Bộ GTVT và Bộ Công an cần có quy chế phối hợp đảm bảo ATGT

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 05/07/2018 15:38

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm 2018.


5J4A6315 copy
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu kết luận tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Lê Sơn)

Tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm 2018 sáng nay (5/07), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia nhấn mạnh với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, tình hình TTATGT cả nước trong  tiếp tục có chuyển biến tốt, TNGT tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí. Công tác vận tải trong các dịp cao điểm tiếp tục được đảm bảo tốt, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ được nâng cao. Tại các đô thị lớn, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp lập lại trật tự giao thông đô thị, tổ chức sắp xếp hợp lý các hoạt động trên vỉa hè, lề đường, trả lại cảnh quan đô thị.

Phó Thủ tướng đánh giá cao 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2017, trong đó 09 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bạc Liêu, Yên Bái, An Giang, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Đắc Lắc. Đặc biệt, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bạc Liêu giảm trên 30% số người chết do TNGT.

Đề cập đến các vấn đề cụ thể trong quá trình thực hiện bảo đảm TTATGT thời gian qua, Phó Thủ tướng nêu rõ tình hình TNGT diễn biến phức tạp, mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu, số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm 0.75%; vẫn còn 26 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó 10 tỉnh tăng trên 20%. Tình trạng đón, trả khách không đúng nơi quy định (xe dù, bến cóc) sâu trong nội đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương diễn ra phức tạp, chưa có giải pháp căn cơ để xử lý. Tỷ lệ xe quá tải vẫn còn 10-12%, tiếp tục là nguyên nhân gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông. Hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe hiện vẫn đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới TNGT. 

Ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và trên các trục giao thông chính kết nối với 2 thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong các đợt nghỉ lễ dài ngày, khi thời tiết xấu hay có tai nạn hoặc sự cố phương tiện. 

40799949-C0E0-48AA-B1F6-63D9213D2962.
Toàn cảnh Hội nghị

Về nhiệm vụ trọng tâm quý III năm 2018, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Uỷ ban ATGT Quốc gia chủ động nắm bắt tình hình TTATGT để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ Chỉ đạo và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT trong các dịp cao điểm; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia, đặc biệt là Chỉ thị số 32 về Kiểm soát tải trọng phương tiện, Chỉ thị số 04 về nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện và Kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Uỷ ban ATGT Quốc gia tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch năm ATGT 2018 và các Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia; địa phương có TNGT tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2018.

Đối với Bộ GTVT, Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo Chính phủ về việc bổ sung Dự án xây dựng Luật sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc Hội khoá 14. Xây dựng dự thảo Nghị quyết về bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2018 – 2021 (thay thế Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 30/7/2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh). Bộ GTVT cần tổ chức sơ kết thực hiện Chiến lược an toàn giao giao thông đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để làm cơ sở bổ sung, điều chỉnh chiến lược về ATGT phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục ưu tiên sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ để xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên đường bộ; chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa tai nạn đường sắt, xây dựng Đề án “Bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt” trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; tăng cường lực lượng, phương tiện bảo đảm giao thông mùa mưa lũ. Xây dựng phần mềm quản lý xe ô tô kinh doanh vận tải nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vận tải, tăng cương khả năng giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm.

Còn Bộ Công an cần xây dựng quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GTVT trong công tác bảo đảm TTATGT, đặc biệt là việc chia sẻ, liên thông dữ liệu xử lý vi phạm TTATGT của ngành Công an và dữ liệu quản lý lái xe của ngành GTVT. Xây dựng cơ chế thông tin phối hợp lực lượng trên tuyến giao thông; thiết lập cơ chế “thông tin nóng” trên toàn tuyến QL1A và cao tốc để trao đổi, giải quyết tình hình phức tạp về TTATGT. Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT trên các lĩnh vực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đầu tư hệ thống ca me ra giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trật tự na toàn giao thông kết hợp nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.  

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Tập trung tuyên truyền vào các đối tượng có nguy cơ gây TNGT cao như lái xe khách, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn...

Ý kiến của bạn

Bình luận