Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể mở đầu phiên trả lời chất vấn sáng 4/6 |
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết mỗi lượt chất vấn sẽ mời 3 ĐBQH đặt câu hỏi, mỗi câu hỏi tối đa 1 phút và Bộ trưởng có tối đa 3 phút trả lời cho một câu hỏi. Nếu có vấn đề cần nói thêm cho rõ, người điều hành phiên chất vấn có thể để Bộ trưởng nói thêm.
Mở đầu có 36 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)...
Trước khi trả lời 3 đại biểu, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể có 5 phút đầu tiên báo cáo về những vấn đề chung của ngành được dư luận quan tâm.
Trước hết, Bộ trưởng Bộ GTVT gửi lời cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ ngành T.Ư cùng các cơ quan truyền thông đã luôn đồng hành cùng Bộ GTVT. Sự động viên, chỉ đạo và quan tâm của xã hội là động lực lớn giúp Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao,
Bộ trưởng Thể nhấn mạnh, GTVT là ngành kinh tế đặc biệt, quan hệ chặt chẽ với đời sống kinh tế xã hội và được người dân rất quan tâm. GTVT thực hiện chức năng đi trước mở đường để tạ điều kiện cho kinh tế phát triển.
Bộ GTVT luôn nhận được rất nhiều ý kiến cử tri, với trách nhiệm của mình, Bộ GTVT đã lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu và kịp thời trả lời chất vấn của ĐBQH và của cử tri cả nước. "Chúng tôi nghĩ rằng trách nhiệm giải trình của Bộ, ngành là trách nhiệm quan trọng nhất để nhân dân cả nước giám sát hoạt động này", Bộ trưởng Thể cho biết.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Bộ GTVT luôn nỗ lực, phấn đấu thực hiện các chủ trương về phát triển GTVT, cố gắng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Tuy nhiên, do nguồn lực ngân sách và nguồn vốn có hạn nên hạ tầng giao thông, công tác tổ chức GTVT và đảm bảo ATGT thời gian qua nhiều bất cập, hạn chế, GTVT phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, vùng sâu vùng xa còn rất nhiều khó khăn so với các khu vực khác.
GTVT là nhu cầu của các địa phương và yêu cầu của xã hội nhưng nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế nên chỉ đảm bảo một phần yêu cầu của xã hội.
Một số lĩnh vực như đường sắt trong một giai đoạn rất dài chúng ta chưa quan tâm đúng mức nên hệ thống đường sắt đang còn yếu. Một số lĩnh vực GTVT rất quan trọng như đường thuỷ nội địa, GTVT ven bờ đáng lẽ phải được phát triển tốt nhưng do quan tâm chưa đúng mức nên vai trò của các loại hình này hạn chế.
Bên cạnh đó, tình hình TNGT diễn biến phức tạp. Vừa qua cả hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách quyết liệt, trong nhiều năm qua số vụ, số người chết và người bị thương do TNGT giảm theo từng năm nhưng còn ở mức cao.
"Năm 2017 số người chết vì TNGT hơn 8000 người, là con số lớn. Chúng tôi ý thức trách nhiệm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là của ngành GTVT cần có giải pháp đột phá để giảm thiểu TNGT", Bộ trưởng nói.
Để phát triển hạ tầng giao thông, ngoài nguồn vốn Nhà nước và vốn vay, từ năm 2009 đến nay ta đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư theo hình thức BOT, là chủ trương đúng, phù hợp với yêu cầu hiện nay vì ngân sách hạn chế, nợ công ở mức cao. Việc thực hiện triển khai quyết liệt nhưng qua thời gian, ngoài tạo động lực phát triển kinh tế xã hội thì việc quản lý, đấu thầu, khai thác các dự án BOT còn bất cập và được xã hội quan tâm.
Bộ GTVT cùng nhiều Bộ, ngành đã tiếp thu ý kiến, đã chỉ đạo rà soát và trình Chính phủ thay đổi tên trạm thu phí BOT bằng tên mới phù hợp yêu cầu.
Chúng tôi rất cảm ơn dư luận xã hội và ĐBQH quan tâm thời gian qua, chúng tôi sẽ cố gắng sớm nhất báo cáo Chính phủ có tên mới phù hợp thực hiện.
"Thay mặt ngành GTVT, chúng tôi xin nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức vận tải, đảm bảo ATGT và đặc biệt vận hành các dự án BOT một cách tốt nhất", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Rất chia sẻ với Bộ trưởng vừa nhận vị trí mới nhưng mất rất nhiều thời gian để trả lời các kiến nghị của cử tri.
