Bổ sung điều kiện cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 15/03/2021 10:13

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 33/2018/TT-BGTVT và Thông tư số 24/2020/TT-BGTVT trong lĩnh vực đường sắt trong đó có một số quy định mới về điều kiện cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam.

Tau-Metro-So-1-1
Bộ GTVT bổ sung quy định về điều kiện cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị mới khai thác

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 05/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TT-BGTVT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; nội dung, chương trình đào tạo chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt và Thông tư số 24/2020/TT-BGTVT ngày 13/10/2020 của Bộ trưởng Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường sắt.

Theo đó, Thông tư 05 đã sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 33/2018/TT-BGTVT, đáng chú ý là bổ sung quy định về điều kiện cấp giấy phép lái tàu (GPLT) cho các lái tàu đầu tiên trên các tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam. Cụ thể:

Có đủ hồ sơ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 35 Thông tư 33;

Là nhân sự lái tàu được doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị hoặc Chủ đầu tư dự án (hoặc tổ chức được Chủ đầu tư dự án giao quản lý dự án đường sắt đô thị) đánh giá đạt yêu cầu khi trực tiếp điều khiển đoàn tàu bảo đảm an toàn trong thời gian vận hành thử toàn hệ thống của Dự án;

Đã được Hội đồng sát hạch cấp giấy phép lái tàu đánh giá đạt yêu cầu theo quy định.

Bên cạnh đó, Thông tư 05 cũng bổ sung quy định thành phần Hội đồng sát hạch cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị đối với các tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam, ngoài thành phần theo quy định cũ (Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam hoặc người được Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam ủy quyền; Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo doanh nghiệp có thí sinh tham dự kỳ sát hạch; các thành viên khác của Hội đồng do Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam quyết định) phải có thêm thành phần Chủ đầu tư dự án (hoặc tổ chức được Chủ đầu tư dự án giao quản lý dự án đường sắt đô thị).

Thông tư 05 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2021.

Toàn văn Thông tư 05 xem tại đây.

Ý kiến của bạn

Bình luận