Theo bà Tiến, dịch bệnh do vi rút Zika đã bùng phát mạnh ở hàng loạt các quốc gia Nam Mỹ như: Brazil, Colombia, Ecuador, Mexico, Paraquay…
Dịch bệnh này cũng lây sang châu Âu khiến hàng trăm người mắc vi rút Zika. Nguy hiểm hơn vi rút Zika đang xuất hiện ở châu Á; còn tại vùng lãnh thổ gần Việt Nam là Đài Loan cũng vừi phát hiện 2 trường hợp nhiễm vi rút Zika.
“Vi rút Zika gây ra hội chứng thần kinh Guillain-Barré và teo não, nhất là ở trẻ mới sinh nhưng đáng lo ngại là có đến 80% người bệnh không có triệu chứng lâm sàng, còn nếu có triệu chứng thì giống triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết như: sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Trong khi đó, đây là loại vi rút mới ở Việt Nam, chúng ta chưa có miễn dịch, kít xét nghiệm vi rút này chưa chuẩn. Do đó, để phát hiện người nhiễm vi rút Zika là điều cực kỳ khó khăn ”, bà Tiến chia sẻ.
Trước tình hình khách quan đầy khó khăn đó, bà Tiến đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các viện Pasteur, các Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng tăng cường giám sát muỗi truyền bệnh Aedes và các hóa chất diệt muỗi để sẵn sàng đối phó với bệnh Zika.
Có thể giám sát chặt chẽ những khu vực có nguy cơ mắc sốt xuất huyết cao, cho lấy mẫu để xét nghiệm. Những khu vực có nguy cơ mắc sốt xuất huyết cao cũng chính là những khu vực người dân có thể bị nhiễm vi rút Zika. Lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, cảng hàng không… những người từ vùng dịch trở về.
Trong điều kiện hiện nay, nhất là Tết Nguyên đán đang đến gần, người dân đi du lịch nhiều nơi sẽ rất nguy hiểm để dịch bệnh này lây nhiễm.
“Tốt nhất, nếu không cần thiết, người dân không nên đi du lịch lúc này, đặc biệt là phụ nữ mang thai đến các quốc gia đang có dịch bệnh vi rút Zika”, bà Tiến khuyến cáo.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến ngày 1.2.2016 có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo các trường hợp nhiễm vi rút Zika, trong đó có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đang lây lan mạnh vi rút Zika, nhất là Brazil, Colombia, Mexico... Hiện nay, vi rút này chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc trị.
PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết không phải tất cả các trường hợp mẹ nhiễm vi rút Zika sinh con đều mắc bệnh teo não, có nhiều bà mẹ âm tính với vi rút Zika nhưng trẻ sinh ra cũng bị chứng teo não. Do đó chưa thể khẳng định chắc chắn vi rút Zika gây ra chứng teo não.
Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang tập trung nghiên cứu để xác định về mối liên quan của vi rút Zika với hội chứng não teo ở trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ mang thai và hội chứng viêm đa rễ và dây thần kinh Guillain-Barre do sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc những bệnh này trong các ổ dịch Zika tại Brazil.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phu, trong ngày 1.2. vừa qua, WHO đã tổ chức cuộc họp Ủy ban tình trạng khẩn cấp của tổ chức này và khẳng định có mối liên quan giữa nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ mang thai của người mẹ và chứng teo não ở trẻ sơ sinh dù chưa có bằng chứng khoa học đầy đủ.
“Hiện nay người dân Việt Nam chưa có miễn dịch đối với vi rút Zika, đồng thời nước ta lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes. Bởi đây cũng là loại muỗi truyền vi rút Zika nên nguy cơ nguy cơ dịch bệnh này có thể xâm nhập và lây lan trong cộng đồng là hoàn toàn có thể do sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn giữa Việt Nam và các nước trên thế giới”, ông Phu nhấn mạnh.
PGS-TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho hay hiện đơn vị đã triển khai 10 điểm giám sát vi rút Zika tại các tỉnh thành phía nam và chuẩn bị sẵn 1.000 mẫu xét nghiệm vi rút Zika để sẵn sàng thực hiện khi phát hiện trường hợp nghi ngờ.
“Các đơn vị điều trị cần giám sát chặt chẽ những biểu hiện lâm sàng của người nhiễm vi rút Zika để có phản hồi cho ngành dự phòng, giúp chúng tôi có thể dự phòng tốt hơn trong việc phát hiện những trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika”, ông Lân đề nghị.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.