Bố mẹ làm thế nào để giúp con vào Đại học Stanford

08/05/2017 14:20

Không gây áp lực điểm số, không bao giờ khen thành tích con giành được, luôn gợi mở một hình mẫu lý tưởng để con hướng tới... là cách bố mẹ của nhiều cựu sinh viên Đại học Stanford (Mỹ) áp dụng để giúp con thành công.


IMG-3353-7356-1494145990
Các sinh viên Việt Nam từng hoặc sẽ theo học Đại học Stanford chia sẻ vai trò của bố mẹ trong con đường học tập. Ảnh: Thanh Tâm

Tại buổi tọa đàm Stanford Talk 2017 do tổ chức giáo dục IEG phối hợp với trường Phổ thông liên cấp Olympia tổ chức ngày 7/5, các cựu sinh viên và tân sinh viên Việt Nam của Đại học Stanford (Mỹ) đã chia sẻ về vai trò của bố mẹ trong chặng đường học tập của mỗi người.

Chị Văn Đình Hồng Vũ, cựu sinh viên sau đại học của Stanford cho biết, bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập của chị mặc dù hiếm khi giảng dạy kiến thức mang tính học thuật. Không giống nhiều phụ huynh khác, bố mẹ không bao giờ thích chị được điểm cao và chưa bao giờ khen hay chê thành tích học tập của chị. Ngay cả khi đỗ vào Đại học Stanford (trường luôn đứng trong top 10 đại học hàng đầu thế giới), họ cũng coi đó là việc bình thường.

"Bố mẹ luôn nói rằng được điểm cao là do học nhiều chứ không có gì ghê gớm. Và khi tôi bị điểm kém, bố mẹ cũng không bao giờ chê bai hay so sánh. Điều này giúp tôi không bị áp lực", chị Vũ nhận định.

Học hết lớp 9, chị Vũ thi đỗ vào một trường chuyên ở Nha Trang vì nghe nói học sinh trường chuyên thường đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, gia đình đã quyết định không cho học. 

"Khi đó, các trường công lập không nhận thêm học sinh, bố mẹ không cho học trường chuyên buộc tôi phải theo học ở trường bán công. Tôi đã không hiểu hành động của bố mẹ khi đó, nhưng vị trí của tôi hiện tại đã chứng minh quyết định của họ là đúng đắn", chị Vũ nói và cho rằng học trong môi trường nào và giành được giải thưởng gì không quan trọng bằng việc mình tự học như thế nào.

Giống như gia đình chị Vũ, bố mẹ anh Nguyễn Chí Hiếu chưa một lần mở tiệc ăn mừng khi con trai trở thành thủ khoa các kỳ thi, thậm chí ngay cả khi anh nhận giải thưởng sinh viên giỏi nhất nước Anh hay lọt vào top 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới.

Anh Hiếu cho rằng việc bố mẹ đánh giá con cái qua giải thưởng và điểm số hay chê con học kém sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chặng đường và tư duy của con về sau. "Không kỳ thi nào có thể đánh giá học sinh chính xác mà chỉ tương đối", anh Hiếu nhận định và nhấn mạnh không cần cho trẻ tham gia vào các kỳ thi đánh giá quá sớm vì có thể ảnh hưởng đến tâm lý và quá trình học tập về sau.

anh-Pham-Kim-Hung-2345-1494145991
Cậu bé vàng một thời của Toán học Việt Nam Phạm Kim Hùng cho rằng bố mẹ nên đặt câu hỏi để tìm hiểu về đam mê của con. Ảnh: Thanh Tâm

Anh Phạm Kim Hùng, cựu sinh viên hệ cử nhân của Đại học Stanford kể lại câu chuyện khi mới chuyển lên Hà Nội học trung học phổ thông ở Đại học Tổng hợp. "Tôi rất ngạc nhiên khi nhiều bạn thường xuyên đi chơi điện tử và rồi đến lớp 12, tôi cũng làm điều tương tự. Tôi nhận ra bố mẹ không thể luôn luôn đồng hành cùng con cái”, anh Hùng nói.

Tuy nhiên, cậu bé vàng của Toán học Việt Nam một thời vẫn cho rằng bố mẹ định hướng cho con trở thành một người như thế nào và trường lớp, thầy cô, bạn bè sẽ giúp mình phát triển theo định hướng đó. “Trách nhiệm định hướng thuộc về bố mẹ, nhưng bố mẹ cũng cần biết điều gì tốt nhất cho con vì đam mê và mục đích của mỗi người là khác nhau", anh Hùng nhận định.

Dưới góc độ là người cha, anh Hùng cho rằng bố mẹ cần dạy con cách tự học và cách theo đuổi đam mê khi còn bé. “Tôi không ủng hộ việc bố mẹ bắt con phải học giỏi môn này, môn kia hay học giỏi toàn diện. Phụ huynh cần nhận biết tài năng của con, lĩnh vực con giỏi nhất để vun đắp sâu vào cái đó”, anh Hùng nói và gợi ý để tìm ra đam mê của con, thay vì đặt câu hỏi “con có thích học không”, bố mẹ nên đặt những câu hỏi mang tính khơi gợi như "con thích học môn nào", hay "con có thích trở thành người giống Bill Gates không"?

Võ Tường An, tân sinh viên của Đại học Stanford cho biết từ khi còn nhỏ, bố mẹ thường xuyên khen một người nào đó học giỏi hay ai đó thích đọc sách và am hiểu rất nhiều thứ. “Khi đó, em không để ý nhiều đến những câu nói của bố mẹ nhưng bây giờ em nhận ra mình có sự kết hợp của những hình tượng bố mẹ kể”, An nói và cho biết thêm bố mẹ không bao giờ dạy em điều gì về mặt kiến thức nhưng luôn gợi mở một hình tượng để em hướng tới.

Một điều khác biệt nữa ở phụ huynh của nữ sinh tài năng này là có thái độ về việc học tập của con ở từng giai đoạn rất khác nhau. An cho biết khi em còn 4 tuổi, bố mẹ đã cho học đọc và mặc dù không hướng dẫn em học được nhưng luôn theo sát em đến hết cấp 2.

Khi chuyển sang Mỹ học phổ thông, bố mẹ không can thiệp vào bất cứ quyết định nào của An và tin tưởng em có thể hoàn thành tốt việc học. “Có những hoạt động cần sự đồng ý của phụ huynh mới được tham gia, em gửi giấy về nhà, dù bố mẹ không hiểu một chữ nào trong đó nhưng vẫn ký vào giấy. Điều đó cho thấy bố mẹ rất ủng hộ”, An chia sẻ.

Với anh Huỳnh Minh Việt, cựu sinh viên Đại học Stanford và Đại học Harvard, bố mẹ luôn cho anh sự tự do và động viên theo đuổi đam mê của mình. “Tôi không phải chịu bất kỳ một áp lực nào từ phía gia đình nên việc học khá dễ dàng”, anh Việt nói và cho biết không bao giờ bố mẹ hỏi anh tại sao không học âm nhạc, tại sao không học tiếng Anh. Điều đó giúp anh tập trung được vào lĩnh vực mà mình đang theo đuổi.

Ý kiến của bạn

Bình luận