BOT đường Hồ Chí Minh có sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư

Tác giả: Minh Nghĩa

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 14/08/2016 11:48

Làm việc với tỉnh Bình Phước, Bình Dương Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị địa phương kêu gọi các nhà đầu tư vào 84km BOT đường Hồ Chí Minh theo hình thức công tư


QL14 - Binh Phuoc
QL14 qua Bình Phước cần đầu tư thêm nhiều hạng mục để tăng hiệu quả khai thác

Ngày 12/8, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT đã có buổi làm việc với hai tỉnh Bình Phước, Bình Dương về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá Bình Phước là một tỉnh có nhiều tiềm năng về điều kiện tự nhiên, đất đai với xấp xỉ 400.000 ha cây lâu năm, cây nông nghiệp. Tuy nhiên các điều kiện thuận lợi đó lại phụ thuộc rất nhiều vào phát triển hạ tầng giao thông, nhu cầu vận chuyển sau chế biến, từ 18 khu công nghiệp trong tỉnh là rất cấp thiết.

Với 8 kiến nghị của Bình Phước chủ yếu xoay quanh đường Hồ Chí Minh (QL14), QL13, là các tuyến huyết mạch đi qua Bình Phước để thúc đẩy phát triển KT-XH, Bộ trưởng đã chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT xem xét giải quyết nhanh chóng. Cụ thể giao cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phối hợp với tỉnh để kiểm đếm, đánh giá, lập biên bản số lượng các tuyến đường địa phương bị hư hỏng do thi công mở rộng đường Hồ Chí Minh, qua đó lên kế hoạch, kinh phí sửa chữa hoàn trả cho địa phương.

Đối với QL14 từ cầu 38 đến Đồng Xoài, giao cho Tổng Cục Đường bộ lên kế hoạch, phương án để xây dựng xử lý hệ thống thoát nước dọc, cửa xả, tránh bị ngập úng cục bộ gây ảnh hưởng nhà dân và mặt đường. Về đề nghị Bộ nhận lại 6,1km QL13 nằm ngoài khu vực BOT quản lý, Tổng cục đường bộ cho biết sẽ làm việc với sở để kiểm đếm cụ thể.

Về kiến nghị của Bình Phước xây cầu Mã Đà kết nối vùng từ Bình Phước qua Đồng Nai, Bộ trưởng giao cho Tổng cục ĐBVN phối hợp với 2 tỉnh cùng đi khảo sát thực tế tìm ra phương án hiệu quả nhất.

Tỉnh cũng kiến nghị khôi phục cầu qua sông Dak Huýt trên tuyến QL14C để kết nối với Tây Ninh, Long An, Bộ trưởng cho biết vì 14C chưa vào cấp Quốc lộ nên sẽ giao Tổng cục ĐBVN cố gắng đảm bảo phần vốn đối ứng theo quy định (35%), còn lại địa phương tự thu xếp. Trước mắt để triển khai sớm, địa phương tự ứng vốn ra làm trước, Bộ sẽ cân đối trả sau.

Về dự án đường Hồ Chí Minh qua Bình Phước, Bộ trưởng giao cho Ban PPP hoàn chỉnh dự án đầu tư BOT theo hình thức công tư (PPP), Bộ trưởng nhấn mạnh đây là BOT hết sức hấp dẫn bởi tỷ lệ vốn nhà nước chiếm phần lớn, còn lại là dành cho các nhà đầu tư quan tâm. Vì vậy địa phương có thể nhanh chóng kêu gọi, tìm kiếm nhà đầu tư.  Ngay trong tháng 9 này, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh sẽ cho khởi công 2 nút giao quan trọng trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua QL22 (Tây Ninh) và QL13 (Bình Phước).

