Xử nghiêm tổ chức, cá nhân có liên quan chậm tiến độ
Bộ GTVT vừa ban hành thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn vay Ngân hàng thế giới (WB).
Theo đánh giá của Bộ GTVT, thời gian vừa qua, tiến độ chuẩn bị và triển khai các dự án sử dụng vốn vay ODA nói chung và WB nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến lòng tin của các nhà tài trợ.
Ngoài nguyên nhân khách quan do trình tự thủ tục các dự án ODA phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành, ảnh hưởng do việc bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 chậm, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19, còn có nguyên nhân chủ quan của các chủ đầu tư, ban QLDA, tư vấn, nhà thầu. Trong đó, người đứng đầu các chủ đầu tư, ban QLDA chưa tập trung chỉ đạo, bám sát tiến trình thực hiện để phát hiện, xử lý kịp thời, quyết liệt các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị và thực hiện các dự án.
Để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và thực hiện các dự án sử dụng vốn vay WB, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung, nỗ lực chỉ đạo thực hiện với quyết tâm cao nhất.
Đối với dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (QL19), để có thể gia hạn Hiệp định vay đến ngày 31/12/2024 theo thủ tục hồi tố, WB đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ GTVT và Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị hoàn thành các thủ tục để Bộ Tài chính có thư đề xuất gia hạn chính thức cho WB chậm nhất vào ngày 14/7/2023.
Theo quy định trong nước, các cơ quan của Việt Nam phải thực hiện rất nhiều thủ tục để Bộ Tài chính có sơ sở đề xuất gia hạn gửi WB. Do đó, Bộ GTVT yêu cầu Giám đốc Ban QLDA2 trực tiếp bám sát Bộ Tài chính và các Bộ Tư pháp, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước để đảm bảo hoàn thành thủ tục gia hạn hiệp định vay theo thời hạn của WB. Đồng thời chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GTVT về việc gia hạn này. Trong từng bước thực hiện phải báo cáo Bộ trưởng để kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ.
Về tiến độ thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Ban QLDA2 chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương chuẩn bị các thủ tục thực hiện điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án, thủ tục gia hạn hợp đồng, ký kết phụ lục hợp đồng (nếu cần),… để ngay sau khi được gia hạn hiệp định, kịp thời hoàn thiện các thủ tục liên quan đáp ứng tiến độ tuân thủ quy định.
Đối với các trường hợp gia hạn thời gian thực hiện gói thầu, yêu cầu chủ đầu tư làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của các chủ thể tham gia trong quá trình thực hiện dự án, làm cơ sở xử lý theo quy định.
Đồng thời, Ban QLDA2 phải phối hợp chặt chẽ với hội đồng GPMB địa phương, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm bàn giao phần mặt bằng còn lại cho nhà thầu thi công.
"Lãnh đạo ban QLDA phải thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, điều hành dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát khẩn trương, thực hiện các giải pháp cấp bách để huy động mọi nguồn lực, lập kế hoạch thi công chi tiết, tiến độ huy động nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư, vật liệu để thi công hoàn thành từng hạng mục công việc còn lại của từng nhà thầu, gói thầu theo các mốc tiến độ yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ GTVT và cơ bản hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 31/12/2023", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.
Ban QLDA2 cần khẩn trương tổ chức kiểm điểm, rà soát và củng cố lại năng lực của ban điều hành dự án, yêu cầu thay thế ban điều hành của dự án ngay nếu không đáp ứng được yêu cầu của từng gói thầu và của toàn bộ dự án. Đồng thời chấn chỉnh trong công tác quản lý chất lượng, tiến độ, giá thành công trình, ATGT, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, tuyệt đối không để xảy ra việc không quản lý được tiến độ thi công của các nhà thầu,…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện dự án theo; kịp thời báo cáo, đề xuất Bộ GTVT có những giải pháp xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng chậm tiến độ, không đáp ứng theo các mốc tiến độ yêu cầu và tiến độ chi tiết điều chỉnh đã được chấp thuận; lập danh sách các nhà thầu không đáp ứng tiến độ thực hiện dự án theo chỉ đạo của Bộ GTVT để xem xét, đánh giá về lịch sử vi phạm hợp đồng (nếu có) khi đánh giá nhà thầu tham gia các hoạt động xây lắp trong thời gian sắp tới do Bộ GTVT quản lý.
"Tăng tốc" 2 dự án đường thủy
Đối với dự án WB6 Kênh nối Đáy - Ninh Cơ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng biểu dương Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Ban Quản lý các dự án Đường thủy đã nỗ lực, cố gắng, vượt qua những khó khăn, hoàn thành các hạng mục chính của công trình, đáp ứng tiến độ đã gia hạn đến ngày 30/6/2023, đủ điều kiện để thông luồng.
Để kết thúc dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Ban Quản lý các dự án Đường thủy chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương thực hiện công tác thanh thải, dọn dẹp, vệ sinh công trường, hoàn thiện các hạng mục phụ trợ (hàng rào, cây xanh...); đồng thời, phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các đơn vị liên quan hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để nghiệm thu đưa công trình vào khai thác, sử dụng, tổ chức công bố luồng kênh nối Đáy - Ninh Cơ trong tháng 7/2023.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông khẩn trương tham mưu Bộ GTVT có văn bản giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam triển khai công tác lựa chọn đơn vị vận hành, khai thác âu tàu sau khi bàn giao công trình cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý.
Đối với dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, đây là dự án rất quan trọng nhưng việc chuẩn bị rất chậm, việc điều chỉnh các quy hoạch sẽ rất khó khăn.
Do vậy, để có thể phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 10/2023, làm cơ sở đàm phán hiệp định vay vốn với WB vào tháng 12/2023, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy cần tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham mưu của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách GPMB vào đầu tháng 8/2023; bám sát các sở, ngành của UBND tỉnh Đồng Nai để hoàn thành phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Nhơn Trạch, quy hoạch đô thị mới huyện Nhơn Trạch đến năm 2035, làm cơ sở cho HĐND tỉnh Đồng Nai phê duyệt chủ trương chuyển đổi rừng trong tháng 10/2023.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Ban Quản lý các dự án đường thủy nghiên cứu về khả năng điều chỉnh giải pháp kỹ thuật nhằm tránh phải sử dụng đất rừng để có thể chủ động phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong thời gian sớm nhất.
Phấn đấu sớm khởi công cải tạo, nâng cấp hàng loạt quốc lộ bằng vốn vay
Đối với dự án cải tạo, nâng cấp 3 tuyến quốc lộ (53, 62 và 91B) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đây là dự án rất có ý nghĩa đối với nhân dân trong khu vực cũng như phục vụ cho việc phát triển KT-XH của đồng bằng sông Cửu Long.
Do đó, Cục Đường bộ Việt Nam phải khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chủ động, tích cực bám sát các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các bộ liên quan trong quá trình chuẩn bị dự án để phấn đấu khởi công dự án vào quý IV/2024. Trong quá trình thực hiện, gặp khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách để kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ, tháo gỡ.
Đối với dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối với Lào, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thống nhất với đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam chia dự án này thành 2 dự án, trong đó dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ 279, 217 và 4H đề xuất vay vốn WB và dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ 12C, 12A, 15D và 49 nghiên cứu đề xuất vay vốn Chính phủ Hàn Quốc.
Hai dự án này chưa có trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT nên phải thực hiện thủ tục trình Quốc hội bổ sung danh mục dự án. Do đó, Cục Đường bộ Việt Nam cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để bổ sung 2 dự án vào kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, phấn đấu khởi công các dự án này vào cuối năm 2025.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.