Bộ trưởng GTVT trực tiếp làm rõ nhiều vấn đề nóng liên quan đến BOT

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 19/01/2018 16:31

Chiều 18/1, Bộ GTVT tổ chức buổi họp báo triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 của Ngành và một số nội dung liên quan đến các dự án BOT.


 

DSC_9199
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì họp báo

BOT là chủ trương đúng đắn

Trước những câu hỏi của phóng viên liên quan đến sự phản đối của người dân về các trạm thu phí BOT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn gần đây, các dự án BOT bị phản ánh rất nhiều từ tài xế, người dân và cơ quan đơn vị với nhiều góc độ khác nhau, mức độ phản ứng khác nhau và có những ý kiến phản ánh chưa hợp lý. Về việc này, Bộ GTVT trong năm 2016 cũng đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện chủ trương PPP để tổng hợp lại toàn bộ những việc đã làm được, đang làm và sẽ làm, đặc biệt là chỉ rõ những hạn chế yếu kém để khắc phục.

Qua tổng kết, Bộ GTVT đã chủ động báo cáo Quốc hội, Chính phủ. Ngay từ tháng 5/2016, Bộ GTVT đã có chủ trương nội bộ không phát triển thêm các dự án BOT trên các tuyến quốc lộ hiện hữu vì qua tổng kết cho thấy hệ thống trạm thu phí BOT đã trải đều khắp cả nước. Một số khu vực có mật độ trạm thu phí cao khiến sức chịu đựng của nền kinh tế, chi phí của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng. 

Bên cạnh đó thời gian qua, Bộ GTVT đã rà soát 56 trạm BOT, trong đó 51 trạm đã giảm giá cho người dân. Hiện nay, Bộ đã cho dừng nhiều dự án chậm tiến độ để báo cáo Chính phủ. Những dự án mới không được thực hiện trên đường cũ để chắc chắn trong tương lai sẽ không lặp lại tình trạng như BOT Cai Lậy. Bộ GTVT cũng tăng cường công tác quyết toán, dự án nào không tiến hành quyết toán sẽ không cho thu phí và việc thực hiện quyết toán sẽ được tiến hành công khai. Năm 2018, toàn bộ trạm thu phí trên Quốc lộ 1 sẽ được áp dụng thu phí không dừng để minh bạch hơn.

Tại họp báo, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đến thời điểm này, cả hệ thống chính trị đều khẳng định việc huy động vốn xã hội để phát triển các dự án BOT là chủ trương đúng, phải tiếp tục triển khai để phát triển hạ tầng giao thông. Nếu không làm thì hệ thống giao thông sẽ lạc hậu và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án BOT trong thời gian vừa qua cần phân biệt rõ hai giai đoạn: Giai đoạn trước khi Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra đời thì chưa có Nghị quyết hay Luật nào quy đinh. Trước đây, cơ sở thực hiện là Nghị quyết 13-NQTW và Nghị định 108/2009/NĐ-CP, các văn bản này đều cho phép làm BOT trên đường hiện hữu vì giai đoạn đó các tuyến đường cũ rất hẹp. Để tạo điều kiện cho kinh tế phát triển trong khi khó khăn về nguồn vốn thì chủ trương đó là rất đúng. Việc hoàn thành cải tạo nâng cấp QL1A và Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã làm thay đổi diện mạo giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, TNGT được kéo giảm, bảo đảm an ninh quốc phòng và theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì hạ tầng giao thông của Việt Nam có sự đột phá lớn. 

Xử lý các điểm nóng BOT

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, chúng ta phải ứng xử với các dự án BOT theo 2 giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là thực hiện phù hợp với những chủ trương đã thay đổi, do đó có một số vấn đề không còn phù hợp. Giai đoạn thứ 2 là phải thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Chính phủ là triển khai các dự án BOT trên tuyến song hành. 

Sự phản ứng của xã hội với một số dự án BOT là tất yếu do người dân trả phí nhiều, do vậy Bộ GTVT tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân. 

"Các điểm nóng về BOT trước đây bắt đầu từ cầu Bến Thủy, Nghệ An sau đó lan rộng ra một số trạm BOT ở phía Bắc, tuy nhiên sau khi Bộ GTVT thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, triển khai các giải pháp giảm phí qua các trạm và giải quyết hợp lý những bức xúc của người dân thì tình hình hiện nay ở khu vực phía Bắc và miền Trung đã ổn định", Bộ trưởng nói.

Khu vực miền Nam thực sự bắt đầu nóng trong năm 2017 và cao điểm là dự án BOT Cai Lậy. Dưới sự chỉ đạo của các cấp, Bộ GTVT đã khẩn trương nghiên cứu đề xuất các giải pháp cho Chính phủ  điều hành tốt dự án. Sau thời gian đề xuất, xin chủ trương, cuối tháng 11, Bộ GTVT đã cho vận hành, thu phí lại. Tuy nhiên gần đây lại tiếp tục dừng thu phí vì còn có nhiều sự phản ứng. 

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có việc một số tổ chức cá nhân tổ chức đi phản ứng từ trạm thu phí này đến trạm khác. Bộ trưởng cũng cho hay, sáng 18/1, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp về BOT với nhiều ngành. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch các tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo bảo vệ trạm thu phí để có thể tiếp tục thu hút đầu tư BOT, nhất là cao tốc Bắc - Nam. Ngoài ra, các biểu hiện vi phạm về BOT đang được các cơ quan như Thanh tra, Kiểm toán, các ban Đảng đang kiểm tra, phát hiện sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Về các hành vi manh động, phá barie, dừng hẳn tại trạm..., Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng đã đề nghị Bộ Công an kết hợp với Bộ GTVT xử lý. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh vào cuộc.

Ý kiến của bạn

Bình luận