Chiều 18/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải.
Việc phát triển cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có nhiều thuận lợi khi kết nối với hệ thống đường bộ với nhiều hướng như cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 4, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu.
Trong tương lai, khi quy hoạch cảng trung chuyển Cần Giờ được triển khai, nếu xử lý tốt vấn đề kết nối đường bộ, đảm bảo lưu thông đường thủy trên các tuyến Lòng Tàu, Đồng Tranh, Gò Gia và hạn chế tác động tới môi trường, hệ sinh thái khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn sẽ giúp khu vực có sự phát triển đột phá.
Theo đơn vị tư vấn, khi phát triển cảng Cần Giờ sẽ kết nối và tận dụng tốt hạ tầng logistics sau cảng của khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có khu thương mại tự do Cái Mép và Cái Mép Hạ đang hình thành.
Cụ thể, với khu vực cửa ngõ Cần Giờ đang được nghiên cứu để xây dựng thành cảng trung chuyển quốc tế, cùng chung một luồng Cái Mép, Cần Giờ là phía bờ bên kia của sông Cái Mép nên có đầy đủ những ưu thế hiện tại của Cái Mép. Do đó, nếu sớm được triển khai sẽ tạo đột phá không chỉ cho TP. Hồ Chí Minh mà cả vùng Đông Nam Bộ khi hình thành cửa ngõ giao thương tầm cỡ quốc tế.
Theo ông Cao Hồng Phong, Phó Tổng Giám đốc cảng Gemalink, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có tỉ trọng hàng hoá tăng cao theo từng năm. Đơn vị cũng chủ động đầu tư hạ tầng hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Trong thời gian tới, cảng sẽ phấn đầu đón thêm các tàu container lớn để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, tạo nên sức bật lớn, góp phần nâng cao năng lực của cụm cảng.
Ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cũng kiến nghị, hiện nay khu vực Cái Mép - Thị Vải đang phát triển mạnh mẽ, Cục cũng kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập dự toán đầu tư để cắt các khúc cua trên luồng tuyến này. Đồng thời kiến nghị cần tập trung nguồn vốn để phát triển cho vùng Đông Nam Bộ, tăng cường kết nối bến thuỷ nội địa.
Hiện nay việc nạo vét đổ thanh thải tại các dự án nạo vét luồng duy tu rất khó. Các địa phương hầu như không phối hợp, do vậy việc đổ thanh thải nhận chìm gặp nhiều khó khăn. Cục cũng kiến nghị Bộ GTVT làm việc với các địa phương để tạo điều kiện cho các dự án thực hiện thuận lợi.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cũng nhận định, qua báo cáo của tư vấn, việc quy hoạch cảng biển giai đoạn sắp tới sẽ kế thừa các quy hoạch trước đây và giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2050 có thể tập trung đầu tư và phát triển.
Với đề xuất của tư vấn, Bộ GTVT yêu cầu đơn vị số hoá toàn bộ thông tin, hiện trạng, thông tin quy hoạch để thuận lợi quản lý, phát triển.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định, khu vực Cái Mép - Thị Vải hiện nay có tỉ trọng khai thác cảng rất đặc biệt. Vừa qua, quy hoạch cảng biển quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt, do đó 4 quy hoạch của Bộ GTVT đã phê duyệt cần phải rà soát để có những thay đổi, bổ sung phù hợp.
“Trong đó, điểm mới của việc này là bổ sung quy hoạch cảng Cần Giờ. Chúng ta đang kế thừa quy hoạch trước đó, để có thế phát huy tiềm năng lợi thế của khu vực và đón được các tàu lớn hơn. Tôi rất ấn tượng về quy hoạch này, đặc biệt việc nghiên cứu thiết kế giúp tiết kiệm được chiều dài và có thêm các cầu cảng, mở ra năng lực khai thác về sau. Chúng ta phải tận dụng và phát triển tiềm năng “trời cho” của khu vực Cái Mép - Thị Vải”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao việc số hoá các dữ liệu thông tin, sẽ thuận lợi cho việc nghiên cứu, quản lý, thực hiện các dự án về sau.
“Quan điểm của tôi, những cảng mới về sau sẽ giao cho 1 nhà đầu tư, để đảm bảo cảng phát triển một cách đồng bộ. Chúng ta phải phát triển mạnh mẽ cảng biển, đường thuỷ nội địa để giảm áp lực cho đường bộ và hạn chế TNGT. Bộ cũng đang triển khai các dự án nạo vét các tuyến đường thuỷ, luồng lạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đối với khu vực Cái Mép - Thị Vải, việc kéo dài các cầu cạn rất phù hợp. Bộ GTVT cũng sẽ tập trung nguồn lực, ưu tiên cho khu vực Cái Mép, tận dụng nguồn vốn trong giai đoạn tới", Bộ trưởng khẳng định.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.