Bộ GTVT tường minh về dự án xây dựng cầu dân sinh

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 22/09/2022 17:16

Bộ GTVT vừa phúc đáp Bộ Tài chính, làm rõ nhiều vấn đề về vốn dư dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP).

Bộ GTVT làm rõ nhiều vấn đề về vốn dư dự án LRAMP - Ảnh 1.

Học sinh huyện nghèo miền núi của tỉnh Hà Giang đi trên cây cầu mới nối trường học thuộc dự án LRAMP

Danh mục cầu được cập nhật liên tục

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc làm rõ các nội dung về thẩm quyền phê duyệt và sử dụng vốn dư dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP).

Theo đó, Bộ GTVT nhận được văn bản 7877 ngày 9/8/2022 của Bộ Tài chính về việc giải ngân hợp phần cầu dự án LRAMP, trong đó nêu: "Thẩm quyền của Bộ GTVT trong việc ban hành các quyết định điều chỉnh danh mục cầu khác với phê duyệt ban đầu của Thủ tướng Chính phủ mà chưa có sự thống nhất của các tỉnh".

Về nội dung này, Bộ GTVT cho biết, dự án LRAMP được lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư nhằm thực hiện chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2529 ngày 31/12/2015.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 330 ngày 2/3/2016 phê duyệt danh mục dự án LRAMP với mục tiêu khôi phục, cải tạo khoảng 676km đường địa phương và xây dựng khoảng 2.174 cầu dân sinh. Bộ GTVT được giao là cơ quan chủ quản, điều phối chung dự án LRAMP, chịu trách nhiệm phê duyệt văn kiện dự án; UBND các tỉnh tham gia hợp phần đường là cơ quan chủ quản của các dự án thành phần.

Thực hiện Quyết định 330 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã có Quyết định 622 ngày 2/3/2016 phê duyệt đầu tư dự án LRAMP với mục tiêu và kết quả phù hợp với chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ được duyệt.

Do đặc thù các cầu của dự án LRAMP có quy mô nhỏ, xây dựng chủ yếu tại vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn cả nước (50 tỉnh, thành phố), vị trí xây dựng các cầu ngoài việc đáp ứng nhu cầu đi lại cấp thiết của nhân dân (theo đề nghị của các tỉnh) còn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của dự án nên khi triển khai đã có một số cầu dự kiến đầu tư nhưng không thực hiện được.

Nguyên nhân là do một số cầu không đáp ứng tiêu chí dự án; một số cầu do nhu cầu cấp bách, địa phương đã đầu tư bằng nguồn vốn khác; một số cầu địa phương không giải phóng được mặt bằng để thi công,… Vì vậy, danh mục cầu luôn biến động trong quá trình thực hiện, cần cập nhật cho phù hợp với thực tế.

Ngày 31/10/2016, Bộ GTVT đã có Văn bản 12785 báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản 10291 ngày 29/11/2016 như sau: "Giao Bộ GTVT căn cứ tình hình thực tế theo yêu cầu của dự án LRAMP, thống nhất với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cập nhật lại danh mục cầu dân sinh tại Quyết định 2529 ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt".

Trên cơ sở danh sách cầu do các tỉnh đề nghị, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) phối hợp với các địa phương rà soát, lựa chọn các cầu đáp ứng tiêu chí của dự án trình Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh danh mục cầu của Chương trình tại Quyết định 1695 ngày 14/6/2017, Quyết định 711 ngày 25/4/2019 và phê duyệt điều chỉnh danh mục cầu của dự án LRAMP tại Quyết định 1698 ngày 15/6/2017 (số cầu cập nhật là 2.272 cầu), Quyết định  711 ngày 25/4/2019 (số cầu cập nhật là 2.444 cầu).

Căn cứ Quyết định 1114 ngày 24/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư về sử dụng vốn dư để tận dụng tối đa nguồn vốn ODA, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án LRAMP và tình hình thực hiện kinh phí đã phân bổ cho các địa phương (một số địa phương có vốn còn lại không đủ để thực hiện tối thiểu 1 cầu), Bộ GTVT đã có Quyết định 1003 ngày 2/06/2021 phê duyệt điều hòa vốn ODA và điều chỉnh danh mục cầu với số lượng cầu là 2.477 cầu (bổ sung 113 cầu và giảm 80 cầu theo đề nghị và thống nhất của các địa phương).

