Bộ GTVT trả lời Báo chí về BOT

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 29/09/2017 08:49

BOT là chủ đề nhận được sự quan tâm của đông đảo các phóng viên tại cuộc họp báo Quý III của Bộ GTVT diễn ra vào chiều 28/9.

DSC01048
Toàn cảnh Họp báo Quý III năm 2017 của Bộ GTVT.

Phát biểu khai mạc buổi Họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã đạt nhiều thành tích trên mọi lĩnh vực, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ và kế hoạch đề ra. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng gửi lời cảm ơn tới các cơ quan báo chí đã luôn đồng hành với Bộ GTVT, đồng thời Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục sát cánh và đóng góp vào sự phát triển của ngành GTVT cũng như sự phát triển của đất nước.

Chỉ làm BOT với những tuyến đường mới

Buổi họp báo đã trao đổi nhiều thông tin của ngành GTVT trong 9 tháng đầu năm qua. Trong đó, các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm đến những vấn đề liên quan đến BOT. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông công bố, Bộ GTVT đã dừng triển khai các dự án BOT trên những tuyến đường hiện có và chỉ kêu gọi đầu tư đối với tuyến đường mới, đảm bảo người dân có sự lựa chọn.

Trả lời các cơ quan thông tấn, báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, Bộ GTVT đang rà soát 54 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý để xem xét giảm phí, rà soát xong dự án nào sẽ giảm phí dự án đó. Hiện nay, Tổng cục ĐBVN đã thực hiện rà soát và được Bộ GTVT chấp thuận giảm giá đối với 10 trạm BOT. Ngoài ra, có 3 trạm BOT đã có thống nhất với nhà đầu tư và đang báo cáo Bộ GTVT xem xét.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện, quá trình rà soát và đàm phán đều được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo tính công khai, minh bạch, căn cứ theo các tiêu chí và số liệu quyết toán. Mức giảm phí dự kiến dao động từ 5 đến 25%. Người dân sống xung quanh trạm BOT sẽ được miễn phí khi đi qua.

Liên quan đến những bức xúc thời gian qua về Trạm BOT Cai Lậy, ông Trần Danh Huy – Vụ trưởng, Trưởng Ban Đối tác công tư (Bộ GTVT) khẳng định, việc đặt Trạm Cai Lậy là đúng theo hệ thống quy định pháp luật hiện hành. Trong đó, Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định, vị trí trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án, và Trạm BOT Cai Lậy cũng nằm trong phạm vi dự án.

“Việc có di dời Trạm Cai Lậy hay không thì phải xem xét vị trí đặt trạm là đúng hay sai”, ông Trần Danh Huy bày tỏ.

Mặt khác, ông Trần Danh Huy cũng cho rằng, quan điểm mua lại Trạm BOT Cai Lậy để di dời là điều không hợp lý. Ngân sách Nhà nước khó khăn, không có tiền đầu tư thì mới thực hiện giải pháp BOT, tức là huy động vốn từ các nhà đầu tư. Vậy thì lấy đâu ra tiền để mua lại trạm BOT?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ, ngay cả những cường quốc giàu có như Mỹ hay Nhật cũng không đáp ứng được mà đều phải có quỹ riêng để đầu tư phát triển hạ tầng.

Cần hành lang pháp lý về BOT chặt chẽ hơn

Hành lang pháp lý chính là yếu tố quan trọng hàng đầu và cũng là bài học rút ra sau quá trình thực hiện BOT vừa qua.

“Sau quá trình thực hiện BOT vừa qua, Bộ GTVT đã đánh giá mặt được và chưa được, đồng thời rút kinh nghiệm khi thực hiện các dự án BOT. Bài học rút ra đầu tiên là phải tăng cường hệ thống văn bản đồng bộ, đầy đủ, thống nhất”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ.

DSC01039
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời báo giới trong Họp báo Quý III 2017.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông bày tỏ: “BOT là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện bộc lộ nhiều vấn đề hạn chế. Vì BOT là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với chúng ta, nên chưa thể có kinh nghiệm sâu sắc và toàn diện, đây cũng là một yếu tố quan trọng dẫn tới một số vướng mắc cần phải điều chỉnh lại”.

Ngoài yếu tố về hành lang pháp lý, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng thừa nhận, quá trình tổ chức thực hiện cũng có một số vấn đề bất cập như chưa đánh giá sâu sắc về các yếu tố như đánh giá tác động xã hội, đánh giá năng lực nhà đầu tư, đánh giá mức phí chưa đầy đủ về đơn giá,…. Nhưng thực tế, những bất cập này cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ khung pháp lý, vì vậy, việc có khung pháp lý chặt chẽ sẽ khắc phục được những vấn đề hạn chế của BOT.

Từ thực tiễn thực hiện BOT, Bộ GTVT đã rút ra được bài học kinh nghiệm, đồng thời kiến nghị phải xây dựng hệ thống luật pháp đồng bộ, thống nhất, tránh để tình trạng vì có quá nhiều luật chi phối đầu tư như hiện nay nên dẫn chiếu không đồng bộ, quy định trách nhiệm tổ chức, cá nhân còn bất cập.

Về việc tàu chạy thử trên đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào sáng ngày 28/9, Thứ trưởng Đông cho biết, đó chỉ là việc kiểm tra các hệ thống vận hành trên đường sắt trên cao chứ không phải chạy thử tàu. Việc chạy thử tàu chính thức liên quan đến rất nhiều hệ thống, thiết bị trên toàn bộ đường sắt trên cao.

Để thực hiện chạy thử như vậy cần qua nhiều khâu kiểm tra. Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành 95%, còn 5% đang vướng mắc liên quan đến thiết bị của toàn hệ thống do thiếu vốn, nguồn vốn giải ngân chậm. Bộ đang rà soát chi tiết và làm việc lại với Tổng thầu Trung Quốc để có báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ.

“Nguyên nhân chính dẫn đến lỡ kế hoạch chạy thử vào tháng 10 này là do giải ngân chậm. Tháng 5 vừa qua, Hiệp định vay vốn bổ sung 250 triệu USD được ký kết, nhưng hiện nguồn vốn vay bổ sung vẫn chưa giải ngân được do vướng mắc về các vấn đề tư pháp”, Thứ trưởng Đông cho biết.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, hiện nay, Bộ GTVT đang chờ ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về nguồn vốn giải ngân 250 triệu USD vay bổ sung. Đây là nguồn vốn lớn nhất cho phần đầu tư thiết bị, phải trả tiền thì bên đối tác mới cung cấp thiết bị chứ không cung cấp thiết bị trước rồi trả tiền sau được. Tuy nhiên, nguồn vốn này vẫn chưa hoàn thành thủ tục theo các hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ý kiến của bạn

Bình luận