Bộ trưởng Công Thương: Có thể cho phá sản dự án thua lỗ nghìn tỷ

Chính trị 15/11/2016 14:23

Nhìn nhận một số dự án có tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ không còn hiệu quả kinh tế, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, có thể xem xét bán hoặc cho phá sản số dự án này.

 

Bộ trưởng Công Thương- Có thể cho phá
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn sáng 15/11. Ảnh: Giang Huy

Ngày 15/11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Trong phiên chất vấn buổi sáng đã có hơn 20 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, xin tranh luận với Bộ trưởng Công Thương, về nhiều vấn đề nóng của ngành.

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, dù ông đã đi qua hai nhiệm kỳ nhưng thực tế mới đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Công Thương trong 7 tháng, trong khi đó, Bộ Công Thương là một Bộ quản lý đa lĩnh vực với nhiều vấn đề sâu và rộng.

Bán hoặc cho phá sản dự án thua lỗ

Là đại biểu đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) chúc Bộ trưởng Công Thương sẽ “làm tròn vai trong nhiệm kỳ của mình”.

Đại biểu Sinh nêu, báo cáo trước Quốc hội về nguyên nhân thua lỗ, yếu kém của một số siêu dự án do Nhà nước đầu tư và Bộ Công Thương quản lý, Bộ trưởng đã chỉ rõ không loại trừ sự cố ý vi phạm trong quản trị hoạt động đầu tư tại các doanh nghiệp Nhà nước. Ông Sinh đề nghị người đứng đầu ngành công thương nêu rõ những sai phạm và trách nhiệm cụ thể trong quản trị doanh nghiệp, quản lý Nhà nước…

“Bộ trưởng có kiến nghị gì để Quốc hội, Chính phủ khắc phục những bất cập trong nguyên tắc quản lý đầu tư tại doanh nghiệp Nhà nước, không để lặp lại tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” như vừa qua?”, vị đại biểu tỉnh Hoà Bình chất vấn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thua lỗ của 5 dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”, do tính đặc thù của ngành, lĩnh vực và tính chất của từng dự án. Tựu chung lại, các dự án trên đều triển khai kéo dài so với thời hạn đầu tư được phê duyệt; hiệu quả kinh tế không còn, không cạnh tranh được với sản phẩm nhập ngoại, thậm chí nhiều dự án doanh thu không đủ bù chi phí. Riêng dự án nhà máy Đạm Ninh Bình đến nay không tất toán được đầu tư, dù nhà máy đã đi vào vận hành. 

“Các dự án này có những tồn đọng, thậm chí là vi phạm trong quản trị, quản lý, năng lực của chủ đầu tư hạn chế”, Bộ trưởng Tuấn Anh nói.

Đề cập giải pháp, Bộ trưởng Tuấn Anh cho rằng phải đảm bảo mục tiêu bảo toàn vốn, bảo vệ lợi ích tài sản nhà nước, phù hợp nguyên tắc thị trường và cam kết quốc tế.

"Có thể tính tới bán dự án, thậm chí tuyên bố phá sản nếu cần thiết", ông nói và cho biết thêm, Bộ đã báo cáo Chính phủ và sau cuộc họp này Chính phủ sẽ đưa ra quyết định cụ thể.

"Các hành vi vi phạm pháp luật và cố tình làm sai trong quản trị, quản lý các dự án sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí có thể xem xét xử lý hình sự”, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.

Đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Tuấn Anh “trôi chảy”, song đại biểu Nguyễn Tiến Sinh thấy chưa hài lòng và xin tranh luận. Ông Sinh cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng Tuấn Anh chưa nói rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đến đâu khi để xảy ra thua lỗ tại 5 dự án này.

“Tôi rất lo ngại, khi đầu tư các dự án tại Tổng công ty 90, 91, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cho chủ trương đầu tư, còn lại khoán trắng, buông lỏng quản lý doanh nghiệp khi triển khai. Tôi thấy việc này không ổn. Trách nhiệm quản lý Nhà nước ở đâu, rồi đến khi thua lỗ lại báo Chính phủ giải quyết?”, ông Sinh tranh luận.

Giải đáp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích, có thể phần trả lời của ông trước đó bị “cuốn theo mạch suy nghĩ”, nên chưa bao quát hết nội dung đại biểu hỏi.