Đến năm 2022, danh sách cầu không còn biến động, số cầu được đầu tư phù hợp với vốn phân bổ cho từng tỉnh. Trên cơ sở tổng hợp số liệu thống nhất với các tỉnh và đề xuất của Tổng cục ĐBVN, Bộ GTVT đã có Quyết định 462 ngày 7/4/2022 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số nội dung và cập nhật danh sách cầu cuối cùng của dự án LRAMP là 2.457 cầu (vượt mục tiêu ban đầu của dự án là xây dựng khoảng 2.174 cầu). Quyết định 462 đã được gửi đến tất cả các tỉnh tham gia dự án để triển khai thực hiện và thống nhất về danh mục cầu được đầu tư trong dự án.

Bộ GTVT làm rõ nhiều vấn đề về vốn dư dự án LRAMP - Ảnh 2.

Công trình thi công cầu dân sinh thuộc dự án LRAMP tại vùng khó khăn thuộc tỉnh Bắc Giang

Tận dụng tối đa nguồn vốn dư để tăng hiệu quả dự án

Văn bản 7877 của Bộ Tài chính đề cập nội dung "Căn cứ xác định các hạng mục sử dụng vốn dư và các hạng mục sử dụng vốn ban đầu nhưng được Bộ GTVT điều chỉnh".

Bộ GTVT cho biết, dự án LRAMP triển khai xây dựng cầu trên 50 tỉnh, thành phố, việc quản lý được thực hiện trên cơ sở vốn phân bổ và số cầu dự kiến xây dựng trên từng tỉnh đã được xác định tại Quyết định 622 ngày 2/3/2016 của Bộ GTVT, thời gian thực hiện là từ năm 2016 - 2021.

Dự án được thực hiện theo hình thức dựa trên kết quả (PforR) và triển khai theo kế hoạch năm để đảm bảo các chỉ tiêu giải ngân (DLIs) quy định trong Hiệp định vay vốn, hoàn thành số cầu lũy kế cụ thể theo năm như sau: Năm 2017 là 400 cầu, năm 2018 là 1.000 cầu, năm 2019 là 1.600 cầu, năm 2020 là 2.000 cầu, năm 2021 là 2.174 cầu.

Tại mỗi tỉnh, các cầu đầu tư hàng năm được phân chia theo các dự án thành phần (dự án LRAMP có 305 dự án thành phần/50 tỉnh) để triển khai, thời gian hoàn thành mỗi dự án thành phần khoảng 6-8 tháng.

"Khi đa số dự án thành phần của các tỉnh được hoàn thành đã xuất hiện kinh phí dư sau đấu thầu và dư dự phòng chưa sử dụng hết tại dự án thành phần đó", văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

Với mục đích tận dụng tối đa vốn ODA để xây dựng cầu còn lại (còn khoảng 1.024 cầu trong tổng số 3.473 cầu theo Quyết định 711 ngày 25/4/2019 của Bộ GTVT) và đủ thời gian hoàn thành các cầu trong năm 2021, Bộ GTVT đã có Tờ trình 4454 ngày 11/5/2020 trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị được sử dụng vốn dư của dự án để tiếp tục đầu tư xây dựng cầu thuộc chương trình.

Do thời điểm Bộ GTVT trình sử dụng vốn dư, một số tỉnh chưa hoàn thành toàn bộ các cầu theo số vốn phân bổ ban đầu nên số vốn dư là ước tính, số cầu sử dụng vốn dư được xác định trên cơ sở vốn dư ước tính tại mỗi tỉnh. Tổng hợp kinh phí dư sau đấu thầu, dư dự phòng tính đến thời điểm Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ khoảng 494 tỷ đồng (131 tỷ sau đấu thầu, khoảng 363 tỷ đồng vốn dư dự phòng).

