Bộ trưởng Đinh La Thăng: Xin đừng “bắt cóc bỏ đĩa”

Bạn đọc 11/04/2014 16:29

Những phản ứng đã xuất hiện rất nhanh và không kém phần quyết liệt ngay sau tuần đầu tiên của “Chiến dịch” kiểm tra tải trọng xe.


Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Đình Hạc nhắc tới con số 10,2 triệu tấn vận tải mỗi năm và bày tỏ quan điểm: “Trước đây anh buông lỏng, không kiểm tra, kiểm soát nên để xe quá khổ, quá tải, giờ siết chặt là đúng, không nên cưỡng lại. Nhưng cái gì cũng cần có lộ trình, cần thông báo trước cho các doanh nghiệp sản xuất ít nhất chừng 3 tháng để họ chuẩn bị. Chính sách đột ngột cũng giống như một cái xe đang chạy rất nhanh bỗng phanh gấp, sẽ lộn nhào hết cả”.

Các cảng Vật Cách, Nam Linh, Tuấn Hương đìu hiu, trong khi hàng đọng đang nhãn tiền nguy cơ “vỡ bến”. 300.000 tấn gạo ùn ứ do lái xe nghỉ chạy nhằm đối phó với “chiến dịch”. Giá vật liệu xây dựng tăng từng ngày. Nhà xe “kêu trời” khắp nơi.

Doanh nghiệp la làng khi cước vận tải tăng gấp đôi ngày hôm trước, gấp ba ngày hôm sau.

Phản ứng phổ biến nhất là lái xe “treo niêu” chờ hết chiến dịch, hết phong trào, khi “lý luận” bằng tiền lệ: Phải chở vượt tải thiết kế 4-5 lần mới có lãi.

Và thậm chí, những nhà đạo đức đã bắt đầu nói câu chuyện “trách nhiệm xã hội”, “giải quyết vấn đề xã hội”.

Tất cả những “phản ứng lộn nhào” ấy xảy ra trước đúng một thực tế là những chiếc xe tải đang chở đúng tải trọng thay vì vượt tải gấp 3-4 lần như…thực tế.

Vâng, trước “chiến dịch”, đang có một “tiền lệ thực tế” chẳng hạn một mặt đường chịu tải trọng thiết kế 25 tấn đang phải cõng trên lưng những chiếc xe 50 tấn. Hay những cây cầu, run cầm cập trước những thùng xe cơi nới thành siêu trường siêu trọng và siêu phá hoại.

Một kết quả khảo sát của dự án bảo vệ mạng lưới đường bộ Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ đã tiến hành kiểm tra thí điểm trên QL5 cho thấy, tuyến đường này trung bình có 1.000 xe quá tải/ngày (chiếm tỷ lệ 20%-30%), trong đó có xe tổng trọng tải lên đến 80 tấn, có xe 54 tấn trên trục sau, vượt quá tải 200% theo quy định. Bên cạnh những tiêu cực có thể chưa nhìn thấy được thì chính những chiếc xe siêu tải là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến những con đường ở Việt Nam bị băm vằm đến nát vụn chỉ không lâu sau khi thông xe hoặc sửa chữa.

Những phản ứng là hoàn toàn dễ hiểu khi trước “giờ G ngày N”, tình trạng quá tải đang không chỉ là hình thức “ăn cắp của công” phổ biến đến mức giờ phải làm đúng thì người ta không chịu nổi. Quá tải còn là mối đe dọa với những người dân đang lưu thông trên đường đang hằng ngày đánh cược bằng mạng sống của mình với những chiếc xe hung thần nặng đến mức không thể phanh nổi.

Bộ trưởng Thăng, xin hãy mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Dư luận ủng hộ ông. Chẳng có gì “lộn nhào” cả đâu khi “cái phanh” với nạn quá tải không thể chần chừ hay nhân nhượng hơn được nữa. Sự lộn nhào nếu có, chỉ có thể là lòng tin nếu như việc kiểm tra tải trọng xe tiến hành theo kiểu phong trào, đầu voi đuôi chuột để rồi sau “chiến dịch”, con cóc lại nhảy khỏi đĩa.

Theo Lao động

Ý kiến của bạn

Bình luận