Nhắc lại tính đặc thù của từng dự án, ông Tuấn Anh cho hay, đối với quản trị doanh nghiệp, đã có khuôn khổ pháp lý cụ thể. Do vậy, các dự án trên được xem xét trên khuôn khổ pháp lý để xem có làm sai hay không, do vô tình hay cố tình, sai với mục đích gì, trách nhiệm đến đâu... "Chúng tôi cần có thời gian hoàn tất những công việc này, báo cáo Chính phủ phương án xử lý dứt điểm và sẽ báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bao nhiêu dự án khác tiềm ẩn nguy cơ mất vốn

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đặt câu hỏi, ngoài 5 dự án thua lỗ đã được liệt kê, còn bao nhiêu dự án nữa tiềm ẩn nguy cơ mất vốn? Ông Lân Hiếu đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương trả lời rõ, liệu sau kỳ họp này, sau phần giải trình của Bộ trưởng Tuấn Anh, có thêm một bản danh sách các dự án thua lỗ mà “khiến nhân dân xót xa, đau đớn” hay không?

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ trưởng với dự án Đạm Ninh Bình. Ông cũng muốn Bộ trưởng nói rõ, nếu Nhà máy Đạm Ninh Bình hiệu quả kinh tế không còn thì có bán lại cho nhà đầu tư khác hay không và hướng giải quyết cho 700 công nhân tại nhà máy này thế nào?

Không phát triển thủy điện bằng mọi giá

Đề cập tới việc xả lũ bất ngờ tại như Thuỷ điện Hố Hô (Hà Tĩnh), An Khê – Kanak..., đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) thẳng thắn “chưa bao giờ tính mạng con người lại mỏng manh trước thiên tai đến thế - chết người, trắng tay; hệ quả từ những sai phạm trong quy trình vận hành các công trình thủy điện”. Bà Dung đề nghị Bộ trưởng Tuấn Anh nêu rõ hướng xử lý, bao giờ người dân bị thiệt hại được nhận bồi thường?

Ông Trần Tuấn Anh nhắc lại quan điểm chỉ đạo của Nhà nước và Chính phủ là “không phát triển thủy điện bằng mọi giá”. Qua kiểm tra, Bộ Công Thương thấy có một số vấn đề: Quy trình có, nhưng việc chấp hành quy trình máy móc và nguyên tắc. Chủ đập phải thông báo với địa phương trước khi xả lũ, nhưng trong quy định lại không nói rõ là bằng hình thức nào, có thể đánh kẻng báo động song không ai nghe, gọi điện thì mất điện, không ai nghe máy… 

Chưa bằng lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, bà Dung tái chất vấn:  Xả lũ bất ngờ, xả lũ không báo trước, đặc biệt như thủy điện Hố Hô vừa rồi, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh hoàn toàn không biết. Hoặc xả lũ tại An Khê, đồng chí Trưởng ban, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai không biết.

“Vậy quy trình đúng hay sai, và Bộ trưởng thừa nhận có những vi phạm, vậy sẽ xử lý như thế nào để tới đây người dân không là “nạn nhân” của quy trình đó?”, đại biểu Dung nêu câu hỏi.

Tiếp tục trả lời, người đứng đầu ngành công thương cho hay, thủy điện Hố Hô khi xả lũ thì chủ đập gọi điện cho lãnh đạo địa phương nhưng không nghe máy, nên các địa phương không đảm bảo được sự phối hợp. Đánh giá tổng thể quy trình xả lũ thuỷ điện, ông Tuấn Anh thừa nhận “cũng có những vấn đề về bảo đảm an toàn hạ du”. Do đó, Bộ Công Thương sẽ kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt các quy trình xả lũ, cũng như quy định pháp lý liên quan đến bảo đảm an toàn của địa phương khi thực hiện xả lũ của thủy điện…

Quản lý phân bón còn “phân mảnh”

Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nói dù không phải lần đầu ông đặt câu hỏi cho trưởng ngành công thương về quản lý mặt hàng phân bón, nhưng trước tình trạng phân bón giả hoành hành khiến ông “không khỏi bức xúc”. Ông Sỹ Cương đề nghị, Bộ trưởng Công Thương cần có biện pháp xử lý triệt để tình trạng này.

Thừa nhận quản lý, kiểm soát phân bón giả vẫn còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, Bộ trưởng Công Thương thẳng thắn, “vấn đề này có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước”.

Theo ông, hiện quản lý mặt hàng phân bón đang bị “phân mảnh”, khi một phần là phân bón vô cơ do Bộ Công Thương quản lý, còn phân bón hữu cơ lại giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ sản xuất đến công bố hợp quy. Chính vì vậy dẫn tới sự chồng chéo, hiệu quả quản lý không đảm bảo.

“Để khắc phục, hai Bộ đã có sự phối hợp làm việc và mới đây đề xuất giao cho một cơ quan duy nhất quản lý về mặt Nhà nước”, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị và cho biết, đầu năm 2017 Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ ban hành 16 bộ quy chuẩn quốc gia về phân bón.

5 dự án nghìn tỷ thua lỗ, nguy cơ phá sản

1. Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư;

2. Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung;

3.Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư;

4. Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư. Đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam -Vinapaco theo Quyết định 731/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

5. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam.

Ý kiến của bạn

Bình luận