Bộ Xây dựng đề nghị nghiên cứu dùng cát biển làm dự án giao thông trọng điểm

Tác giả: Thanh Huyền

saosaosaosaosao
Đường bộ 14/04/2023 16:02

Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác về nghiên cứu sử dụng cát biển cho các dự án trọng điểm.


Bộ Xây dựng đề nghị nghiên cứu dùng cát biển làm dự án giao thông trọng điểm - Ảnh 1.

Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45

Trữ lượng cát san lấp hiện chỉ đáp ứng khoảng 70%

Bộ Xây dựng vừa cáo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình sử dụng cát biển thay thế cát sông làm vật liệu cho các dự án.

Theo đó, về nhu cầu vật liệu cát biển cung cấp cho các dự án trọng điểm, Bộ Xây dựng cho biết, nhu cầu vật liệu san lấp dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (tổng chiều dài khoảng 729km từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa) vào khoảng hơn 59,5 triệu m3, hiện nay cơ bản đáp ứng.

"Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, các dự án cao tốc sẽ triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn và chủ yếu tập trung trong các năm 2023 - 2024. Nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của các dự án đường cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khởi công trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 47,81 triệu m3, trong đó, năm 2023 khoảng 17,8 triệu m3, năm 2024 khoảng 28,4 triệu m3", Bộ Xây dựng đánh giá.

"Theo báo cáo của Bộ GTVT và Bộ Tài nguyên và Môi trường bước đầu đã có phương án tháo gỡ một phần khó khăn về nguồn vật liệu san lấp cho các dự án. Theo đó, đã cấp phép 64 giấy phép khai thác cát với tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m3, công suất khai thác khoảng 17 triệu m3/năm, trong đó, cát san lấp khoảng 14 triệu m3", Bộ Xây dựng thông tin.

Trữ lượng cát san lấp hiện tại chỉ còn khoảng 37 triệu m3, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu. Trong khi thời gian tới, các dự án cao tốc sẽ triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn.
Bộ Xây dựng

Theo văn bản của Bộ Xây dựng, để đảm bảo cung cấp đủ vật liệu san lấp nền đường cho các công trình trọng điểm, Bộ GTVT và Bộ TN&MT đang thực hiện dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trên cơ sở dự án này, Bộ TN&MT đã lựa chọn vị trí có tiềm năng khai thác nguồn cát biển thay thế cát tự nhiên và đảm bảo hiệu quả kinh tế là vùng biển Sóc Trăng, phân bố ở 6 vùng trên phạm vi khu vực biển nằm cách bờ (đất liền) chủ yếu từ 10 đến 25km, độ sâu từ 10 đến 30m với tài nguyên dự báo (cấp 334) khoảng 13,9 tỷ m3. Trong đó, có 335 triệu m3 có thể làm cát bê tông, số còn lại có thể sử dụng làm cát xây trát và vật liệu san lấp.

Theo Bộ Xây dựng, kết quả của dự án nêu trên sẽ làm rõ chất lượng, tiềm năng cát biển và khả năng khai thác để đáp ứng nguồn vật liệu san lấp đang khan hiếm hiện nay. Dự án đã triển khai từ cuối năm 2022 và sẽ kết thúc đến tháng 12/2024, trong đó, khảo sát thực địa từ tháng 1/2023 đến tháng 7/2024.

"Những khó khăn trong việc khai thác cát biển là đánh giá tác động việc sạt lở bờ biển khi khai thác khối lượng và độ sâu lớn. Qua kiểm tra thực tế các khu vực cửa sông giáp biển thuộc tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và một số tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng hàng năm đều có hiện tượng sạt lở và xâm nhập mặn. Mặt khác, kết cấu địa chất cấu tạo của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là hoàn toàn do kiến tạo bồi lắng của phù sa và cát biển nên kết cấu rất mềm, không bền vững", Bộ Xây dựng cho biết.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng cho rằng, Bộ TN&MT cần phải phối hợp với các bộ, ngành chuyên môn có đánh giá tác động hết sức kỹ lưỡng, đầy đủ các ảnh hưởng của việc khai thác cát biển đến sạt lở ven bờ, tác động môi trường liên quan đến đất nông nghiệp nơi có đường giao thông đi qua.

