Ưu tiên đầu tư các dự án giao thông quan trọng với địa phương
Theo Bộ GTVT, kiến nghị của cư tri tỉnh Thanh Hóa có nội dung như sau: "Đề nghị Bộ GTVT quan tâm đầu tư dự án tuyến đường giao thông và cầu từ xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc sang xã Quý Lộc, huyện Yên Định đi Lam Kinh - Sân Bay Sao Vàng huyện Thọ Xuân".
Về nội dung này, Bộ GTVT cho biết, đây là công trình giao thông thuộc trách nhiệm của ngân sách địa phương. Bộ GTVT nhận thấy việc đầu tư công trình theo kiến nghị của cư tri là cần thiết, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chủ động cân đối nguồn vốn để triển khai thực hiện, đồng thời trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa về nội dung nêu trên theo thẩm quyền. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong kiến nghị với Bộ GTVT có nêu: "Cử tri huyện Thọ Xuân kiến nghị mở rộng tuyến đường QL47B đoạn qua xã Xuân Lai và lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư Trường THPT Lê Hoàn giao nhau thành điểm đen ATGT, che khuất tầm nhìn giữa QL47B và Tỉnh lộ 506B".
Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, QL47 đoạn qua tỉnh Thanh Hóa dài 140km, quy mô cấp III - IV, 2 - 4 làn xe. Hiện trạng QL47 đoạn qua xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân có quy mô cấp V, 2 làn xe.
Hiện nay, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 29/2021 rất hạn hẹp, nguồn lực tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ, nên chưa thể cân đối bố trí vốn để đầu tư QL47 đoạn qua xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân như kiến nghị của cử tri.
Mặc dù nguồn lực còn hạn chế, đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã cân đối đến 14.893 tỷ đồng để thực hiện các dự án có ý nghĩa động lực, trọng điểm của cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng.
Trước mắt, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam rà soát đánh giá, tăng cường duy tu, cải tạo mặt đường để đảm bảo nhu cầu đi lại trên tuyến.
Về việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư Trường THPT Lê Hoàn, hiện nay, tại nút giao này đã bố trí đầy đủ hệ thống ATGT như: biển báo hiệu, vạch sơn kẻ đường, gờ giảm tốc... Tuy nhiên, nút giao nằm ở phạm vi đoạn tuyến tập trung đông dân cư, trường học nên vào giờ cao điểm thường xảy ra ùn tắc cục bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Để đảm bảo ATGT khu vực nút giao nêu trên, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở GTVT Thanh Hóa (đơn vị được ủy thác quản lý tuyến đường này) phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực nút giao trên; đồng thời, rà soát, hoàn thiện hồ sơ điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT theo quy định tại Thông tư 26/2012 ngày 20/7/2012 của Bộ GTVT để triển khai các giải pháp xử lý điểm đen, trong đó có việc bố trí đèn tín hiệu theo đề nghị của cử tri.
Tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh
Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị nội dung: "Đề nghị Bộ GTVT xem xét, quyết định có chủ trương đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh tránh Đông thị trấn Phong Sơn, vì tuyến đường Hồ Chí Minh hiện nay đang chạy qua trung tâm thị trấn, lượng người và phương tiện qua lại nhiều ảnh hưởng đến giao thông qua lại và gây TNGT".
Trả lời về nội dung này, Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1454 ngày 1/9/2021, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Thanh Hóa dài khoảng 130km đi trùng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây có quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.
Bộ GTVT ghi nhận kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa và sẽ phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét, nghiên cứu kiến nghị của cử tri khi chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
"Trước mắt, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam rà soát đánh giá, tăng cường duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để bảo đảm ATGT và đáp ứng nhu cầu đi lại trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Phong Sơn", Bộ GTVT nêu.
Cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ GTVT tham mưu trình Chính phủ sớm triển khai mở rộng đường Hồ Chí Minh theo như quy hoạch đã được phê duyệt, hoặc có chính sách quản lý phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền đối với diện tích đất hợp pháp được Nhà nước công nhận; sớm đưa dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh vào thực hiện, có phương án đền bù GPMB, hỗ trợ tái định cư phù hợp với các hộ gia đình sinh sống 2 bên hành lang ATGT để cuộc sống người dân đi vào ổn định.
Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Thanh Hóa đi trùng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây có tiến trình đầu tư sau năm 2030. Vì vậy, trong thời gian tới Bộ GTVT sẽ phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa để nghiên cứu, tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh phù hợp với tiến trình đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Trường hợp, địa phương có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển KT-XH và huy động được nguồn lực, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa căn cứ vào quy định tại Khoản 21, mục III Quyết định 1454, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về chính sách quản lý, Bộ GTVT đã phối hợp với chính quyền địa phương, triển khai và bàn giao cọc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới đường bộ theo quy hoạch chi tiết cho địa phương từ năm 2017 làm cơ sở quản lý quỹ đất, hạn chế ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân hai bên tuyến; đã tổ chức công khai quy hoạch dọc tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và thực hiện.
Về phương án đền bù GPMB, hỗ trợ tái định cư phù hợp, Bộ GTVT ghi nhận kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa. Trong quá trình triển khai dự án đường Hồ Chí Minh, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thanh Hóa có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các hộ gia đình sinh sống hai bên hành lang an toàn giao thông phù hợp theo các quy định hiện hành, bảo đảm cuộc sống người dân đi vào ổn định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.