Xin được chất vấn Bộ trưởng: Đề nghị Bộ trưởng làm rõ chênh lệch số năm thu phí giao thông giữa dự toán với kết quả KTNN công bố? Việc thu phí BOT thực hiện trên các cơ sở mở rộng, nâng cấp đường QL 1 sắp tới sẽ khắc phục thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể:
Đây là vấn đề cả xã hội quan tâm. Tôi xin làm rõ sự chênh lệch giữa hợp đồng BOT và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Theo Luật và Nghị định của Chính phủ, giai đoạn qua, chúng ta tổ chức đấu thầu dự án BOT và ký hợp đồng BOT, trong dự án BOT có nhiều phần gọi là dự phòng: như dự phòng vật giá, dự phòng khối lượng, dự kiến công tác GPMB và những vấn đề phát sinh kinh phí. Do đó dự án BOT được duyệt bao gồm các khoản có thể phát sinh nên dự án có giá trị lớn.
Căn cứ vào quy định của pháp luật, Bộ GTVT ký hợp đồng với nhà đầu tư BOT theo dự án được duyệt, đảm bảo tính công khai, minh bạch, trong quá trình thực hiện dự án BOT, Bộ GTVT chủ động kiến nghị Kiểm toán Nhà nước cùng tiến hành kiểm toán trước khi Bộ GTVT quyết toán.
Thời gian qua, với 56 trạm BOT thì Kiểm toán nhà nước đã tham gia kiểm toán 50 dự án, còn 6 dự án đang triển khai.
Để đảm bảo quyền lợi của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư, Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư BOT và trong hợp đồng có 1 điều khoản là giá trị sau quyết toán là căn cứ để Bộ GTVT điều chỉnh thời gian thu phí và các chính sách liên quan đến phí.
Việc Kiểm toán nhà nước phát hiện có sự chênh lệch là điều hiển nhiên. Với những dự án triển khai nhanh, ít biến động giá, ít phát sinh khối lượng thì những phần dự phòng này là phần chênh lệch số năm mà Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra.
Số liệu của Kiểm toán nhà nước và số lượng quyết toán của Bộ GTVT luôn tương đồng với nhau. Đặc biệt, số lượng quyết toán của Bộ GTVT trong nhiều dự án còn thấp hơn cả số liệu của Kiểm toán nhà nước.
Về thu phí BOT, trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân, vừa qua khi mặt bằng giá tăng cao, chúng tôi rà soát và giảm toàn bộ 56 dự án BOT, có dự án giảm 2- 3 lần, từ 35 nghìn đồng/xe con xuống chỉ còn 15 nghìn đồng.
ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc): Tình trạng hiện nay nhà dân được cấp phép xây dựng nhưng sau khi cải tạo nâng cấp đường đã tạo sự chênh lệch cốt rất lớn giữa nhà dân và lề đường, gây bức xúc trong nhân dân. Dân phải bỏ tiền sửa chữa nhà để ở. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm này thuộc cơ quan nào? Cơ quan nào phải bồi thường cho người dân? Giải pháp cho vấn đề này là gì?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể:
Theo Luật Xây dựng, ở các đô thị có quy định cốt nền của các công trình dự án trên đô thị, Bộ GTVT căn cứ vào quy định đó để khống chế cốt của các tuyến đường trong quá trình nâng cấp, xây dựng mới.
Ngoài đô thị không quy định cốt nền mà chỉ quản lý khu cụm dân cư nên thời gian qua một một số dự án cốt mặt đường cao hơn cốt nhà, việc này chúng tôi nghĩ rằng có trách nhiệm của Bộ GTVT, chúng tôi phải cố gắng đưa ra các giải pháp phù hợp với cốt nền để ít ảnh hưởng tới người dân. Như vừa qua, QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên chúng ta nâng cấp từ một đường yếu lên kết cấu lớn để đảm bảo giao thông thông suốt thì chúng ta nâng cốt nền tương đối cao. Trong quá trình thực hiện chúng tôi luôn giám sát chặt chẽ.
Về phía Bộ GTVT, tôi nhận trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân vì chưa có giải pháp đảm bảo hài hoà nhất.
Còn về chính quyền địa phương cũng nên có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành để rà soát thực hiện tốt.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội): Ngày 4/12/2015, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án thu phí tự động không dừng. Ngày 27/2/2018 Thủ tướng đã chỉ thị đẩy nhanh thu phí không dừng. Quan điểm và quyết tâm của Bộ trưởng về việc này thế nào, đến bao giờ hoàn thành thu phí không dừng tại các trạm BOT nhằm minh bạch hơn việc thu phí? Câu hỏi thứ 2 là giao thông vùng Tây Bắc còn rất khó khăn. Cử tri mong Bộ trưởng vi hành bằng ô tô lên với bà con để nghiên cứu xây dựng kế hoạch đầu tư làm đường ở đó có được không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể:
Thu phí không dừng là chủ trương đúng đắn. Thủ tướng đã ban hành quyết định 07, trong đó nêu rõ đến cuối 2018, toàn bộ dự án BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải hoàn thành thu phí tự động, toàn bộ trạm BOT trên các tuyến đường còn lại phải hoàn thành cuối năm 2019.