Nội dung chi tiết đã được Bộ GTVT giải trình Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 6646 ngày 9/7/2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1114 ngày 24/7/2020 cho phép sử dụng vốn dư của dự án LRAMP.

Phần vốn dư và vốn phân bổ còn lại của mỗi tỉnh được dùng đầu tư xây dựng những cầu còn lại của chương trình trên địa bàn tỉnh. Số cầu được đầu tư xây dựng thêm của dự án kể từ thời điểm Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng là 349 cầu.

"Tổng số cầu được xây dựng trong dự án LRAMP khi kết thúc là 2.457 cầu, vượt 283 cầu so với mục tiêu ban đầu của dự án (khoảng 2.174 cầu). Việc tận dụng tối đa vốn ODA đã tăng thêm hiệu quả dự án, góp phần hoàn thành mục tiêu của Chương trình xây dựng cầu sân sinh đảm bảo ATGT vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020", Bộ GTVT khẳng định.

Bộ GTVT làm rõ nhiều vấn đề về vốn dư dự án LRAMP - Ảnh 3.

Cầu dân sinh ở Mã Pì Lèng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang hoàn thành giúp người dân vùng cao đi lại thuận lợi, an toàn

Thủ tướng cho phép sử dụng vốn dư để đầu tư khôi phục, cải tạo thêm các tuyến đường 

Tiếp đến, ngày 8/7/2022, Bộ Tài chính có Văn bản 6552 gửi Bộ GTVT về việc giải ngân và sử dụng vốn dư dự án LRAMP. Trong đó đề cập nội dung đối với hợp phần đường: "Thẩm quyền của Bộ GTVT trong việc ban hành các quyết định điều chỉnh dự án khác với phê duyệt ban đầu của Thủ tướng Chính phủ".

Theo Bộ GTVT, tương tự như hợp phần cầu, trong quá trình thực hiện dự án xuất hiện một số yếu tố có thể mang lại hiệu quả lớn hơn, bao gồm: Việc sử dụng vốn dư sau đấu thầu, dự phòng, dư đối ứng; việc sử dụng vốn dư do chênh lệch tỷ giá; cơ chế tài chính trong nước đối với các phần vốn dư nêu trên; gia hạn thời gian thực hiện dự án; cơ chế bố trí vốn đối ứng và điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.

Bộ GTVT đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư làm cơ sở thực hiện và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại các Quyết định 1114 ngày 24/7/2020 và Quyết định 46 ngày 13/1/2022. Tại các Quyết định này, Bộ GTVT được giao thực hiện thủ tục điều chỉnh Quyết định đầu tư dự án theo thẩm quyền và quy định hiện hành.

Về danh mục thực hiện hợp phần đường trong dự án LRAMP, theo quy định Sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án (OM), trên cơ sở kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách tỉnh đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt, dựa trên mô hình xác định thứ tự ưu tiên (RONET), mỗi tỉnh lập kế hoạch chi tiêu trung hạn (MTEP) với kịch bản bố trí ngân sách 3 năm để lựa chọn các tuyến đường khôi phục, cải tạo có mức độ ưu tiên cao (hư hỏng lớn, lưu lượng xe, kết nối,…), đáp ứng các tiêu chí sàng lọc về môi trường - xã hội và tiêu chí hợp lệ của dự án, phù hợp với nguồn lực phân bổ ngân sách.

MTEP của các tỉnh phải được WB xem xét, không phản đối và được UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện. Trên cơ sở MTEP được duyệt, các tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện năm trình Bộ GTVT chấp thuận để thực hiện. Như vậy, các tuyến đường được đầu tư bởi dự án liên tục được cập nhật dựa trên mức độ ưu tiên trong MTEP, phân chia thành các dự án thành phần để đầu tư qua từng năm. Danh mục các tuyến đường được Bộ GTVT phê duyệt tại các Quyết định 622 ngày 2/3/2016; Quyết định 1698 ngày 15/6/2017 và Quyết định 462 ngày 7/4/2022 phù hợp với kết quả MTEP tại các thời điểm phê duyệt, làm cơ sở để các tỉnh thực hiện.

