuyên ùn tắc.
Giai đoạn 2 thu phí không dừng có 33 trạm, bao gồm 10 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; 23 trạm thuộc các tuyến quốc lộ và cao tốc khác.
Về phía nhà cung cấp dịch vụ, ông Nguyễn Văn Dưỡng - Tổng giám đốc Công ty CP Tasco cho biết, nhà đầu tư đã bỏ ra trên 450 tỉ đồng đầu tư dự án, doanh thu giai đoạn một dự kiến đạt 608 tỉ đồng, nhưng đến nay tổng doanh thu mới đạt 78 tỉ đồng (khoảng 13%). Mỗi tháng nhà đầu tư bị thâm hụt khoảng 9 tỉ đồng, chưa tính chi phí duy tu bảo dưỡng thiết bị.
Ông Dưỡng đề nghị sớm được ký lại phụ lục hợp đồng với Bộ Giao thông vận tải và ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT để đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2019.
Chốt cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các nhà đầu tư BOT phải thực hiện nghiêm tiến độ lắp đặt hệ thống thu phí không dừng, nhất là các doanh nghiệp dự án cao tốc.
"Tới 31/12 nếu dự án nào chưa thực hiện thu phí tự động thì buộc dừng thu phí, nhà đầu tư chậm trễ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, Bộ sẽ không nương tay", ông Thể khẳng định.
Ông Thể cũng đề nghị triển khai trước thu phí không dừng ở các trạm thu phí cửa ngõ thành phố lớn, như cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, do lượng xe đông và hay ùn ứ; Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm giám sát việc này để đẩy nhanh tiến độ.
"Chúng tôi sẽ có văn bản báo cáo lên Thủ tướng, tất cả xe công đều phải dán thẻ E-tag, Bộ Giao thông vận tải thực hiện trước để làm gương. Chậm nhất đến 30/6, toàn bộ xe công từ trung ương đến địa phương phải dán thẻ E-tag", ông nói.
Hiện cả nước có hơn 3 triệu ôtô, nhưng lượng xe dán thẻ E-Tag chưa đến một triệu. Để tạo thuận lợi cho người dân, Bộ Giao thông vận tải sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép giữ lại 1 – 2 làn thu phí thủ công cho những xe không dán thẻ lưu thông. Đặc biệt, để khuyến khích người dân sử dụng thu phí tự động, sau 31/12, những xe không dán thẻ E-tag sẽ không được đi làn ETC, mà phải xếp hàng chờ đi qua làn thủ công.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải sẽ làm việc với 14 địa phương có dự án BOT, nghiên cứu theo hướng một thẻ E-tag có thể đi được tất cả các trạm để khuyến khích người dân không trả tiền mặt khi đi qua trạm và đảm bảo minh bạch việc thu phí.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.