Ngành Hàng không Việt Nam đầu những năm thế kỷ XXI mặc dù đạt được những thành công rất lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ khoa học của Ngành Hàng không nước ta thời kỳ này chủ yếu dựa vào lực lượng đã được đào tạo ở nước ngoài, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa cũ và Liên bang Xô viết. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, đặc biệt thập niên 90 của thế kỷ XX, việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế.
Bước vào thời kỳ mới với sự phát triển hội nhập quốc tế, ngành Hàng không nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là những năm đầu của thế kỷ XXI, đòi hỏi ngành Hàng không nước ta phải có những bước đột phá mới, trong đó cốt lõi là đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ và năng lực cao phục vụ cho Ngành. Trong bối cảnh đó, với tầm nhìn và sứ mệnh của mình, Ban Giám hiệu Trường Đại học GTVT đã quyết định thành lập Bộ môn Xây dựng Đường ô tô và sân bay (Bộ môn) với 2 chuyên ngành Xây dựng Đường ô tô và Sân bay, Xây dựng Cầu đường ô tô và Sân bay.
Bộ môn đã góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng sân bay - cảng hàng không
GS. TS. Phạm Huy Khang
Nguyên Trưởng Bộ môn đầu tiên - Người đặt nền móng cho chuyên ngành Xây dựng Đường ô tô và sân bay
"Sau 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển, biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển, trải qua quá trình đi từ không đến có, với nền tảng tri thức không ngừng cập nhật, phát triển, Bộ môn đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển của ngành GTVT nói chung và ngành xây dựng công trình hàng không nói riêng, xứng đáng là đơn vị đào tạo duy nhất về hàng không dân dụng trên cả nước trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng công trình cơ sở hạ tầng sân bay - cảng hàng không. Tự hào đã đào tạo hàng nghìn kỹ sư, hàng trăm thạc sỹ, tiến sỹ đang phục vụ trong lĩnh vực xây dựng sân bay - cảng hàng không ở nước ta hiện nay. Nhiều công trình nghiên cứu của Bộ môn đã được áp dụng vào giải quyết các vấn đề thực tế trong lĩnh vực xây dựng giao thông, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không".
Với mục tiêu chiến lược là đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cho ngành Hàng không, từ đó đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ giảng viên (GV), chương trình đào tạo phù hợp. Trong điều kiện khó khăn về giảng viên chuyên ngành và tài liệu giảng dạy, Bộ môn đã được hình thành với đội ngũ ban đầu gồm 6 GV, trong đó có 1 PGS, 3 ThS, 2 KS, do PGS. TS. Phạm Huy Khang làm Trưởng Bộ môn.
Gắn đào tạo với sản xuất
Nhiệm vụ đầu tiên của Bộ môn sau khi thành lập rất nặng nề với 2 nhiệm vụ chính:
- Xây dựng chương trình đào tạo và viết giáo trình giảng dạy;
- Đào tạo, xây dựng đội ngũ GV có đủ trình độ và năng lực, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo.
Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, ngay trong thời gian đầu, các thầy cô của Bộ môn kết hợp với các nhà khoa học trong lĩnh vực hàng không đã hoàn thiện chương trình đào tạo và biên soạn giáo trình giảng dạy.
Chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở chiến lược phát triển của Nhà trường và phù hợp với nhu cầu nguồn lực của ngành Hàng không. Hàng chục chương trình đào tạo được xây dựng và phê duyệt để đưa vào phục vụ có hiệu quả giảng dạy kỹ sư chính quy cho ngành Hàng không và công trình giao thông như kỹ sư xây dựng đường ô tô sân bay. Chương trình đào tạo cho hệ vừa học vừa làm (hệ tại chức), hệ đào tạo văn bằng 2, hệ đào tạo liên thông… Quy mô đào tạo được mở rộng không chỉ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mà còn liên kết đào với Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không, TP. Đà Nẵng và một số địa phương khác.
Để nâng cao trình độ của kỹ sư đào tạo, năm 2008 Bộ môn đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nhà trường cho phép đào tạo trình độ thạc sỹ cho chuyên ngành sân bay.
Qua 20 năm xây dựng và phát triển, Bộ môn đã đào tạo hàng nghìn kỹ sư và hàng trăm thạc sỹ, nhiều kỹ sư đã và đang giữ trọng trách trong lĩnh vực hàng không và xây dựng công trình giao thông.
Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng biên soạn bài giảng, giáo trình, sách phục vụ đào tạo. Chỉ trong một thời gian ngắn, đội ngũ GV của Bộ môn đã tập trung xây dựng và biên soạn giáo trình phục vụ cho giảng dạy. Có thể nói, Bộ môn Xây dựng Đường ô tô và sân bay là một trong những Bộ môn có đầy đủ giáo trình phục vụ giảng dạy trong Khoa.
Các giáo trình tập trung lĩnh vực xây dựng sân bay như: Thiết kế và quy hoạch sân bay - cảng hàng không, Khai thác sửa chữa sân bay - cảng hàng không, Thiết kế mặt đường bê tông xi măng (BTXM), đường ô tô và mặt đường sân bay, Xây dựng mặt đường ô tô và sân bay. Các sách phục vụ đào tạo như: Thiết kế mặt đường sân bay theo quan điểm hiện đại, Công nghệ thi công mặt đường BTXM.
