Liên quan đến Thông tư 01 của Bộ Công an (định về nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát giao thông) có hiệu lực từ ngày 15/2 tới, ngày 2/2, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm, Bộ Tư pháp cho biết, đơn vị này sẽ trực tiếp kiểm tra.
"Cục đang kiểm tra theo trình tự thủ tục, quy định pháp luật. Chúng tôi đang xem xét tính pháp lý hợp hiến hợp pháp của Thông tư này", vị Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản pháp luật nói với Zing.vn.
"Dừng lại ở Thông tư 01 thì nó chỉ là quy định “treo”. Không phải cứ ban hành thông tư này rồi, CSGT cứ ra đường cầm gậy, vác còi ra trưng dụng tài sản người dân. Nếu làm như vậy là lạm quyền, là trái luật", Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp .
Theo ông Ba, muốn biết Thông tư này có khả thi hay vượt quá thẩm quyền hay không thì phải xác minh thông tin, xem xét đa chiều từ nhiều bên liên quan.
"Hiện đang trong quá trình tác nghiệp kiểm tra nên chưa có kết luận chính thức. Khi có kết luận về pháp lý có hợp hiến, hợp pháp hay không, Cục sẽ thông tin tới các cơ quan báo chí, tuyên truyền cho người dân được rõ", ông Ba nói.
Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc công ty luật Bảo An (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, để xác định việc Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định về trưng dụng tài sản có đúng luật hay không cần phải căn cứ Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 cũng như Luật Công an nhân dân năm 2014.
Đến thời điểm này Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản đang có hiệu lực nên mọi hoạt động về trưng mua, trung dụng phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật này. Theo đó, việc trưng dụng chỉ được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp; Khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia; Khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm hoặc cần được tăng cường bảo vệ theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về an ninh quốc gia; Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.
Theo luật CSGT quyền không được trưng dụng tài sản. Ảnh minh họa: Đoàn Nguyên. |
Đối với tài sản bị trưng dụng như: Máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc và phương tiện kỹ thuật khác thì thẩm quyền trưng dụng duy nhất thuộc về Bộ trưởng 7 Bộ: Tài chính, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương và Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Luật này còn quy định người có thẩm quyền trưng dụng nói trên không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản cho các chủ thể khác. Điều này có nghĩa Bộ trưởng Bộ Công an không được giao quyền quyết định trưng dụng tài sản cho CSGT.
Về trình tự, thủ tục trưng dụng tài sản, việc quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng cũng như việc hoàn trả tài sản, bồi thường cho chủ sở hữu khi việc trưng dụng kết thúc được Luật quy định hết sức chặt chẽ, nhằm hạn chế việc lạm dụng trưng dụng tài sản nhưng cũng đồng thời đảm bảo hiệu lực của quyết định trưng dụng phải được thực thi. Mặt khác, nó cũng góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ tài sản bị trưng dụng.
Điều 15 Luật Công an nhân dân năm 2014 cũng quy định quyền hạn của Công an nhân dân, trong đó có: “Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra”.
Như vậy, cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (chủ thể được đề cập đến trong Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an) khi trưng dụng tài sản cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật mà ở đây chính là Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.
"Tuy nhiên, Luật này lại không có quy định nào cho phép cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ được quyền trưng dụng tài sản. Do vậy, việc Thông tư 01/2016/TT-BCA cho phép cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ được trưng dụng tài sản là chưa đủ cơ sở pháp lý và không có hiệu lực trên thực tế", luật sư Vinh khẳng định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.