Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa. |
Thảo luận việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành ngày 8/6, đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM Trần Anh Tuấn cho rằng, dự án này khó đảm bảo tiến độ giai đoạn vào năm 2025.
Trong khi đó, theo ông, áp lực lên sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian tới là rất lớn, và dù cảng hàng không này có được mở rộng theo kế hoạch mà Chính phủ dự kiến triển khai thì cũng không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hành khách.
"Theo tôi cần tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, đáp ứng công suất từ 43-45 triệu hành khách mỗi năm. Đồng thời xóa bỏ hình ảnh sân golf thông thoáng bên cạnh một sân bay bề bộn, ách tắc", ông Tuấn đề xuất.
Đồng tình với đại biểu Tuấn, Phó bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, hiện người dân thành phố chưa yên tâm và bất bình về cách sử dụng đất khuôn viên sân bay Tân Sơn Nhất. "Tính minh bạch và sự đồng thuận trong nhân dân chưa có", bà Quyết Tâm nói.
Tham gia ý kiến, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho hay, phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc là hoàn toàn không khả thi với nhiều lý do: chi phí giải phóng mặt bằng, ô nhiễm tiếng ồn và nhiều vấn đề khác.
Theo Bộ trưởng Nghĩa, phương án khả thi và tiết kiệm nhất được lựa chọn để mở rộng Tân Sơn Nhất là xây dựng thêm một nhà ga T4 với công suất từ 10-15 triệu hành khách, tức là nâng tổng công suất của sân bay lên khoảng 40-43 triệu hành khách mỗi năm. Trong phương án mở rộng này, đường lăn và sân đậu quyết tâm xong trước Tết năm 2018; nhà ga thì tiến độ trong năm 2019 sẽ xong
"Dù mở rộng nhưng đến khoảng năm 2022, Tân Sơn Nhất lại đạt công suất tối đa, tức là sân bay này không thể đảm đương được với mức tăng trưởng hành khách hiện nay", Bộ trưởng Nghĩa nói.
Hồi cuối tháng 2, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp để rà soát các phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong số các phương án được đưa ra, có hai phương án mở rộng về phía Bắc. Một là, xây mới đường cất hạ cánh số 3 ở phía Bắc sân golf, cách đường cất hạ cánh 25R/07L 1.800 m; xây dựng hai nhà ga mới và các công trình phụ trợ nằm trên khu vực đất sân golf. Phương án này có tổng mức đầu tư lên đến 201.350 tỷ đồng.
Hai là, không xây mới đường cất hạ cánh mà chỉ xây dựng nhà ga, các công trình kỹ thuật ở phía Bắc đường lăn gồm sân đỗ, khu dịch vụ kỹ thuật và nhà ga T4 công suất 20 triệu khách/năm, cải tạo đường hạ cất cánh 25R/07L. Tổng mức đầu tư của phương án là 61.590 tỷ đồng.
Nằm ngoài hai phương án trên, phương án được đánh giá phù hợp là xây dựng nhà ga hành khách T4, công suất 10 triệu khách mỗi năm ở khu vực phía Nam sân bay và tiến hành một số cải tạo khác... Do sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội, nên thực hiện phương án này sẽ chỉ mất khoảng 19.700 tỷ đồng.
Hiện đơn vị tư vấn đang hoàn thiện các phương án liên quan để báo cáo Thủ tướng, Thường trực Chính phủ cho ý kiến trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các yếu tố.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.