Làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt sẽ được làm rõ. Qua kiểm tra, các cơ quan chưa phát hiện được một bằng chứng gì về mối quan hệ giữa nước thải, chất thải với thảm họa về môi trường nhưng về gián tiếp thì có những vấn đề liên quan.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiểm tra, làm việc với lãnh đạo Nhà máy Formosa Ảnh: Tuấn Dũng |
“Đối với pháp luật VN, hệ thống xả thải mà lắp đặt ngầm là không cho phép. Chúng tôi đề nghị phải có biện pháp để giám sát, tiếp cận và quan sát hệ thống này” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng cho rằng, các bộ ngành cơ quan mặc dù có những sự nỗ lực nhưng việc điều phối, triển khai xử lý sự cố, thảm họa lớn thế này là chưa có kinh nghiệm, lúng túng, việc xử lý còn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Với tư cách là bộ trưởng tôi xin nhận khuyết điểm trước sự việc này.
Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu phía Formosa phải khẩn trương khắc phục những tồn tại trong hoạt động của mình, để không làm ảnh hưởng đến các quyền lợi chính đáng của người dân VN.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin thêm, sắp tới sẽ chỉ đạo các cơ quan phối hợp với Sở TN-MT Hà Tĩnh trực tiếp làm việc với FHS để xem xét một số vấn đề về hệ thống xử lý nước thải của nhà máy. Tại đây hiện đã có hệ thống quan trắc tự động 6 thông số, Bộ trưởng đề nghị FHS phối hợp với Sở TN-MT Hà Tĩnh cung cấp số liệu trực tuyến để sở này theo dõi, giám sát thường xuyên.
Kiểm tra hiện tượng cá biển chết hàng loạt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chia sẻ khó khăn với ngư dân miền Trung.
Hiện nay, việc đánh giá cá chết, chất lượng cá có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân hay không, Bộ trưởng cho biết, Bộ NN-PTNT đã và đang kiểm tra, chờ kết quả xử lý các mẫu vật. Khi có kết quả, Bộ sẽ công bố công khai và hướng dẫn ngư dân đánh bắt và sử dụng hải sản.
Trước đó, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký quyết định hỗ trợ các hộ ngư dân. Theo đó, mỗi gia đình ngư dân tại các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Nam và P.Kỳ Phương (đều thuộc TX.Kỳ Anh), chịu ảnh hưởng từ việc hải sản đồng loạt chết, không thể vươn khơi, được hỗ trợ gạo trong thời gian 45 ngày, mức hỗ trợ là 22 kg gạo/nhân khẩu; tổng cộng có 4.500 nhân khẩu được nhận hỗ trợ. UBND tỉnh cũng cấp ứng 750 triệu đồng để hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại trực tiếp do hải sản chết bất thường.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.