Các giáo trình phục vụ đào tạo thạc sỹ như: Thiết kế và công nghệ xây dựng mặt đường ô tô, Thiết kế nền mặt đường cứng sân bay theo quan điểm hiện đại…
Ngoài ra, các thầy cô còn tham gia đào tạo hàng chục nghiên cứu sinh và đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, từ đây đã tỏa đi cả nước phục vụ cho ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu sinh của nước bạn Lào đã bảo vệ thành công góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào. Các luận án của nghiên cứu sinh đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng phát triển lĩnh vực hàng không, tiêu biểu là Luận án Nghiên cứu thiết kế mặt đường mềm sân bay của NCS. Nguyễn Đình Chung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn thiết kế công trình hàng không ADCC.
Đặc biệt công tác xây dựng đội ngũ GV, lãnh đạo Bộ môn luôn quan tâm, tạo điều kiện để nâng cao trình độ, tạo điều kiện GV nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, cử đi đào tạo ở nước ngoài, cũng như tiếp nhận GV đã được đào tạo ở nước ngoài theo chuyên ngành về làm việc tại Bộ môn. Cho đến nay, đội ngũ GV của Bộ môn gồm 15 người trong đó: 1 GS, 1 PGS, 7 TS và một số giảng viên đang làm NCS.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn thực tế
Với chức năng nhiệm vụ của GV đại học là đào tạo và nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, những năm qua, Bộ môn đã tích cực thực hiện và tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) phục vụ cho ngành GTVT. Nhiều công trình nghiên cứu do Bộ môn chủ trì đều gắn liền với nhu cầu thực tiễn và được đánh giá cao, điển hình là các công trình nghiên cứu về vật liệu xanh (tái chế, sử dụng vật liệu phế thải) như:
- Đề tài nghiên cứu sử dụng phế thải xây dựng tại Hà Nội làm móng mặt đường;
- Đề tài nghiên cứu kết cấu và định hình hoá cầu bộ hành ở Hà Nội;
- Đề tài nghiên cứu và sử dụng phế thải nhà máy giấy làm chất gia cố móng và mặt đường;
- Đề tài sử dụng ảnh vệ tinh trong khảo sát, đánh giá phục vụ quy hoạch các sân bay - cảng hàng không;
- Đề tài nghiên cứu chế tạo vật liệu sửa chữa mặt đường BTXM sân bay;
- Đề tài nghiên cứu đánh giá và giải pháp khắc phục hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên các quốc lộ của Việt Nam.
Và hiện nay, Bộ môn đang tiếp tục triển khai các đề tài phục vụ cho công tác sửa chữa, bảo trì sân bay.
Bên cạnh đó, GV của Bộ môn cũng đã thực hiện và đang tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn gắn liền với ngành hàng không như:
- Xây dựng tiêu chuẩn TCVN về sử dụng gia cố đất bằng chất liên kết hữu cơ và các hoá chất;
- Xây dựng tiêu chuẩn TCVN về thi công và nghiệm thu mặt đường BTXM đường ô tô;
- Rà soát và biên soạn lại tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu mặt đường BTXM sân bay.
Ngoài ra, Bộ môn còn tham gia, thiết kế, thẩm tra, kiểm tra đánh giá và phản biện nhiều dự án sân bay cảng hàng không trên cả nước.
Hợp tác nghiên cứu khoa học
Bộ môn đã phối hợp với nhiều đơn vị khoa học trong và ngoài nước tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học như: Phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học với Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam.
Bộ môn đã kết hợp với các trường đại học của Nhật Bản như Đại học Kyoto tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế, các khóa học về quản lý, quy hoạch công trình giao thông.
Tăng cường nghiên cứu khoa học trong sinh viên
Những năm qua, hàng trăm đề tài NCKH trong sinh viên đã được thực hiện dưới sự hướng của GV trong Bộ môn; trong đó, nhiều đề tài đạt giải cao của Trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiêu biểu là Đề tài nghiên cứu sử dụng phế thải túi nilon làm gạch lát hè đường của nhóm sinh viên Cầu đường ô tô và sân bay K56, đề tài đã được giải nhất và đặc biệt thu hút sự quan tâm của xã hội.
Xây dựng Bộ môn trở thành địa chỉ đào tạo tin cậy về xây dựng sân bay - cảng hàng không
Trên cơ sở định hướng của Nhà trường, Bộ môn sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo chuyên sâu về xây dựng sân bay - cảng hàng không. Tiếp tục cập nhật và phối hợp với các tổ chức khoa học công nghệ hàng không trong nước để hoàn thiện chương trình và giáo trình đào tạo trong điều kiện mới. Tiếp tục hợp tác với các tổ chức hàng không quốc tế để xây dựng đội ngũ GV và đào tạo các kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ có trình độ cao phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Tiếp tục tạo điều kiện nâng cao trình độ cho đội ngũ GV của Bộ môn với phương châm kết hợp giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Sau 20 năm xây dựng và phát triển, trải qua quá trình đi từ không đến có, với nền tảng tri thức không ngừng được cập nhật, phát triển, Bộ môn đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển của ngành GTVT nói chung và ngành xây dựng công trình hàng không nói riêng. Là địa chỉ đỏ tin cậy về đào tạo của ngành hàng không dân dụng cả nước về lĩnh vực công trình cơ sở hạ tầng sân bay - cảng hàng không. Tự hào đã đào tạo nhiều thế hệ kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ đang phục vụ trong lĩnh vực xây dựng sân bay - cảng hàng không ở nước ta hiện nay. Nhiều công trình nghiên cứu của Bộ môn đã được áp dụng vào giải quyết các vấn đề thực tế trong lĩnh vực xây dựng giao thông, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không. Với những thành quả, dấu ấn trên chặng đường vừa qua, những nỗ lực, tập thể Bộ môn đã được khen thưởng các danh hiệu thi đua của Nhà trường, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.