Bộ GTVT trả lời kiến nghị về lắp camera, đăng kiểm xe thời Covid-19

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 16/06/2021 16:25

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bộ GTVT vừa đề xuất nhiều giải pháp thiết thực.


unnamed-6
Theo quy định từ 1/7/2021, xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên phải lắp camera giám sát trên xe

Lùi thời gian xử phạt lắp camera

Theo Bộ GTVT, một trong các nội dung quy định tại Nghị định 10 đó là “xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông; xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông” và thời hạn thực hiện phải hoàn thành xong trước ngày 01/7/2021. Triển khai thực hiện từ 01/4/2020 đến nay, các đơn vị vận tải đã và đang lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các Sở GTVT, việc thực hiện quy định này cho đến nay gặp nhiều khó khăn dẫn đến không đảm bảo tiến độ xong trước ngày 01/7/2021 như quy định của Nghị định 10; đã có một số Sở GTVT, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng, Hiệp hội vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội, Hiệp hội vận tải ô tô An Giang đề nghị cho phép lùi thời hạn lắp đặt camera hoặc tạm thời chưa xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm chưa lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100).

Theo phân tích, đánh giá của Bộ GTVT, nguyên nhân khách quan và là nguyên nhân chính của khó khăn này là do ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 dẫn đến đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh; đặc biệt là vận tải hành khách, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, có khi bị dừng hoạt động hoặc phải dãn cách chỉ được chở lượng khách bằng 50% sức chứa của phương tiện, số lượng khách đi giảm sút nghiêm trọng, nhất là trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay). Các địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương có các tuyến vận tải khách cố định đi, đến các địa phương này. Đối với các phương tiện kinh doanh vận tải hàng hoá ít bị ảnh hưởng hơn và vẫn duy trì được mức tăng trưởng trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021. Do đó, một số địa phương, khu vực có dịch phải thực hiện giãn cách xã hội phương tiện vận tải hành khách phải dừng hoạt động, điều này ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt camera của chính các đơn vị vận tải và đơn vị lắp đặt camera khi thực hiện quy định.

Còn nguyên nhân chủ quan là do một số đơn vị kinh doanh vận tải còn e ngại và chưa muốn lắp camera, tâm lý lo sợ sẽ bị các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát và xử lý đối với các hình ảnh vi phạm được truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Camera

Trước thực trạng này,  Bộ GTVT có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 100 đối với hành vi vi phạm quy định lắp camera lên phương tiện kinh doanh vận tải  theo lộ trình.

Cụ thể, từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp camera lên xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo. Từ ngày 01/01/2022 xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định này.

Từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên. Từ ngày 01/7/2022 xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định này.

Đồng thời, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc đơn vị kinh doanh vận tải tiếp tục khắc phục khó khăn, thực hiện lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo theo quy định của Nghị định số 10 để góp phần tăng cường theo dõi, giám sát người lái xe đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

Giãn thời gian đăng kiểm đối với xe kinh doanh

Đối với kiến nghị của các đơn vị taxi về tăng thời gian của chu kỳ kiểm định xe kinh doanh taxi từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ lần 1 và từ 6 tháng lên 12 tháng đối với chu kỳ lần II vì từ 2020 đến nay, thời gian xe taxi hoạt động trong ngày chỉ bằng 20-30% so với trước dịch. Bộ GTVT cho biết đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tham mưu hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 70/2015/TTBGTVT ngày 09/11/2015 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. 

Trong đó, Bộ GTVT sẽ điều chỉnh chu kỳ kiểm định của ô tô chở người các loại đến 09 chỗ có kinh doanh vận tải. Cụ thể, dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 70/2015/TTBGTVT sẽ quy định chu kỳ đầu đăng kiểm là 24 tháng và chu kỳ định kỳ là 12 tháng (hiện nay Thông tư 70 đang quy định chu kỳ đầu là 18 tháng và chu kỳ định kỳ là 6 tháng).
Ý kiến của bạn

Bình luận