Bộ Xây dựng đề nghị nghiên cứu dùng cát biển làm dự án giao thông trọng điểm - Ảnh 3.

Khai thác cát trên biển (Ảnh minh họa)

Các chỉ tiêu cơ lý cát biển bước đầu cơ bản đáp ứng yêu cầu

Về nguồn gốc địa chất, các nghiên cứu cơ bản chỉ ra, cát biển có nguồn gốc tương tự như cát sông, loại cốt liệu được sử dụng trong bê tông. Thông qua phân tích nhiễu xạ tia X (XRD) và phân tích thạch học, thành phần khoáng chất và nguồn gốc địa chất của cát biển tương tự như cát sông. Tuy nhiên, cát biển và cát sông khác nhau về cấu trúc bề mặt, có thể ảnh hưởng đến sự liên kết trong bê tông.

Theo Bộ Xây dựng, cát biển có chứa lượng muối biển đáng kể, với thành phần chính là muối clorua nên có thể xảy ra vấn đề rửa trôi môi lượng clorua ra môi trường xung quanh (đất, nước ngầm, nước mặt).

Ảnh hưởng của muối clorua đối với môi trường xung quanh bao gồm: Nguy cơ gây ăn mòn đối với kết cấu thép, kể cả với cốt thép trong bê tông; nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng đất khu vực xung quanh.

Theo Bộ Xây dựng, Bộ GTVT cũng đang triển khai đề án thử nghiệm cát biển sử dụng cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để đáp giá mức độ đáp ứng về kỹ thuật của cát biển đối với các dự án xây dựng đường cao tốc, dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2023 để có thể khai thác khi đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.

Bộ GTVT đang tập trung nghiên cứu đánh giá khả năng sử dụng của cát biển cho đường cao tốc thông qua các đoạn đường thí điểm về khả năng chịu tải, ổn định của kết cấu đắp cát biển. Đồng thời, triển khai thiết kế, thi công nghiệm thu thí điểm các đoạn tuyến thực tế ngoài hiện trường có nền đường sử dụng vật liệu cát biển, kết hợp chặt chẽ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để hoàn thiện các nội dung về kinh tế - kỹ thuật, môi trường (thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật thi công và nghiệm thu, các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật của vật liệu, hệ thống tiêu chuẩn thí nghiệm, đánh giá,...).

Bộ Xây dựng
Bước đầu kết quả nghiên cứu khẳng định, các chỉ tiêu cơ lý cát biển cơ bản đáp ứng được yêu cầu cho cát đắp nền theo TCVN 9436:2012, có thể sử dụng dùng cho các lớp nền đường đạt độ chặt K95, K98, đây là các lớp có khối lượng sử dụng vật liệu lớn tại các dự án.

Bộ GTVT đã nghiên cứu triển khai ngoài hiện trường (thí điểm 986m thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau; nguồn vật liệu cát biển của tỉnh Trà Vinh; mỗi đoạn thử nghiệm nền đường được đắp nền hoàn toàn bằng cát biển với độ dốc mái ta luy khác nhau, cũng có phương án đắp nền hoàn toàn bằng cát biển hoặc chỉ thay phần đào hạ cốt âm cao độ để có sự so sánh, đánh giá). Tiếp theo sẽ triển khai thi công thí điểm, hoàn thành công tác thi công trong tháng 5/2023, vừa thi công vừa tiến hành quan trắc đến tháng 11/2023, dự kiến có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023.

Về tiêu chuẩn sử dụng cát biển, Bộ Xây dựng cho biết, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9436:2012 về Nền đường ô tô - Thi công nghiệm thu là cơ sở để áp dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án công trình giao thông.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN cát biển cho bê tông và vữa đã được Bộ Xây dựng hoàn thành và được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định ngày 2/3/2023, hiện đang được hoàn thiện để công bố trong tháng 4/2023.

Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đã công bố một số kết quả nghiên cứu khoa học đối với cát biển sử dụng trong các công trình xây dựng ven biển và hải đảo. Viện Vật liệu xây dựng ban hành tháng 12/2021 chỉ dẫn kỹ thuật: Sử dụng tro bay và cát nghiền, cát biển cho sản xuất bê tông.