Phúc đáp Bộ Tài chính về các hạng mục sử dụng vốn theo quyết định ban đầu (các hạng mục nêu tại Quyết định 1698 ngày 15/6/2017 có được coi là hạng mục ban đầu không), Bộ GTVT cho biết, danh mục tuyến đường địa phương được đầu tư bởi dự án được xác định và chính xác hóa dần qua từng năm thực hiện thông qua việc cập nhật MTEP, rà soát các tuyến dự kiến đầu tư theo tiêu chí của dự án (thông qua các Quyết định 622 ngày 2/3/2016, Quyết định 1698 ngày 15/6/2017 và Quyết định 462 ngày 7/4/2022 của Bộ GTVT).

Về các hạng mục sử dụng vốn dư sau đấu thầu và dự phòng, theo Bộ GTVT, do cần đủ thời gian chuẩn bị và thực hiện đầu tư các hạng mục sử dụng vốn dư nên đến tháng 9/2019, Bộ GTVT tập hợp vốn dư sau đấu thầu và khoản dự phòng không sử dụng hết của các dự án thành phần đã thực hiện, trình Thủ tướng chính phủ xin chủ trương cho sử dụng nhằm thực hiện được tối đa số lượng công trình (cầu và đường) được đầu tư bởi dự án.

Với khoản kinh phí 183 tỷ đồng được tổng hợp tại thời điểm trình Thủ tướng Chính phủ, ước tính khôi phục, cải tạo thêm khoảng 58,08 km đường trên cơ sở suất vốn đầu tư các tuyến đường đã được thực hiện trước đó. Khoản vốn dư được Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng được gộp với khoản vốn còn lại của mỗi tỉnh để đầu tư các dự án thành phần theo mức độ ưu tiên.

"Về bản chất khoản vốn dư này là một phần vốn phân bổ của dự án cho mỗi tỉnh thực hiện hợp phần đường, không phải là khoản vốn tăng thêm ngoài phân bổ gốc", văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

Về các hạng mục sử dụng vốn dư do chênh lệch tỷ giá, Bộ GTVT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 46 ngày 13/1/2022 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án LRAMP. Theo đó, cho phép sử dụng vốn dư do chênh lệch tỷ giá 276,59 tỷ đồng để đầu tư khôi phục, cải tạo thêm các tuyến đường tại 3 tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn và Nam Định.

Trên cơ sở đó, các tỉnh đã phân tích mức độ ưu tiên theo mô hình RONET để lựa chọn và đề xuất 26/119 km ưu tiên thực hiện. Bộ GTVT đã phê duyệt các tuyến đường theo đề xuất của các tỉnh sử dụng vốn dư do chênh lệch tỷ giá theo Quyết định 462 ngày 7/4/2022 của Bộ GTVT.

"Tuy nhiên, tại thời điểm này, các tỉnh chưa thực hiện công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi/báo cáo nghiên cứu khả thi nên chiều dài các tuyến chỉ là dự kiến", Bộ GTVT cho biết.

Dùng 206 tỷ đồng vốn dư để khôi phục, cải tạo 2 tuyến đường ở Lào Cai là phù hợp

Trong Văn bản 8219 ngày 18/8/2022 của Bộ Tài chính gửi Bộ GTVT về việc "sử dụng vốn dư do chênh lệch tỷ giá dự án LRAMP tỉnh Lào Cai: Tổng mức đầu tư, chiều dài và căn cứ xác định", Bộ GTVT cho biết, tại thời điểm đề xuất sử dụng vốn dư do chênh lệch tỷ giá tại Tờ trình 13019 ngày 7/12/2021 của Bộ GTVT chưa xác định được chính xác quy mô nên chưa có sự thống nhất về chiều dài các tuyến đường. 

Do đó, Bộ GTVT đề xuất sử dụng vốn dư do chênh lệch tỷ giá cho tuyến ĐT.156 đoạn từ xã Bản Vược - xã A Mú Sung là 39km, vốn ODA là 116,43 tỷ đồng và tuyến ĐT.151 đoạn từ xã Xuân Giao - Khe Lếch là 30km, vốn ODA là 89,57 tỷ đồng trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Lào Cai.

