Tại buổi làm việc, PGS. TS Lương Công Nhớ – Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã có báo cáo về công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển Việt Nam và tóm tắt Đề án “Xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thành trường trọng điểm Quốc gia”.
Theo đó, Trường Đại học hàng hải Việt Nam được thành lập từ năm 1956 với quy mô ban đầu là một trường Sơ cấp. Trải qua hơn 57 năm xây dựng phát triển và trưởng thành, hiện nay Trường là cơ sở đào tạo lớn nhất của ngành GTVT. Với hơn 3.000 sinh viên đại học tuyển hàng năm, 27 chuyên ngành đại học liên quan trực tiếp đến kinh tế biển, 11 chuyên ngành đào tạo cao học, 8 chuyên ngành đào tạo tiến sỹ, Trường có tổng số 21.932 sinh viên, 968 cán bộ, giảng viên. Nhà trường đang đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước.
Để đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển Việt Nam, Trường xác định phải đổi mới căn bản và toàn diện công tác đào tạo bằng nhiều giải pháp, trong đó quan trọng là đổi mới tư duy đào tạo và đổi mới toàn diện các mặt công tác tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo; đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập; tuyển dụng, đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, chuyên viên; đổi mới đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh và đánh giá cao sự chuẩn bị của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam về nội dung Đề án “Xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thành trường trọng điểm Quốc gia” cũng như báo cáo về các kết quả đã đạt được của Nhà trường trong những năm qua và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Bộ trưởng yêu cầu việc thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển Việt Nam và Đề án “Xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thành trường trọng điểm Quốc gia” cần tập trung vào thay đổi cung cách quản lý của Nhà trường và đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng lộ trình cổ phần hóa để tạo nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các ngành, nghề đào tạo, ưu tiên các ngành đào tạo thế mạnh của Trường và các ngành, nghề tiềm năng; đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế, liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; đổi mới cơ chế quản lý và tăng cường tự chủ về tài chính.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Trường cần tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị; Các cơ quan, đơn vị sau phải gửi góp ý bằng văn bản về công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển Việt Nam và Đề án “Xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thành trường trọng điểm Quốc gia” cho Trường.
(BBT)
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.