Cá chết trắng mặt Hồ Gươm sau đêm giao thừa bắn pháo hoa

Diễn đàn khoa học 09/02/2016 07:40

Trưa 8/2 (tức sáng mùng 1 Tết Bính Thân), trên Hồ Gươm phía tiếp giáp với Phố Tràng Thi, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt với rất nhiều xác cá nổi, bốc mùi hôi thối, khiến nhiều người đi qua khu vực này phải đi rất nhanh.

 

Cá chết trắng mặt Hồ Gươm sau đêm giao

Cá chết hàng loạt, bốc mùi hôi thối và nổi đầy lên mặt nước Hồ Gươm gây mất mỹ quan đô thị. Ảnh Lao Động

Chia sẻ với báo Lao Động, một nhân viên của Đội an ninh trật tự đô thị (Hoàn Kiếm) làm việc tại khu vực Hồ Gươm, cá chết là do pháo hoa bắn vào đêm giao thừa ngày 7/2 rơi xuống, khiến cá chết hàng loạt. Người này cũng cho biết tình trạng cá chết do pháo hoa rơi xuống hồ, đây không phải là lần đầu tiên mà năm nào bắn pháo hoa tại Hồ Gươm thì tình trạng cá chết hàng loạt cũng xảy ra.

Theo ghi nhận, hiện tượng cá chết hàng loạt xuất hiện ở khu vực Hồ Gươm nơi tiếp giáp với phố Tràng Thi, phố Đinh Tiên Hoàng, phố Lê Thái Tổ,… Nhiều loại cá chết nổi trên Hồ Gươm đã bốc mùi hôi thối, rất khó chịu. Thêm vào đó, rác thải lẫn xác cá nổi đầy phía Hồ Gươm nơi tiếp giáp với phố Tràng Thi gây mất mỹ quan đô thị

Đặc biệt, nhiều loại cá to cũng chết nổi lềnh bềnh trên mặt Hồ Gươm vào trưa 8/2. Đáng nói, trước đó vào những ngày cuối năm cũ Ất Mùi, tại hồ Tây (Hà Nội) cũng xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt đột ngột và nổi đầy mặt nước, bốc mùi hôi thối.

Theo thông tin trên báo Zing News, gần một tuần qua, hàng nghìn con cá chết nổi trắng xóa một góc hồ Tây, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Lượng lớn cá chết dạt vào gần bờ, cá chết chủ yếu là rô phi, mè.

Phía dưới hồ còn nhiều rác thải do người dân vứt xuống dịp tiễn ông Công - ông Táo. Một người dân sống gần đó cho biết, cá chết hàng loạt từ vài ngày nay nhưng không có đơn vị nào đến thu dọn, gây bốc mùi hôi thối, khó chịu cho người dân xung quanh.

Trao đổi với Zing News về vấn đề cá chết hàng loạt ở Hồ Tây, ông Nguyễn Phúc Quang, Trưởng ban quản lý Hồ Tây cho biết, tình trạng cá chết có thể do môi trường nước ô nhiễm, thời tiết thay đổi đột ngột, cộng với mưa nhiều trước đó khiến cho các loài cá như: cá mè, rô phi, trôi không thích ứng được.

Hiện mỗi ngày hồ Tây phải tiếp nhận 4.000 m3 nước thải của các nhà hàng, quán ăn uống và người dân sinh sống ven hồ thải xuống. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, hàm lượng amoniac trong nước ở mức 1,5 mg/lít, gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép. Hiện tượng xả thẳng nước thải, thức ăn thừa, rác thải… xuống thẳng hồ vẫn thường xuyên diễn ra. Do nước ô nhiễm sẵn nên chỉ cần thay đổi thời tiết mưa nhiều rồi nắng lên là cá chết hàng loạt.

Ý kiến của bạn

Bình luận