Sau khi dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định 46 ngày 13/01/2022, tỉnh Lào Cai đã đề nghị và được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định 462 ngày 7/4/2022. Trong đó, tỉnh Lào Cai được phân bổ 206 tỷ đồng vốn dư chênh lệch tỷ giá để đầu tư cho 2 tuyến đường là tuyến ĐT.156 có chiều dài 24,1km và tuyến ĐT.151 có chiều dài là 30km. Thời điểm này, các tuyến đường chưa được phê duyệt dự án, vì vậy đề xuất dựa trên các khảo sát, tính toán sơ bộ ban đầu.

Trên cơ sở khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của từng tuyến đường, UBND tỉnh Lào Cai nhận thấy việc tập trung nguồn vốn cho tuyến ĐT.156 sẽ hiệu quả và cần thiết hơn, vì đây là tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng, đi qua khu vực chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn kém phát triển. Ngoài ra, đây còn là tuyến đường phục vụ phát triển du lịch kết nối TP.Lào Cai với Khu du lịch Y Tý, Khu du lịch cột cờ Lũng Pô,... trong khi tuyến ĐT.151 chỉ cần sửa chữa hư hỏng cục bộ, khôi khục lại mặt đường cũ.

Chính vì vậy, UBND tỉnh Lào Cai báo cáo và đề nghị tập trung nguồn vốn cho tuyến ĐT.156, tăng chiều dài khôi phục cải tạo từ 24,1km lên thành 30,227km, sử dụng vốn ODA là 159 tỷ đồng. Đồng thời, tuyến ĐT.151 vẫn tiến hành khôi phục, cải tạo 30km, sử dụng vốn ODA là 47 tỷ đồng. Tổng số vốn dư do chênh lệch tỷ giá cho 2 tuyến đường vẫn là 206 tỷ đồng, không thay đổi so với Tờ trình 13019 ngày 7/12/2021 và Quyết định 462 ngày 7/4/2022 của Bộ GTVT.

Như vậy, nguồn vốn dư do chênh lệch tỷ giá 206 tỷ đồng sẽ dùng để khôi phục, cải tạo 30km tuyến ĐT.151 và 30,227km tuyến ĐT.156 dài 30,227km (theo Văn bản 8071 ngày 8/8/2022 của Bộ GTVT và Quyết định 1911 ngày 31/8/2022 của UBND tỉnh Lào Cai).

"Việc thay đổi nêu trên không làm ảnh hưởng đến mục tiêu sử dụng vốn dư do chênh lệch tỷ giá đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và hướng tới việc hấp thụ tốt nguồn vốn ODA được phân bổ cho tỉnh Lào Cai, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh du lịch trên địa bàn tỉnh", văn bản phúc đáp Bộ Tài chính nêu.

Hiện 14 tỉnh thực hiện Hợp phần đường của dự án LRAMP (bao gồm cả tỉnh Lào Cai đang bổ sung hồ sơ vốn dư dự phòng, dư sau đầu thầu) đang báo cáo các cấp có thẩm quyền của tỉnh để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục ký hợp đồng vay lại đối với cả 2 khoản vốn dư dự phòng, dư sau đấu thầu theo Quyết định số 1114 ngày 24/7/2020 và dư do chênh lệnh tỷ giá theo Quyết định số 46 ngày 13/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ GTVT sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện hoàn thiện hồ sơ vay lại trình Bộ Tài chính thẩm định; tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nếu các tỉnh không có nhu cầu sử dụng vốn dư.

Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ đẩy nhanh tiến trình rút vốn của dự án LRAMP để đảm bảo giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đã được bố trí phù hợp với thời gian đóng Hiệp định vay vào tháng 6/2023. Những nội dung chưa rõ liên quan đến các địa phương thì các địa phương sẽ làm việc trực tiếp với Bộ Tài chính để thuận lợi trong quá trình thực hiện.