Binh Duong
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa biểu dương Bình Dương đi đầu phát triển Hạ tầng GT và không gian đô thị 

Với Bình Dương, Bí thư tỉnh ủy Trần Văn Nam cho biết rất mong Bộ trưởng tạo thuận lợi cho tỉnh để sớm đưa công tác quy hoạch vào quy củ. Bộ sớm triển khai đầu tư, cắm mốc và bàn giao mốc ngoài thực địa tuyến đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh, đường cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, Đường vành đai 3, Vành đai 4 qua địa bàn Bình Dương, cũng như các cầu qua sông Đồng Nai, sông Sài Gòn của 2 tuyến vành đai.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, nhu cầu vận tải của tỉnh rất lớn, đường bộ có dấu hiệu ùn tắc, tỉnh muốn phát triển vận tải thủy nhưng lại vướng đá ngầm sông Đồng Nai, vướng tĩnh không cầu Bình Lợi…

Ông Trần Thanh Liêm – Phó chủ tịch tỉnh Bình Dương cho biết 20 năm nay, Bình Dương tự lực phát triển hạ tầng, nhưng đến nay nhu cầu phát triển còn lớn , nguồn lực địa phương có hạn. Rất mong Bộ cho cơ chế để sớm xây cây cầu Bạch Đằng, nối Bình Dương – Đồng Nai, giảm áp lực ùn tắc giao thông.

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá cao Bình Dương là tỉnh đi đầu về phát triển hạ tầng giao thông, không gian đô thị. Với 28 KCN, 8 cụm công nghiệp Bình Dương rất cần có quy hoạch tốt, tránh được gánh nặng GPMB về sau khi triển khai xây dựng hạ tầng. Bộ sẽ ưu tiên cắm mốc bàn giao trước ở các khu vực dân cư để phục vụ khâu quy hoạch của tỉnh.

Bộ trưởng  đề nghị tỉnh sớm kêu gọi nhà đầu tư quan tâm đến dự án BOT đường Hồ Chí Minh 84km qua 4 tỉnh Tây Ninh – Bình Phước – Bình Dương – Long An (qua Bình Dương 32km). Đây là dự án đầu tư khá hấp dẫn với hình thức đầu tư công – tư, vốn nhà nước là phần lớn, còn lại dành cho các nhà đầu tư tham gia.

Giao cho Cục Đường thủy nội địa VN khảo sát luồng sông Đồng Nai, đích thân Bộ trưởng sẽ thường xuyên giám sát việc triển khai để tiến độ được đẩy nhanh, bởi khi cầu Bình Lợi nâng tĩnh không, đá ngầm sông Đồng Nai được thanh thải. Từ đó, năng lực vận tải thủy Bình Dương có thể đi lên tận Cái Mép – Thị Vải, chia lửa rất nhiều cho đường bộ.

duong noi do TT TP moi Binh Duong
Đường nội ô TP mới Bình Dương rộng thênh thang hơn cả QL 13 đi qua địa bàn

Bộ trưởng ủng hộ đề án phát triển phương tiện công cộng nhanh của Bình Dương và tỉnh xứng đáng để làm hình mẫu xây dựng mô hình thành phố thông minh, và Bình Dương cũng là nơi có thể thí điểm thu phí không dừng.

Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh, với lượng người từ tỉnh khác đổ về lao động, sinh sống, thì địa phương cần quan tâm hơn đến việc tuyên truyền ý thức chấp hành luật giao thông đến tầng lớp công nhân Khu công nghiệp, người nghèo.

Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách UBATGT Quốc gia nhận định, Bình Dương, Bình Phước cần tăng cường tuần tra xử lý, đặc biệt là kiểm soát nồng độ cồn, hai địa phương có tỷ lệ người chết ở đường tỉnh, đường huyện cao hơn ở QL. Đây là do ý thức chấp hành của người tham gia giao thông. Cần kiểm tra tải trọng xe từ gốc, giao cho CA các huyện chịu trách nhiệm từ các mỏ, đề nghị địa phương cho Y tế kiểm tra nồng độ cồn 100% người bị TNGT để có con số đánh giá chính xác từ đó có biện pháp giảm TNGT.

Ý kiến của bạn

Bình luận