Về định mức sử dụng cát biển, theo Bộ Xây dựng, định mức sử dụng cát biên cho công trình giao thông, Bộ GTVT đang giao cho các đơn vị trong ngành GTVT nghiên cứu, xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật của việc dùng cát biển làm vật liệu san lấp, tôn nền cho đường giao thông.

Đối với định mức sử dụng cát biển cho bê tông và vữa, hệ thống định mức hiện hành chỉ quy định chung cho vật liệu cát xây dựng thông thường, chưa có các định mức sử dụng cát biển. Tuy nhiên, đối với sử dụng cát biển cho bê tông và vữa, hoàn toàn có thể áp dụng định mức cấp phối bê tông, vữa như sử dụng cát sông.

Khi sử dụng cát biển thay thế cát sông theo định mức hiện hành, cần có quy định rõ cát biển phải tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc gia chuẩn bị ban hành về "Cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa" và cát biển lựa chọn phải là loại cát thô với mô đun độ lớn 2,3-3,3". Sau khi Tiêu chuẩn quốc gia TCVN cát biển cho bê tông và vữa ban hành, Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng định mức riêng cho cát biển dùng trong bê tông và vữa.

Bộ Xây dựng đề nghị nghiên cứu dùng cát biển làm dự án giao thông trọng điểm - Ảnh 6.

Thi công đắp nền đường cao tốc QL45 - Nghi Sơn

Kiến nghị thành lập Tổ công tác nghiên cứu sử dụng cát biển

Để kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng cát biển thay thế đất đắp nền đường phục vụ cho dự án trọng điểm, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác về nghiên cứu sử dụng cát biển cho các dự án trọng điểm, trong đó Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng UBND các địa phương liên quan thực hiện.

Bộ GTVT, Bộ TN&MT và UBND các địa phương có liên quan tiếp tục khẩn trương triển khai kế hoạch các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Riêng Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng kiến nghị sớm công bố nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, sạt lở bờ sông, bờ biển đối với việc khai thác cát biển; kết thúc sớm đề án điều tra đánh giá cát biển; đánh giá việc ảnh hưởng của khai thác cát biển ở các vị trí, quy mô, độ sâu khác nhau để đưa ra quy định giới hạn về khu vực và quy mô khai thác cát biển nhằm giảm thiểu các tác động môi trường sinh thái và đánh bắt thủy hải sản vì kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước đang khai thác cát biển trên thế giới chỉ cấp phép vùng biển ngoài khơi.

Bộ TN&MT cũng cần xây dựng ban hành chính sách khuyến khích đối với việc khai thác sử dụng cát biển (thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường, tiền sử dụng khu vực biển...), do các mỏ cát khai thác cát biển ngoài khơi chi phí sản xuất sẽ cao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ TN&MT, UBND các địa phương nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường, ảnh hưởng của việc khai thác cát biển tới sạt lở bờ sông, bờ biển.

Bộ Xây dựng sẽ ban hành tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật các chủng loại vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên, cát biển cho bê tông và vữa; hướng dẫn các địa phương công bố giá vật liệu, chỉ số giá xây dựng để triển khai các dự án công trình trọng điểm.

Thế giới dùng cát biển thế nào?

Theo Bộ Xây dựng, việc thiếu cát sông đã dẫn đến việc sử dụng cát biển và cát nghiền ở nhiều nước. Điển hình như: phát triển cơ sở hạ tầng ở Anh; sân bay ở Hongkong; mở rộng thành phố ở Singapore và các dự án lớn ở Trung Đông.

Tỷ lệ sử dụng cát biển trong công trình xây dựng làm cố liệu bê tông ở Nhật Bản chiếm 30% lượng cát xây dựng.

Tại Hàn Quốc cát biển chiếm tỷ lệ khoảng 27,7% trong tổng lượng cát sử dụng trong xây dựng.

Tại Anh, cát biển chiếm khoảng 17% trong tổng số lượng cát sử dụng trong xây dựng.