Mẫu máy bay CSeries của Bombardier. Ảnh: Reuters |
Động thái này của Bombardier được xem như dấu hiệu từ bỏ hy vọng trở thành một trong những hãng hàng không hàng đầu thế giới trong ngành sản xuất máy bay chở khách, nhưng bù lại việc tiếp cận thị trường Mỹ của Bombardier sẽ được đảm bảo.
“Tôi rất tiếc nhưng đồng thời lại cảm thấy yên tâm. Trong thương vụ này cả hai bên đều là người thắng”, ông Mehran Ebrahimi, giáo sư hàng không tại Đại học Quebec ở Montreal nói với AFP về sự hợp tác giữa Bombardier và Airbus.
Nhà sản xuất máy bay châu Âu đã nỗ lực để nắm quyền sở hữu 50,1% cổ phần trong dự án sản xuất máy bay CSeries nhằm đổi lấy việc sử dụng cũng như nâng cao hiệu quả kinh doanh để tăng doanh số bán hàng của dòng máy bay này.
CSeries là thiết kế đầu tiên dành cho loại máy bay chở khách 100 đến 150 chỗ ngồi của Bombardier trong hơn 25 năm và nó chỉ mới bắt đầu được lắp ráp. Tuy nhiên, chi phí phát triển vượt trội cùng với khiếu nại từ phía nhà sản xuất máy bay Mỹ Boeing cho rằng Bombardier đã nhận được trợ cấp không công bằng của chính phủ Canada, cho phép hãng này bán 75 chiếc CSeries với mức giá thấp hơn cho Delta Airlines đã khiến thị trường hàng không giữa hai nước láng giềng căng thẳng và việc tiếp cận thị trường Mỹ của Bombardier trở nên ngoài tầm với.
Song, giờ đây với sự tham gia của Airbus, doanh số của CSeries được dự đoán có nhiều khả năng sẽ cất cánh trở lại. Hiện mới chỉ có 360 chiếc CSeries được đặt mua, nhưng Airbus tự tin nói rằng họ sẽ đẩy con số này sẽ lên 3.000 chiếc trong vòng 20 năm, chiếm 50% thị phần. Hơn nữa, cái bắt tay giữa Airbus và Bombardier phần nào cũng sẽ tạo điều kiện để hãng sản xuất máy bay lớn nhất Canada né tránh các nghĩa vụ nặng nề từ phía Bộ Thương mại Mỹ do vụ kiện của Boeing gây ra.
“Nếu được thông qua thì khoản thuế nhập khẩu 220% và thuế chống bán phá giá 80% sẽ khiến cánh cửa vào Mỹ của Bombardier bị đóng lại. Tuy nhiên, việc công bố mở một dây chuyền sản xuất máy bay CSeries cho thị trường Mỹ tại nhà máy của Airbus đặt tại tiểu bang Alabama đã đem lại tin vui cho cả Bombardier và Canada”, bà Dominique Anglade, người đứng đầu cơ quan thương mại Quebec, nói.
Mối quan hệ thương mại được thắt chặt giữa Airbus và Bombardier cũng cho phép chính quyền của Thủ tướng Canada Justin Trudeau xem xét lại lời cảnh báo sẽ không mua máy bay chiến đấu của Boeing nếu hãng này vẫn cố theo đuổi vụ kiện.
Song ở đầu kia chiến tuyến, Boeing dường như đang rất bất bình. “Boeing không vui vì sự hợp tác mới của đối thủ. Boeing không bao giờ lường trước được sẽ có một động thái cho phép Airbus kiểm soát dòng máy bay mới trong danh mục đầu tư. Điều này làm suy yếu lợi ích và vị trí chiến lược của Boeing”, ông Walid Hejazi, giáo sư về quản lý hàng không tại Đại học Toronto, cho hay.
Được biết dây chuyền lắp ráp chính của CSeries vẫn ở tại nhà máy của Bombardier ở Montreal (Canada) với 2.000 nhân viên. Tuy nhiên nguồn nhân lực dự kiến sẽ còn tăng lên theo mức doanh thu của sản phẩm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.