Ngành GTVT nỗ lực giải ngân đầu tư công
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, 6 tháng đầu năm 2023, ngành GTVT đã giải ngân được 35.627 tỷ đồng, đạt khoảng 37,4% kế hoạch năm; so với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao hơn cả về giá trị và tỷ lệ (gấp hơn 2 lần giá trị, tỷ lệ cao hơn 7%).
Đến nay, cùng với các địa phương làm cơ quan chủ quản, đã khởi công 13 dự án, điển hình như dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đáp ứng tiến độ yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, ông Tiến cũng thẳng thắn nêu ra một số nhiệm vụ, công việc còn chưa đáp ứng yêu cầu; một số dự án còn chậm tiến độ; giá trị khối lượng hoàn thành của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 mới đạt 3.648/29.108 tỷ đồng (đạt 12,5% số vốn bố trí cho năm 2023).
Để đạt được mục tiêu đề ra, Cục trưởng Cục quản lý đầu tư xây dựng đề nghị các đơn vị chủ đầu tư, Ban QLDA, Tư vấn thiết kế, Cơ quan thẩm định phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách chỉ đạo điều hành; bám sát hiện trường, kịp thời giải quyết các phát sinh; cố gắng, tập trung nỗ lực hoàn thành công việc trong thời gian ngắn nhất với chất lượng cao nhất.
Đặc biệt, các Ban QLDA kiện toàn, nâng cao vai trò đội ngũ cán bộ, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ chủ đầu tư đã được Bộ GTVT giao; chủ động xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chỉ đạo các nhà thầu hoàn thành dứt điểm việc đăng ký khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản trong năm 2023, không để kéo dài qua năm 2024; phối hợp chặt chẽ, đồng hành với các địa phương để hoàn thành việc bàn giao GPMB theo đúng tiến độ yêu cầu đề ra.
Song song với đó, các đơn vị được giao nhiệm vụ cần quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công khoa học, hợp lý, thi công "3 ca, 4 kíp" ngay từ những ngày đầu, tập trung thi công các hạng mục có giá trị sản lượng cao, không ảnh hưởng bởi nguồn nguyên vật liệu để phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2023.
Hết "ùn tắc" đăng kiểm
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết: Từ cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Công an các địa phương đồng loạt thực hiện các chuyên án điều tra, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng về công tác đăng kiểm tại Cục Đăng kiểm VN và các đơn vị liên quan. Trước tình hình đó, được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với các Bộ ngành có liên quan để triển khai các giải pháp để đảm bảo không "ùn tắc" đăng kiểm.
Đến nay, gần 90% đơn vị đăng kiểm đã hoạt động trở lại, không còn tình trạng "ùn tắc" đăng kiểm. Đặc biệt, ngày 2/6/2023, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 08 cho phép giãn chu kỳ kiểm định theo chu kỳ mới quy định tại Thông tư 02/2023 của Bộ GTVT. Theo đó, có khoảng 1,4 triệu ôtô đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải được lùi thời hạn kiểm định thêm 6 tháng.
Người đứng đầu Cục Đăng kiểm VN cũng đề xuất các giải pháp trong hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như: Rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế liên quan đến đăng kiểm và khẩn trương, kịp thời ban hành sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn…; xây dựng Đề án "Đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm", tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ, phân cấp quản lý đến địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước…
Tiếp đó, rà soát các quy định liên quan đến cơ chế tài chính của Cục Đăng kiểm VN, giá dịch vụ, phí, lệ phí kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm bù đắp đủ chi phí hoạt động kiểm định, góp phần hạn chế phát sinh các tiêu cực trong công tác kiểm định xe cơ giới.
Tập trung tối đa cho nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Bộ GTVT cơ bản hoàn thành mọi mục tiêu đặt ra và là một trong những bộ ngành đạt tỷ lệ giải ngân cao. Theo Bộ trưởng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 37% là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, để có thể giải ngân hết 63% còn lại (khoảng gần 60.000 tỷ đồng) trong 6 tháng cuối năm cần sự cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa.
"Lãnh đạo Bộ GTVT đã quyết liệt đi thị sát từng dự án, phối hợp với địa phương để tháo gỡ khó khăn. 6 tháng cuối năm, cần tập trung tối đa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tích cực đi hiện trường và làm việc với các địa phương để kịp thời gỡ khó cho các nhà thầu, từ đó mới hi vọng hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm nay", Bộ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu Vụ Kế hoạch - Đầu tư tham mưu có chế tài xử lý với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án giải ngân không đạt tiến độ…
Để hoàn thành các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, tham mưu kịp thời các nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng, tiến độ về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải...
Đối với từng lĩnh vực, Bộ trưởng chỉ đạo các Cục chuyên ngành cần tăng cường thanh kiểm tra quản lý về đường thủy nội địa, công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, kiểm soát chặt chẽ slot (điều phối giờ cất, hạ cánh) của các hãng hàng không...
Cục Đường bộ VN triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, triển khai thanh, kiểm tra đào tạo lái xe. Cùng đó, cần tăng cường bảo trì đường bộ, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, khắc phục những bất cập về hạ tầng, tổ chức giao thông; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.