Hiện nay Bộ GTVT đang triển khai quyết liệt, chúng tôi xem việc thu phí tự động không dừng là giải pháp công khai minh bạch tốt nhất.
Sắp tới khi vận hành toàn bộ thì người dân, các cơ quan Nhà nước có thể giám sát nguồn thu của các trạm BOT một cách cụ thể. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Với vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn cần phát triển giao thông để phát triển du lịch, khai thác các lợi thế về giá trị văn hóa lịch sử, chúng tôi hiểu tình hình khó khăn của Tây Bắc. Bản thân tôi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng đã đi khảo sát và thực tế tại một số địa phương.
Với trách nhiệm của Bộ GTVT, chúng tôi sẽ thực hiện tốt các dự án và tham mưu cho Chính phủ để bố trí các dự án, nhưng cũng có khó khăn là nguồn lực của ta hiện rất hạn chế.
Vừa qua Bộ GTVT trình kế hoạch trung hạn 952 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 5 năm nhưng ngân sách Nhà nước chỉ bố trí được 292 nghìn tỷ đồng, do đó nhiều công trình dự án chưa có điều kiện bố trí vốn.
Chúng tôi tiếp thu ý kiến của ĐB, bản thân tôi và lãnh đạo Bộ sẽ trực tiếp tới các địa phương này để nghiên cứu, phối hợp với địa phương để báo cáo Quốc hội và Chính phủ.
ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định): QL1 qua Bình Định qua nhiều lần sửa hiện vẫn có chất lượng rất xấu, xin hỏi Bộ trưởng bao giờ chính thức khởi công sửa toàn bộ tuyến đường này? Trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào trong việc đảm bảo tiến độ? Hiện QL1 đi qua Bình Định với khoảng 200km song có tới 3 trạm thu phí, có nhiều quá không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể:
QL1 qua Bình Định là đoạn đường hết sức quan trọng, thời gian qua đã nâng cấp và hoàn thành vào 2015. Sau khi hoàn thành thì đến năm 2016, thời tiết diễn biến khắc nghiệt, mùa hè kéo dài nắng nóng, bão lũ nhiều… sau bão có đoạn nước tràn qua mặt đường, kết hợp với lượng phương tiện lưu thông lớn, tải trọng nặng..., trong khi công tác tuần tra kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa được tốt. Vì thế đã có một số đoạn hư hỏng nặng.
Bộ đã chỉ đạo duy tu bảo dưỡng, nhưng kinh phí duy tu sửa chữa rất hạn chế, chỉ đáp ứng 30% nhu cầu, việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn, do đó chưa đáp ứng được. Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục đường bộ Việt Nam xử lý một cách triệt để, đòi hỏi một khoản kinh phí lớn, chúng tôi sẽ cố gắng trong khả năng và từ nguồn Trung ương bố trí thêm.
Về việc trên địa bàn Bình Định có đến 3 trạm BOT, việc này bám sát theo thông tư 159 của Bộ Tài chính, quy định là khoảng cách bình thường giữa 2 trạm BOT là 70km, còn dưới 70km thì có thỏa thuận với địa phương. Và việc này đã có sự đồng ý của UBND tỉnh Bình Định. Tuy nhiên tôi cũng đánh giá là một số nơi trạm BOT còn dày, bà con cũng khó khăn. Tôi kính mong đồng bào cử tri, nhất là tỉnh Bình Định thông cảm. Chúng tôi ưu tiên giảm giá, để chi phí xã hội thấp nhất.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Tôi thấy một trong những vấn đề bất cập trong thể chế về thực hiện trong đầu tư đối tác công tư (PPP), gây nhiều bức xúc chưa giải quyết được căn bản, Bộ trưởng giải quyết thế nào? Đâu là giải pháp căn cơ?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể:
Trong thời gian vừa qua thể chế thực sự chưa hoàn chỉnh nên việc triển khai đã gặp một số vướng mắc, nhất là thời điểm Luật đầu tư công chưa ra đời. Liên quan tới biểu hiện sai phạm thực hiện BOT, Bộ đang tiếp thu và khắc phục triệt để, xử lý cương quyết, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, của Nhà nước và nhà đầu tư.
Hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH-ĐT hoàn thiện các luật liên quan, trong đó quy định trách nhiệm toàn bộ trách nhiệm, cơ chế chính sách liên quan. Chúng tôi mong muốn hoàn thiện luật này sớm.
----
Sau khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kết thúc phần trả lời chất vấn của nhóm ĐBQH đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, Bộ trưởng đã trả lời rất đúng, trúng, đi thẳng vấn đề và đảm bảo đúng thời gian cho phép.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.