Một điểm bán hàng phục vụ khách Trung Quốc vừa mở cửa trở lại tại TP. Móng Cái. |
Sau chiến dịch dẹp loạn thị trường du lịch khách đường bộ Trung Quốc tại Quảng Ninh, giá tour từ 0 đồng có thời điểm lên tới 980 NDT/khách (khoảng 3,3 triệu đồng).
Tuy nhiên, niềm vui đó không được bao lâu khi hầu hết điểm bán hàng phục vụ khách Trung Quốc tại TP.Móng Cái từng bị đóng cửa, hoạt động trở lại.
Không có lỗi, nhưng chẳng cho không
Những ngày gần đây lại có thêm một số điểm bán hàng tại TP.Hạ Long cũng mở cửa lại. Giá tour liên tục giảm, và hiện theo các công ty lữ hành, giá đã rơi xuống 300-400 NDT/khách tại Nam Ninh, Trung Quốc. Nghĩa là “tour 0 đồng” cũng xuất hiện trở lại, bởi số tiền trên chỉ vừa đủ cho chi phí từ Nam Ninh đến Móng Cái.
Các công ty lữ hành không chịu giảm giá và đưa khách vào các điểm bán hàng theo chỉ định của các đối tác Trung Quốc sẽ không được các đối tác giao khách.
Thực tế, tour giá rẻ hay “tour 0 đồng” về bản chất không có lỗi, bởi đó là sự thỏa thuận giữa khách hàng và các công ty lữ hành, và lỗ hay lãi do công ty lữ hành chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, sẽ chẳng có doanh nghiệp, cá nhân nào bỏ tiền để cho khách đi du lịch miễn phí.
Điều đáng nói, hiện tất cả các hoạt động trên cho đến nay các cơ quan chức năng chưa quản lý hiệu quả, khiến dòng tiền thích đi đâu thì đi. Số thuế thu được từ các điểm bán hàng có doanh thu hàng ngàn tỷ đồng/năm chỉ được vài trăm triệu đồng.
Loay hoay và đành chịu?
Để quản lý được các điểm bán hàng này cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền cùng các cơ quan chức năng, như: Thuế, ngân hàng, công an…, nhằm giải quyết các vấn đề: Lao động nước ngoài; nguồn gốc, chất lượng hàng hóa; thu-chi, thanh toán ngoại tệ…
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở Du lịch Quảng Ninh chủ trì xây dựng các tiêu chí cho các điểm bán hàng phục vụ khách Trung Quốc. Tuy nhiên, bản dự thảo chỉ đưa ra các quy định chung chung, đã có trong luật, trong khi đó lại không đưa ra được giải pháp quản lý như thế nào.
Theo ông Nguyễn Hữu Ban - Chi cục trưởng Chi cục Thuế Hạ Long - lâu nay các điểm bán hàng này đều tự khai, tự nộp thuế. Điều đó có nghĩa rằng, các chủ cửa hàng khai bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, trong khi việc kiểm tra rất khó, bởi tránh làm phiền hà các doanh nghiệp.
“Muốn kiểm tra đột xuất các điểm bán hàng, trước hết phải thu thập thông tin xem họ có dấu hiệu vi phạm hay không, sau đó làm văn bản báo cáo với cấp trên. Cấp trên đồng ý thì mới được kiểm tra. Quá trình này mất rất nhiều thời gian, nên khó xử lý được DN nếu họ sai phạm”, ông Ban chia sẻ.
Hiện, UBND TP.Hạ Long và ngành thuế có chủ trương yêu cầu các điểm bán hàng thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp có bán hàng nhưng không ghi vào hóa đơn điện tử hoặc khách không muốn ghi hóa đơn thì cơ quan chức năng cũng hoàn toàn bó tay.
Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, ông Nguyễn Ngọc Thạch - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Quảng Ninh - cho biết các chủ cửa hàng phải đứng tên các máy thanh toán thẻ tín dụng, chứ không được phép ủy quyền thanh toán tiền cho tài khoản của bất cứ cá nhân nào. Tuy nhiên, ông Thạch cũng thừa nhận, nếu chủ và khách chỉ thanh toán bằng tiền mặt thì không dễ quản lý.
Giờ đây, trong lĩnh vực đón khách đường bộ Trung Quốc ở Quảng Ninh có một thực tế rất rõ ràng: Giá tour giảm mạnh, hoặc “tour 0 đồng” xuất hiện chỉ khi các điểm bán hàng hoạt động mà cơ quan chức năng không kiểm soát được và ngược lại.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.