Triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành GTVT
Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Hoằng đã thông qua dự thảo Chương trình hành động triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành GTVT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, nhằm triển khai thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành GTVT, góp phần thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020 của cả nước; phân công nghiệm vụ cụ thể, thời gian hoàn thành cho các cơ quan, đơn vị và cách thức triển khai thực hiện Đề án.
Về nội dung thực hiện, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Hoằng cho biết sẽ tập trung vào 10 nội dung. Cụ thể: Tuyên truyền, phổ biến và quán triệt chủ trương, nội dung Đề án đến tất cả các cơ quan đơn vị trực thuộc; Đổi mới thể chế chính sách và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về quy hoạch; Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách; Khai thác có hiệu qủa hệ thống KCHTGT hiện có; Tăng cường quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp ngành GTVT; Đẩy mạnh ứng dụng KHCN, hợp tác quốc tế và Phát triển nguồn nhân lực.
Trên cơ sở đánh giá cao Chương trình hành động triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh Đề án tái cơ cấu ngành GTVT được xây dựng theo chương trình hành động của Nghị quyết số 13-NQ/TW về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý mục tiêu của Đề án đưa ra đã phù hợp chưa, cần phân công nghiệm vụ cụ thể của các Thứ trưởng ở từng lĩnh vực, đặc biệt là tập trung vào: tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu vận tải; tái cơ cấu thể chế chính sách phát triển GTVT.
Cụ thể, đối với nhiệm vụ tập trung vào tái cơ cấu đổi mới thể chế chính sách phát triển ngành GTVT, sẽ thành lập Tiểu ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ GTVT trực tiếp làm Trưởng tiểu ban để chỉ đạo triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện; cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, mục tiêu là tất cả các lĩnh vực giảm từ 20 – 50% thủ tục hành chính; đồng thời phân công thực hiện 5 nội dung tái cơ cấu: đường bộ, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, đường sắt.
Về công tác giải ngân, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết trong bối cảnh nền kinh tế nước ta năm 2014 vốn đầu tư phát triển còn gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên vốn dành cho ngành GTVT cao nhất từ trước đến nay, nên việc thực hiện giải ngân rất quan trọng; Bộ trưởng đề nghị đối với các dự án đã phân công cụ thể từng Thứ trưởng phụ trách khi đi kiểm tra tiến độ, chất lượng các dự án phải kiểm tra cả về tiến độ giải ngân.
Cùng với đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Vụ Kế hoạch đầu tư làm báo cáo cụ thể, chi tiết toàn bộ số vốn đã giải ngân tính đến 31/7/2014 của từng dự án, Ban QLDA, chủ đầu tư (trong 8/2014); riêng đối với những đơn vị giải ngân chậm, cần phải chủ động điều hòa (đầu tháng 9/2014); điều chỉnh hợp lý vốn giải phóng mặt bằng, đặc biệt là QL1, QL14; kế hoạch giải ngân các dự án, dự kiến giải ngân của năm 2014, cũng như chuẩn bị xây dựng kế hoạch năm 2015.
4/7 dự án đã được sửa chữa, khắc phục hiện tượng “hằn lún vệt bánh xe”
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD & CLCTGT) Trần Xuân Sanh đã báo cáo về kết quả sửa chữa khắc phục hiện tượng “hằn lún vệt bánh xe” tại 7 dự án, đặc biệt tính đến ngày 31/7/2014 đã có 4/7 dự án đã sửa chữa xong, 3 dự án còn lại dự kiến sẽ sửa chữa xong trước 20/8/2014. Cụ thể, 7 dự án được sửa chữa khắc phục hiện tượng “hằn lún vệt bánh xe” đó là: Dự án BOT QL18 đoạn Uông Bí – Hạ Long, Dự án BOT QL1A đoạn Nam Bến Thủy – tuyến tránh Hà Tĩnh, Dự án tuyến tránh TP Vinh (Nghệ An), Dự án QL3 mới đoạn Hà Nội – Thái Nguyên, Dự án sửa chữa khôi phục mặt đường QL5, Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A, tỉnh Ninh Bình và Dự án tuyến tránh Huế (Thừa Thiên Huế).
Về nội dung này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị thành lập Tổ công tác do Cục QLXD&CLCTGT làm Tổ trưởng, cùng với Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Tổng cục ĐBVN kiểm tra lại tất cả các dự án nêu trên (hoàn thành cuối tháng 8/2014); Bộ trưởng yêu cầu Cục QLXD&CLCTGT qua sự việc này có báo cáo đánh giá nguyên nhân, rút kinh nghiệm cho các dự án khác; đối với những dự án cần kiểm tra lại (Cầu Giẽ – Ninh Bình, Hà Nội – Lào Cai…) phải có thời hạn bảo hành công trình, bảo đảm chất lượng, an toàn giao thông.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các đề án; hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo kế hoạch; từng văn bản phải có kế hoạch, tiến độ cụ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Bộ trưởng yêu cầu sớm thành lập Tổ tổng kết đánh giá Luật Giao thông đường bộ, để đưa vào chương trình báo cáo Quốc hội, Chính phủ để sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ cho phù hợp.
Theo kế hoạch, chiều nay và sáng mai (12/8) Ban Cán sự đảng Bộ tiếp tục làm việc: Kiểm điểm nhiệm vụ các Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ tháng 7, nhiệm vụ tháng 8/2014; Thông qua báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng và báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Họp giải quyết các vấn đề liên quan tại Hội nghị vận tải thủy nội địa Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng; Hội nghị doanh nghiệp cảng biển và hàng hải; Họp về các dự án BOT, BT và các dự án xã hội hóa lĩnh vực đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không, đường bộ…
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.