Bước vào năm học mới 2016-2017: Nghiêm cấm lạm thu

02/09/2016 05:14

Một mùa tựu trường mới sắp đến, các con lại chuẩn bị bước vào năm học mới. Bên cạnh niềm vui tới trường của các con thì đó cũng là những câu chuyện, những tiếng thở dài quanh chủ đề tiền nong, học phí, các khoản chi, sắm sửa đầu năm cho các con của các bậc phụ huynh.

vedetang2-204_ATQF
Năm học mới chuẩn bị bắt đầu cũng là lúc những gánh nặng về kinh tế đè nặng lên những người lao động nghèo. Ảnh minh họa

Cấm lạm thu, bày vẽ gây tốn kém cho phụ huynh

Để chuẩn bị cho năm học mới 2016-2017, ngày 31.8, thông tin từ Sở GDĐT TPHCM cho biết, sở đã có hướng dẫn các trường thực hiện nghiêm túc đúng các quy định cho năm học mới. Theo chỉ đạo của Giám đốc Sở GDĐT Lê Hồng Sơn, hiệu trưởng các trường phải thực hiện thông báo và niêm yết công khai và có căn cứ pháp lý. Việc thu các khoản trong nhà trường phải thực hiện theo đúng quy định, không thu gộp, tập trung vào một thời điểm nhất là đầu năm học. Đặc biệt, các trường tiểu học phải ghi rõ các khoản thu hộ, mua giùm cho học sinh (HS) như sách, vở, tài liệu, dụng cụ học tập (không bắt buộc, phụ huynh có thể tự mua); Bán trú (cơ sở vật chất, tiền ăn trưa…); Bảo hiểm…

Về đồng phục, sở đề nghị thực hiện theo quy định đã ban hành. Nghiêm cấm việc lạm thu, bày vẽ, gây tốn kém và khó khăn cho phụ huynh HS. Đồng phục phải được thiết kế giản dị, phù hợp lứa tuổi. Không bắt buộc HS phải mua đồng phục mỗi đầu năm học. HS có thể giữ gìn cẩn thận đồng phục để sử dụng trong nhiều năm hoặc cho các anh chị em trong gia đình. Sở GDĐT TPHCM cũng lưu ý nhà trường không tùy tiện thay đổi đồng phục hằng năm hoặc thêm bớt các chi tiết làm khó khăn phụ huynh HS. Nếu cần có sự thay đổi thì phải báo trước và được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.

Chị Thanh Thúy có con học lớp 5 tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Gò Vấp) đã nhập học từ 15.8 cho biết: “Tôi chỉ mới mua đồng phục cho con tại trường và giá cả cũng bình thường. Riêng các khoản học phí đến nay nhà trường vẫn chưa có thông báo gì. Có lẽ sắp tới khi họp phụ huynh đầu năm học, nhà trường mới thông báo”.

Còn ở Hà Nội, dù chưa nhiều trường có thông báo họp phụ huynh đầu năm để thông báo thu-chi cụ thể nhưng rất nhiều gia đình đã phải tốn kém tiền triệu để sắm sửa đồ đạc, dụng cụ học tập cho con đầu năm học mới. Anh Bùi Văn Chiến (Phúc Thọ, Hà Nội) méo mặt: “Đầu năm bao nhiêu là khoản phải chi. Con mới vào lớp 6 mà bao nhiều loại tiền. Bên cạnh tiền mua sách giáo khoa thì tôi còn tốn gần 700.000 đồng mua sách tham khảo các môn như tiếng Anh, toán, văn, mua đĩa dạy học, tranh ảnh…

Gánh nặng lên những người lao động nghèo

Tìm đến xóm trọ của lao động nghèo ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), bất kỳ ai cũng thấy rõ nỗi lo trên từng khuôn mặt. Những người lao động đi làm thuê từ nhiều vùng quê, bữa ăn đơn giản chỉ có mỗi bát canh mùng tơi, vài quả cà pháo và một chút cá kho. Đây cũng là thời điểm thêm nhiều nỗi lo về các khoản phí bắt đầu cho mùa tựu trường của các con.

Chị Đinh Thị Vân (40 tuổi, Ứng Hòa, Hà Nội, lên trọ ở Vĩnh Tuy bán hoa quả để mưu sinh) kể: “Được biết tiền đóng học đầu năm của hai đứa hết gần 10 triệu đồng, chưa có tiền quần áo, bút mực, dụng cụ học tập. Vợ chồng mưu sinh bán hoa quả ở đây 8 năm rồi nhưng năm nào cũng đến thời điểm này là nỗi lo về tiền bạc lại tăng lên gấp bội”. Không khá khẩm hơn chị Vân là mấy, chị Trần Thị Tâm (45 tuổi, bán thịt ở chợ dân sinh Vĩnh Tuy) thở dài: “Tuy chưa biết được năm nay đóng bao nhiêu tiền, nhưng từ cuối tháng 7 hai vợ chồng đã bắt đầu chắt bóp các khoản chi tiêu để dồn vào tiền đóng học đầu năm cho ba đứa. Đóng xong là hai vợ chồng gần như trắng tay”.

Theo Quyết định 51 của UBND TP.Hà Nội về thu, sử dụng các khoản thu trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập thì có 10 khoản cha mẹ phải đóng góp vào đầu năm học. 10 khoản thu gồm: Bán trú trong các trường có tổ chức học (tiền ăn, chăm sóc và trang thiết bị); Học 2 buổi/ngày trong các trường tiểu học, trung học cơ sở; Học phẩm học sinh trong các trường mầm non; Nước uống tinh khiết; Bảo hiểm y tế; Dạy thêm, học thêm trong các trường THCS, THPT; Viện trợ, quà biếu, tặng cho; Tài trợ theo Thông tư 29 của Bộ GDĐT; Đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường; Quần áo đồng phục, quần áo thể thao, phù hiệu.

Ý kiến của bạn

Bình luận