Cảnh sát Nhật Bản thu giữ một lượng vàng trị giá 1,3 triệu USD được giấu trong đồ lót phụ nữ tại sân bay quốc tế Kansai vào năm 2016. Ảnh: Asahi Shimbun. |
Theo NY Times, giới chức Nhật Bản cho biết đang đau đầu giải quyết tội phạm kiểu cũ đang hồi sinh ở đất nước này - nạn buôn lậu vàng. Những kẻ buôn lậu, gồm cả chuyên nghiệp và nghiệp dư, bỏ túi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD nhờ trốn các loại thuế nhập khẩu.
Những vụ buôn lậu vàng ngày càng tinh vi và có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng năm 2015, cảnh sát phá vỡ 294 vụ vận chuyển vàng trái phép. Trong một số trường hợp, kẻ cầm đầu đường dây buôn lậu được xác định là những phụ nữ luống tuổi.
Buôn lậu vàng - công việc bán thời gian của phụ nữ lớn tuổi
Những tội phạm buôn lậu vàng ngày càng táo tợn, manh động. Thậm chí, chúng còn cải trang thành cảnh sát để thực hiện những vụ trộm vàng hay giấu hàng triệu USD dưới vỏ bọc tàu đánh cá, máy bay tư nhân. Đặc biệt mới đây, dư luận Nhật Bản dậy sóng bởi cảnh sát phá vỡ đường dây buôn lậu vàng được điều hành bởi một bà nội trợ 66 tuổi. Bà ta thú nhận đã nhận thực hiện 8 chuyến buôn lậu trong vòng 3 năm qua, theo lời cảnh sát.
Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới và có xu hướng giảm dần, hệ quả của tình trạng già hoá dân số. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định một số tội phạm phi bạo lực như ăn cắp, tham ô, buôn lậu vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn so với các tội phạm khác như giết người hay cướp có vũ khí. Đây được coi là dạng tội phạm dễ thu hút được những người già nhẹ dạ cả tin hoặc có hoàn cảnh sống khó khăn, bởi nó không đòi hỏi bạo lực hay phải sử dụng súng.
“Về mặt tâm lý, những người lớn tuổi dễ dàng chấp nhận làm việc này hơn là buôn lậu ma túy. Họ coi đó là cách nhẹ nhàng để kiếm thêm thu nhập, như một công việc bán thời gian”, Takahisa Urushibata, giảng viên tội phạm học tại Đại học Kinh tế và Luật Osaka, nhận định.
Các chiêu thức giấu vàng bị lật tẩy
NY Times cho rằng không giống với các mặt hàng khác, vàng được chia thành khối lượng nhỏ, kẹp vừa trong đồ lót hoặc gắn dưới đế giày.
Tháng 12/2016, 2 người đàn ông có mối liên hệ với băng nhóm Inagawa-kai bị bắt giữ tại sân bay ở Okinawa sau khi hạ cánh từ Macau vì vận chuyển 113 kg vàng. Tháng 7, lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản chặn một tàu đánh bắt cá chở theo 208 kg vàng, trị giá 9,1 triệu USD.
Tháng 8, năm phụ nữ trong độ tuổi U50 và U60 bị tình nghi họ giấu 31 kg vàng trong lớp quần áo, trong chuyến bay từ Hàn Quốc. Số vàng này ước tính trị giá khoảng 1,2 triệu USD.
Những tên cầm đầu ở Nhật Bản chi trả toàn bộ tiền vé máy bay, phí ăn ở cho các “con buôn” và tiền công 200-400 USD cho mỗi 400 gram vàng buôn lậu trót lọt. Trong trường hợp bị bắt giữ, họ sẽ không bị thẩm vấn mà sẽ thông qua người đại diện pháp lý. Bên cạnh đó, họ chỉ buộc tội trốn thuế và được trả lại số vàng nếu nộp phạt đầy đủ, tối đa 90.000 USD.
Các đầu nậu ăn chia lợi nhuận từ khoản chênh lệch trốn thuế. Ảnh minh hoạ: Reuters. |
Theo chuyên gia nghiên cứu xã hội đen Atsushi Mizoguchi, các băng đảng thường chống lưng cho một số vụ buôn lậu. Tuy nhiên, phần lớn được thực hiện bởi những người ít có mối liên hệ với các tổ chức tội phạm truyền thống. “Những đường dây buôn lậu do phụ nữ lớn tuổi đứng đầu hoạt động tinh vi hơn các băng đảng mafia. Chúng còn giàu có và ngày càng mở rộng mạng lưới”, ông Mizoguchi cho hay.
Cảnh sát cho biết vàng buôn lậu thường có xuất xứ từ Hong Kong, Macau - những nơi áp mức thuế thấp và được buôn lậu bằng hàng không hoặc qua đường biên giới bộ với Hàn Quốc.
Khi đưa được nguồn hàng vào nội địa trót lọt, chúng thường bán lại với giá cao hơn tại các tiệm cầm đồ, điểm thu mua. Đó chính là “chìa khoá” lợi nhuận từ việc ăn chia khoản chênh lệch 8% tiền thuế. Lợi nhuận 8% nghe có vẻ khá thấp, nhưng đương nhiên các đầu nậu hiểu rằng “tích tiểu thành đại” và nguy cơ rủi ro rất thấp.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.